| Hotline: 0983.970.780

Hiệp hội ngành hàng là nguồn lực, xây dựng chuỗi giá trị thủy sản bền vững

Thứ Tư 21/09/2022 , 16:31 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị các hiệp hội đồng hành cùng cơ quan quản lý trong việc kiến tạo không gian phát triển ngành hàng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với 8 hiệp hội ngành hàng thủy sản chiều 21/9. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với 8 hiệp hội ngành hàng thủy sản chiều 21/9. Ảnh: Bảo Thắng.

Chiều 21/9, các hiệp hội ngành hàng thủy sản, gồm: VASEP, VINAPA, VINATUNA, VSA, Hiệp hội cá nước lạnh VN, Hiệp hội nước mắm truyền thống VN, Hiệp hội nước mắm VN, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh làm việc với Bộ NN-PTNT.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh về vị trí, vai trò của các hiệp hội trong việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản bền vững.

"Ngành thủy sản đã chuyển nhanh, chuyển mạnh trong tư duy giảm cường lực, tăng nuôi trồng. Trong công cuộc ấy, không thể thiếu sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng bởi đây chính là nguồn lực trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất", Thứ trưởng nói.

Đánh giá thủy sản là ngành còn nhiều dư địa, nhưng lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, mức tăng trưởng 5-6% như thời gian qua sẽ có lúc chạm ngưỡng. Để năng suất cận biên không bị suy giảm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến định hướng ngành thủy sản phải xây dựng được thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có nhiều thương hiệu uy tín và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này, Thứ trưởng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội ngành hàng tăng cường phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, phát triển thủy sản cần gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới. Song song với đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, các bên phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao.

"Cần có chính sách thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt", Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Phát triển bền vững là một trong những yêu cầu bắt buộc hiện nay với các ngành, nghề. Ảnh: Bảo Thắng.

Phát triển bền vững là một trong những yêu cầu bắt buộc hiện nay với các ngành, nghề. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo Tổng cục Thủy sản, ước tính đến hết tháng 9/2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,75 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 3,87 triệu tấn (tăng 7%), sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 2,88 triệu tấn (giảm 2,5%).

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8/2022 đạt trên 1 tỷ USD, tăng 68% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế từ đầu năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7,6 tỷ USD, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 84,8% kế hoạch năm 2022. Nếu giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như vừa qua, thủy sản có thể đạt kỷ lục xuất khẩu 10 tỷ USD.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, nhiệm vụ của những người làm thủy sản không chỉ dừng ở giá trị xuất khẩu. Ngoài mục tiêu giảm khoảng 1 triệu tấn khai thác đến năm 2030, ngành đồng thời nghiên cứu phương án giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường công tác bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

"Giảm khai thác là định hướng, nhưng chúng ta cần phải giảm một cách bền vững. Tăng nuôi trồng nhưng không được quên đảm bảo các vấn đề môi trường, cảnh quan", ông Luân chia sẻ.

Ngày 11/3/2021, Thủ tướng ký Quyết định số 339/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là cơ sở để ngành thủy sản Việt Nam tạo bước đột phá theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.