Tấm chăn của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thu được trong trận tiêu diệt đồn Nà Ngần ngày 26/12/1944. Ảnh: KM. |
Kỷ niệm 75 năm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944 -22/12/2019), tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã khai mạc triển lãm “Quân với dân một ý chí”.
Triển lãm trưng bày gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh mối quan hệ quân - dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thành tựu sau 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân; quá trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thu hút người xem tại triển lãm là những hiện vật quý gắn bó với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Một số hiện vật tiêu biểu được trưng bày, như: Vở học tập của đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, dùng ghi chép các bài học quân sự và chính trị; Tấm chăn của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thu được trong trận tiêu diệt đồn Nà Ngần ngày 26/12/1944; Lá cờ giải phóng của Đội 1, Đoàn 126 Hải Quân (Đơn vị Anh hùng) dùng treo trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa sau khi giải phóng đảo, ngày 14/4/1975…
Súng ngắn đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) sử dụng trong trận diệt đồn Phai Khắt và Nà Ngần (12/1944). Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: Ngày 21/12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trao cho ông một bức thư nhỏ được đặt trong một bao thuốc lá. Bức thư nhỏ đó chính là bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. |
17 giờ ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng ngày nay), đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ảnh: Tư liệu. |
Đội có 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nón của đội viên Việt Nam Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đóng giả lính dõng trong trận diệt đồn Phai Khắt và Nà Ngần (12/1944). Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. |
Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Triển lãm góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân về truyền thống gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.
Trung tá Mai Thị Ngọc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: KM. |
Triển lãm kéo dài đến hết tháng 12/2019 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.