| Hotline: 0983.970.780

Hiểm họa môi trường từ dự án nuôi lợn công nghiệp 70ha ở Nghĩa Mai

Thứ Tư 24/02/2021 , 12:04 (GMT+7)

Chủ trương đầu tư trại lợn công nghiệp quy mô 70ha tại xã Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn, Nghệ An) của một doanh nghiệp đang khiến người dân nơi đây vô cùng bất an.

Nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, một trang trại lợn công nghiệp quy mô hàng chục ngàn con sẽ mọc lên giữa rừng sản xuất. Ảnh minh họa: Việt Khánh.

Nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư, một trang trại lợn công nghiệp quy mô hàng chục ngàn con sẽ mọc lên giữa rừng sản xuất. Ảnh minh họa: Việt Khánh.

Thận trọng không thừa!

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chăn nuôi Nghĩa Mai đang đề xuất chủ trương đầu tư Dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp trên địa bàn xã Nghĩa Mai (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) với diện tích khoảng 70ha.

Về khía cạnh chăn nuôi Nghệ An là tỉnh có thế mạnh, riêng tổng đàn lợn đạt khoảng 900.000 con/năm, nằm trong tốp đầu của cả nước. Quy mô là thế nhưng chủ yếu theo hình thức nông hộ, quy trình nhìn chung chưa đảm bảo nhu cầu đặt ra.

Xét bối cảnh chung, việc hình thành các trang trại lớn, hiện đại theo hướng khép kín là xu thế tất yếu, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia và người dân địa phương, đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chăn nuôi Nghĩa Mai cần phải đánh giá kỹ lưỡng nếu không muốn rơi vào tình cảnh mất nhiều hơn được.

Dù đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng UBND huyện Nghĩa Đàn rất ủng hộ dự án của Nhà đầu tư. Ảnh: Việt Khánh.

Dù đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng UBND huyện Nghĩa Đàn rất ủng hộ dự án của Nhà đầu tư. Ảnh: Việt Khánh.

Trở lại với diễn biến chính, sau khi tiếp nhận Văn bản số 4013/SKHĐT-DN của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc cho ý kiến chủ trương đầu tư, phía Sở NN-PTNT Nghệ An đã phản hồi một số nội dung liên quan.

Trong nội dung điều kiện, tiêu chuẩn xây dựng chuồng trại, Sở NN-PTNT Nghệ An nêu rõ quan điểm: “Căn cứ điều 21, Nghị định 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, quy mô đề xuất của dự án thuộc đối tượng chăn nuôi trang trại quy mô lớn, theo quy định phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

Do đó, Nhà đầu tư cần xem xét, bố trí các hạng mục (chuồng trại, trang thiết bị…) đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 55 Luật chăn nuôi”.

Sự thận trọng cũng được thể hiện rõ: Theo Tiêu chuẩn TCVN 3772:1983 về thiết kế trại nuôi lợn, mật độ xây dựng các công trình đối với khu trại không được thấp hơn 40%, đồng thời không lớn hơn 55%. Đề nghị chủ đầu tư xem xét bố trí lại các hạng mục đầu tư xây dựng, xác định lại nhu cầu sử dụng đất của dự án, đảm bảo phù hợp với quy mô.

Với một dự án điểm, nhất là lĩnh vực nhạy cảm về môi trường như chăn nuôi lợn, việc yêu cầu tất cả các bên liên quan phải rà soát, đánh giá, xem xét chi tiết các yếu tố là điều dễ hiểu. Dù vậy, cơ sở pháp lý là một lẽ, nếu xét toàn cục dễ hình dung việc hình thành trang trại “khủng” có thể dẫn đến hậu họa tiềm tàng trong tương lai không xa về môi trường nếu không có những tính toán thực sự bài bản, khoa học và kỹ lưỡng.

Mất nhìn rõ, lợi chưa thấy đâu?

Địa điểm nơi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chăn nuôi Nghĩa Mai đề xuất chủ trương xây dựng trang trại là quỹ đất được Nhà nước cho Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu thuê để sản xuất, kinh doanh trồng, chăm sóc, khai thác rừng trồng nguyên liệu gỗ và chế biến mủ cao su.

Sự việc sẽ không đáng bàn nếu Sông Hiếu không phải là đơn vị điển hình tiên tiến, rõ hơn là công ty Sông Hiếu là doanh nghiệp lâm nghiệp hiếm hoi trên địa bàn duy trì được đà tăng trưởng ổn định, đồng thời là hạt nhân trong kế hoạch “đưa ngành lâm nghiệp Nghệ An thành trọng tâm khu vực Bắc Trung Bộ”.

Diện tích đề xuất thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, vốn là điểm sáng của ngành lâm nghiệp Nghệ An suốt nhiều năm qua. Ảnh: Việt Khánh.

Diện tích đề xuất thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu, vốn là điểm sáng của ngành lâm nghiệp Nghệ An suốt nhiều năm qua. Ảnh: Việt Khánh.

Nói có sách mách có chứng, sau khi thực hiện chuyển đổi theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu đã chủ động xây dựng và triển khai phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, sớm tổ chức lại hình thức sản xuất bằng cách xác định trồng, kinh doanh cây nguyên liệu và rừng gỗ lớn làm hướng chủ đạo.

Trong bối cảnh nguồn nhân lực hạn chế, công ty đã mạnh dạn mở rộng hình thức liên doanh, liên kết, chú trọng nâng cao chất lượng bằng cách áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng thâm canh. Hiệu quả kinh tế nhanh chóng được cải thiện tức thì, tính ra mỗi chu kỳ (8 – 10 năm) lãi ròng 100 - 130 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần phương thức cũ.

Với diện tích rừng nguyên liệu hiện có khoảng 8.500ha, bao gồm trên dưới 3.000ha rừng gỗ lớn, nhiều chuyên gia quả quyết đây là khối “vàng ròng” trong bối cảnh ngành lâm nghiệp tỉnh nhà chưa thể cất cánh như mong đợi.

Tuy nhiên, nếu UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận theo nội dung của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Chăn nuôi Nghĩa Mai, chắc hẳn sẽ dẫn đến vô vàn vấn đề cần phải tính toán được, mất, trước mắt cũng như lâu dài.

Trước mắt, Nhà nước, doanh nghiệp sẽ mất đi hàng chục ha đất rừng tiềm năng, kéo theo môi trường xung quanh đối diện nguy cơ bị ảnh hưởng trầm trọng. Xa hơn là đòn giáng mạnh vào định hướng phát triển của một đơn vị có bề dày truyền thống, từ lâu được xem là “cánh chim đầu đàn” của ngành lâm nghiệp địa phương.

Đặc biệt, do chăn nuôi thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng nên chỉ khi doanh nghiệp đạt lợi nhuận mới có đóng góp vào ngân sách địa phương, trong khi giá lợn hơi biến động mạnh theo thị trường và chu kỳ nên rất khó đoạn định khi dự án chính thức đi vào hoạt động, bởi mọi thứ đều chỉ đang ở "thì tương lai".

Theo Sở NN-PTNT Nghệ An, khu vực đề xuất xây dựng trang trại lợn công nghiệp của Chủ đầu tư đã được Nhà nước cho Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu thuê lâu dài để chủ động kinh doanh. Do đó "việc chuyển khoảng 70ha là không phù hợp với với tinh thần của Quyết định số 6184/QĐ-UBND ngày 26/12/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án duy trì củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu”.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.