I.
Công việc của chú lính ấy là gì? Ngắn gọn, na ná như người giúp việc bây giờ. Lo ba bữa cho thủ trưởng. Lo việc tắm giặt, phơi gấp quần áo; đèo bòng giúp thủ trưởng trong các đợt “đi tiền phương”.
Ký họa chiến trường của Hà Xuân Phong! |
Mùa mưa, trở về “cứ”, những đêm mưa rơi tầm tã ngoài rừng, ngồi bên đống lửa, thủ trưởng cùng công vụ và đám chiến sỹ thích nhất là trò xúm nhau chơi bài “Tiến lên”. Xoong, chảo nhiều lọ nghệ (nhọ nồi) bày sẵn ra. Anh nào thua là bị vẽ râu nhọ nồi lên mặt. Còn nhớ Tư lệnh hướng Đông chiến dịch năm ấy là Đại tá Tư Bốn, nổi tiếng vì thói quen đi “địa hình” với cánh trinh sát bao giờ cũng đòi bò cùng anh em vào tận hàng rào cuối mới yên tâm lên sa đồ tác chiến. Công vụ của Tư lệnh là Vùa A Phử.
Tối ấy chơi bài, Vùa A Phử ngồi bên Tư lệnh và đi cùng “cặp”. Đã 4, 5 lần Tư lệnh thua và Vùa A Phử cùng chịu quẹt nhọ nồi bôi râu lên mặt với Tư lệnh. Đến ván khác, “‘cặp” Tư Lệnh và chiến sỹ công vụ thua tiếp.
Vùa A Phử hồn nhiên, chỉ tay vào mặt Tư lệnh hét to: “Chơi gì mà ngu thế!”. Anh em chúng tôi đưa xanh mắt nhìn nhau. Tư lệnh Tư Bốn bình thản cười lớn “Không sao cả! Ngồi vào chiếu bài quân tướng phải bình đẳng như nhau mới được! Chơi tiếp! Chơi tiếp! ”
Vào một đêm, Tư lệnh tiếp khách từ trên Mặt trận Bộ xuống bàn bạc, quán triệt gì đến tận lúc gà rừng te te gáy sáng vẫn chưa xong. Cuộc họp sắp tan, Đại tá Tư Bốn vẫy tay gọi công vụ Vùa A Phử tới gần thì thầm: “Này, có món gì ngon ngon ta chiêu đãi cấp trên không? Ví như bánh cuốn nóng chẳng hạn? “.
Tưởng mọi chuyện bỏ đó. Đến cuộc họp chi bộ cuối tháng, Vùa A Phử không quên: “Đồng chí Tư Bốn là quan liêu lắm, dốt nhiều đấy! Đêm đó gần 2 giờ sáng rồi còn bảo mình làm bánh cuốn chiêu đãi các thủ trưởng cấp trên. Muốn có bánh cuốn ăn, phải ngâm gạo từ trưa hôm trước, phải xay gạo thành bột… Đồng chí Tư Lệnh phải học tập thực tế thêm nhiều”.
Lại một dịp chúng tôi nhìn nhau xanh mắt mèo. Tư lệnh Tư Bốn bình thản, xoa râu cười, tiếng cười quen thuộc: “Tôi xin tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí Vùa A Phử. Có phải cứ là Tư lệnh thì việc gì cũng thông tỏ đâu. Bao giờ hòa bình, thống nhất tôi xin hứa sẽ học thêm nghề làm bánh cuốn!”
II.
...Mặt trận Bộ của chiến trường chúng tôi năm ấy ở tít trên những đỉnh núi cao. Có mỗi con đường độc đạo đi lên, cheo leo bám một bên vách núi, một bên vực sâu hun hút. Hai người gùi bòng hoặc khênh vác là phải nhường nhau.
Ngược dốc lên, hơi thở phì phò ra cả lỗ mũi, lỗ tai, thứ gì mang theo người cũng teo quắt hết… Đến một ngày, sau một đêm mưa gió dữ dằn, một thân cây đứng trên sườn đồi bỗng đổ kềnh cang.
Gốc chắn ngang con đường mòn đi lên, thân cây dài đến vài chục mét- như một gã khổng lồ treo chênh vênh ra phía ngoài vực thẳm. Cái gốc cây chắn ngang lối mòn to đến mấy vòng tay ôm. Tướng, quan, lính tráng qua lại, đều phải chịn đít, đặt mông lên thân cây, vắt chân sang phía bên kia mới qua được...
Cây đổ chỉ đâu đó 3 hay 4 hôm, không biết chú lính ma mãnh nào, dùng mũi dao găm bén sắc kỳ khu khắc sâu vào chỗ hay chịn mông một hình tam giác… mà to bằng cái quạt! Cán bộ chính trị đi qua, mệt đến đứt hơn, trước khi chịn đít lên chỗ đó vẫn còn cau mày, trợn mắt lên án thằng cha lính kia nhảm nhí, vô văn hóa. May sao, Tư lệnh trưởng, Tư lệnh phó bước qua chỗ ấy mỉm cười, tặc lưỡi: "Chả sao cả! Lên tới đây, mệt đứt hơi, cười được tỉnh táo là tốt rồi !"
Cưa cây, cho thân cây rơi xuống vực ư? Kiếm đâu ra cưa máy chạy ac-quy như của bọn công binh Mỹ? Mà ví như làm được, cây rơi xuống vực, vài ngày sau cành lá quắt héo, máy bay trinh sát Mỹ phát hiện ra liền. Chưa hết đâu! Chỉ một tuần sau, tình hình còn diễn tiến phức tạp, rắc rối hơn nhiều…
Không hiểu vào giờ nào, ngày hay đêm, vào lúc đoạn dốc này vắng hay đông người đây, mà chú lính gan trời kia, dám bò cả vài chục mét dọc thân cây gác chênh vênh trên miệng vực sâu hun hút, buộc đàng hoàng ngang thân cây… một chiếc cooc- xê (áo trong, nịt vú... tùy theo cách gọi của từng vùng quê) trắng lôm lốp.
Những trận cười càng được dịp nổ ra tung tóe. Can trường mà nhanh trí, hài hước quá thôi! Tìm ra được ông tướng con này, Mặt trận ta phải thưởng nó huân chương! Mà nó bói đâu ra "cái của nợ" không biết? Ở Mặt trận mình đàn bà, con gái vốn là của quý y như "mì chính cánh". Chỉ biết rằng, bây giờ cái cây đổ chắn ngang lối đường mòn đã đủ lệ bộ y hệt một người đàn bà khổng lồ, nằm chềnh ềnh ra đó mà thỏa thuê hưởng gió mát, nắng đẹp..
Năm ấy, Mặt trận Bộ ở yên trên những đỉnh núi cao khá lâu mà không bị các phương tiện trinh sát Mỹ phát hiện! Lâu bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng à? Lâu tới mức, sau này, trong các bản báo cáo quân sự tổng kết các mùa chiến dịch, các trận đánh, vị trí đóng quân của Bộ Tư lệnh mặt trận thuở đó được ghi rành rõ: gần DỐC COOC-SÊ!