| Hotline: 0983.970.780

Chiến trường và những hồi ức không ngủ yên: [Bài II] Lời thề trong sáng

Thứ Tư 18/12/2019 , 08:58 (GMT+7)

Kontum lắm dốc, nhiều đèo, ăn đói vác nặng đã thành chuyện cơm bữa đối với cánh lính pháo chúng tôi. Nhưng quả là chưa bao giờ xẩy ra nỗi cơ cực nhớ đời như lần vượt qua đỉnh Chưmomray mùa mưa năm ấy. 

I.

Dốc cao trơn nhẫy đã đành, những quả đạn pháo cứ để nguyên đai nguyên kiện trong hòm gỗ dài thuột nằm trên lưng, hệt như cây thập tự giá. Gai góc, dây nhợ ngoắc đằng trước, níu đằng sau. 

ky-ho-chien-truong-cu-ngo-vien-chi125640286
Ký họa: Hành quân qua suối – nữ pháo binh Trảng Bàng, Tây Ninh. Tác giả: Võ Xưởng.

Đã ở trần, vận độc cái quần xà lỏn, mặc gai rạch, nhưng nào có cất bước được mau hơn. Mỗi lần vấp ngã , cái hòm đạn nặng trên năm, sáu chục ký ép chặt lưng xuống bùn đất, phải ơi ới gọi ai khác vực dậy mới đứng lên được.

Quá trưa, những hình hài lấm láp, phờ phạc kia mới lên tới đỉnh dốc. Vừa đặt hòm đạn xuống, Hào - cậu pháo thủ số 3 trẻ nhất khẩu đội - bỗng òa lên khóc tức tưởi. Khẩu đội trưởng Khánh - một chàng trai Hà Nội tính khí nóng nẩy nhưng hết sức thông minh, luôn nhận cái khó cái khổ về mình - bỗng nhẩy sấn tới siết lấy cổ Hào thét đến lạc giọng:

- Đồ hèn, đồ rệp! Hãy lau ngay những giọt nước mắt quần thâm của mày đi! Nhìn anh  mày đây, một công tử Hà Nội chính tông mà có rên la, sướt mướt như mày đâu?

- Anh mắng mỏ em, em xin chịu, nhưng em nói thật, em hết chịu nổi rồi!- Hào nói trong tiếng thút thít- Nếu trời còn để sống, đến ngày hòa bình thống nhất, được về quê, em chỉ có mỗi nguyện vọng thôi: Em sẽ đi bộ 10 cây số trên đường bằng cho nó sướng !

Vừa nghe đến đấy, khẩu đội trưởng Khánh bỗng ra khẩu lệnh bắt khẩu đội xếp một hàng dọc. Và quay mặt về hướng Bắc. Chưa hiểu ý định khẩu đội trưởng ra sao, bỗng nghe anh gào lên phẫn khích: “Đến ngày hòa bình thống nhất, không thèm gì hết, chỉ xin được đi bộ 10 cây số thôi. Xin thề! Xin thề!”

Chúng tôi nhẩy cẫng lên sung sướng như hóa rồ, múa tay vung vít trên đầu hưởng ứng:

- Xin thề! Xin thề! Xin thề!

Bảy đứa có mặt trong lần tuyên thệ ấy bây giờ còn sống ba. Một cậu chết trong cánh rừng ven sông Poco. Một cậu nữa chết vì cây đổ khi đi phát nương. Hào trúng đạn của thám báo Mỹ trong lần vượt đèo Phượng Hoàng tìm đường xuống đồng bằng lấy gạo. Khẩu đội trưởng Khánh “vấp” mìn trước hôm Hiệp nghị Paris ký kết  đúng một ngày.

Thanh bình rồi, tàu xe thuận tiện, nhưng cũng phải hai, ba năm những đứa sống sót mới tụ họp nhau một lần. Chúng tôi kéo về Hà Nội, lần tới ngõ Khâm Thiên, thắp hương trên bàn thờ của khẩu đội trưởng Khánh. Và cứ mỗi lần như thế, nhắc lại lời thề trên đỉnh Chưmomray năm nào, chúng tôi sượng sùng không dám nhìn mặt nhau. Hóa ra, càng sống, càng về già, càng nhiều ham muốn, thèm thuồng. Chỉ có những thằng bạn chết trẻ của chúng tôi là mãi mãi giữ trọn lời thề năm xưa…
 

II.

Máy bay cất cánh được một lát, trời đột ngột tạnh mưa. Nắng chiều thêm một lần bừng sáng. Phía dưới cánh máy bay những bậng mây như khói thuốc ùn ùn kéo lên từ các hẽm núi. “Không phải mây đâu, khí núi đấy!” .

Ông bạn đồng hành luống tuổi, quê Hà Nội vào lập nghiệp ở Sài gòn, như đóan được ý nghĩ của tôi bỗng cất tiếng: “Cậu đã bao giờ ở rừng chưa? Vào đận trời đang mưa bỗng chuyển nắng như thế này cơn sốt rét kinh niên dễ quật lại lắm.

Ngoài bãi đạn, những trái cối thường bị kích nổ vô nguyên cớ. Những thân cây hai, ba người vòng tay ôm không xuể bỗng đổ kềnh như cái chết bất thần đến với các gã khổng lồ. Và những con suối lũ dữ dằn, thâm hiểm ào về bất chợt khiến người ta không kịp trở tay..”.

Thì ra ông bạn đồng hành ngồi bên có cả chục năm sống trên tuyến đường mòn nổi tiếng. Như chìm lút vào mạch cảm xúc, ông kể cho tôi nghe những năm sau chiến tranh, ông đã từng cưỡi máy bay Concorde, ngồi xe Mercedes, đã ở khách sạn bốn, năm sao tại Paris, New York.

Ấy thế mà trong những giấc mơ lúc đêm chuyển về sáng ông vẫn nhìn thấy rõ mồn một từng hẻm núi, từng vạt rừng săng lẻ, từng khu bãi đổ hàng.

Vào một đêm ở Roma - ông bạn đồng hành khẳng định với tôi như vậy - ông đã gặp lại người bạn gái cùng phố Hàng Cót năm nào. Gần một phần tư thế kỷ trôi qua rồi, cô ấy chẳng thay đổi gì. Vẫn cặp mắt hay cười thay cho cái miệng, vẫn mớ tóc dày bện thành hai lọn buông thả bên bờ vai, vẫn chiếc áo quân phục bạc màu có một miếng vá bên vai phải… hệt như vào buổi chiều cô theo chị em cắm cọc tiêu dẫn đường cho xe qua ngầm Bạc.

Ông nói, sau lần đến Roma ấy ông cảm thấy sức lực trong người như bay biến đi đâu hết, ông trở nên bấy bớt, run rẩy... Cuối năm, ông nộp đơn xin nghỉ hưu.

“Tôi nói điều này, cậu đừng cười tôi lẩn thẩn. Nếu năm đó cô bạn gái của tôi không bị nước lũ trên sông Bạc cuốn trôi, chắc chắn bây giờ cố ấy cũng được làm bà nội, bà ngoại rồi. Tôi cứ khỏe mạnh, cứ ham hố công việc mãi, không phải là trái ý cô ấy sao?”

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.