| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả bất ngờ khi trồng tiêu dưới tán rừng núi Cấm

Thứ Sáu 09/04/2021 , 11:49 (GMT+7)

Với khí hậu, thổ nhưỡng mát mẻ quanh năm trên núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) nhiều người dân đã tận dụng dưới tán rừng để phát triển trồng tiêu sạch bán.

Từ tháng 3 đến tháng 4 vườn tiêu trên núi Cấm bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ tháng 3 đến tháng 4 vườn tiêu trên núi Cấm bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Không cần làm trụ tiêu

Tận dụng phần đất trống trên sườn núi, trồng xen với cây rừng, những năm qua cư dân trên núi Cấm, An Giang trồng tiêu cho thu nhập cao. Nhờ tiêu trồng trên núi nổi tiếng thơm ngon vì không sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên được thương lái lùng mua và sản lượng làm ra không đủ bán.

Mô hình trồng tiêu trên núi khá đơn giản, tiêu trồng chủ yếu bám trụ vào các loại cây trong vườn hay cây rừng để phát triển. Không cần đào hộc và làm trụ, giúp tiết kiệm chi phí, tăng thêm thu nhập cho bà con.

Từ tháng 3 đến tháng 4, vườn tiêu trên núi Cấm bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ. Năm nay tiêu trồng khá trúng, sản lượng thu được nhiều hơn năm trước. Ông Nguyễn Văn Sử, ở ấp Vồ Bà, xã An Hảo, cho biết trước đây cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Những năm qua nhờ cây tiêu trồng dưới tán rừng mà gia đình ông có cuộc sống ổn định.

Khi chọn trồng cây tiêu, nông dân nơi đây đều hướng đến việc sản xuất lâu dài, không cần phải trồng đi trồng lại, chỉ trồng 1 lần ăn nhiều năm. Tiêu trồng nơi đây năng suất tăng đều qua các năm.

Vụ tiêu năm nay gia đình ông Sử trồng 6 công, đang cho thu hoạch ước đạt khoảng 500-600 kg tiêu khô (cứ 3kg tiêu tươi cho ra 1kg tiêu khô). Hiện nay, giá bán tiêu tươi tại vườn khoảng 120.000 đồng/kg và đặc biệt tiêu chín đỏ phơi khô khoảng 260.000 - 280.000 đồng/kg.

Theo ông Sử, tiêu dễ trồng, ít sâu bệnh nên hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm tiêu rất an toàn. Thông thường, tiêu trồng nơi đây một năm cho thu hoạch 1 lần, riêng vụ tiêu năm nay gia đình ông Sử sau khi trừ hết chi phí lãi gần 80 triệu đồng/6 công.

Có thể nói mô hình trồng tiêu theo hướng hữu cơ trên núi Cấm phát triển hơn 10 năm nay, đã đem lại hướng hiệu quả cao cho người trồng. Vì chi phí bỏ ra ban đầu cho nghề này khá thấp, cây lại ít sâu bệnh, ít công chăm sóc, người dân trồng tiêu nơi đây không tốn tiền mua trụ mà tận dụng cây mọc sẵn trong rừng để làm nọc cho tiêu bò lên sinh sống.

Đặc biệt, trong quá trình trồng tiêu ở núi Cấm không cần tưới nhiều nước cho tiêu mà cây vẫn phát triển xanh tốt ở trong mùa khô.

Hiện nay, giá bán tiêu tươi tại vườn khoảng 120.000 đồng/kg và đặc biệt tiêu chín đỏ phơi khô khoảng 260.000 – 280.000 đồng/kg. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, giá bán tiêu tươi tại vườn khoảng 120.000 đồng/kg và đặc biệt tiêu chín đỏ phơi khô khoảng 260.000 – 280.000 đồng/kg. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đầu ra thuận lợi khi gắn khu du lịch

Anh Nguyễn Văn Chốn (ấp Vồ Bà, xã An Hảo, Tịnh Biên) đã tận dụng lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây để phát triển, mở rộng vườn tiêu với diện tích ban đầu là 3.000m2. Hàng năm sản lượng hạt tiêu khô gia đình anh làm ra không mang đi tiêu thụ nơi khác, chỉ tiêu thụ tại địa phương cho khách du lịch hành hương lên núi Cấm.

Chính vì vậy 2 năm nay anh đã mở rộng diện tích trồng tiêu lên 7.000m2, trồng theo hướng chuyên canh. Chẳng hạn như đầu tư bằng cách xây trụ bằng gạch, đúng quy chuẩn và thời gian sử dụng lâu dài.

Theo chia sẻ kinh nghiệm của anh Chốn, để cây tiêu phát triển tốt và cho trái nhiều. Trước nhất, khi trụ tiêu bám trên cây rừng phải thường xuyên cắt tỉa nhánh cây để tiêu đón đủ nắng, không bị che phủ. Chỉ có như vậy hạt tiêu mới cho trái to, đẹp, năng suất cao.

Nhờ tiêu trồng trên núi Cấm nổi tiếng thơm ngon vì không sử dụng phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật nên được thương lái thu mua hết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhờ tiêu trồng trên núi Cấm nổi tiếng thơm ngon vì không sử dụng phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật nên được thương lái thu mua hết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trương Minh Thức, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tịnh Biên, cho biết: hiện bà con nông dân ở đây đang rất mặn mà với cây tiêu vì trồng không cần phải làm trụ và xây hộc như các vùng chuyên canh như ở nơi khác. Nhờ vậy, nông dân trồng tiêu đầu tư chi phí ban đầu không nhiều. Tính ra, trên cùng một diện tích mặt đất mà thu hoạch được cùng lúc 2 loại cây nên thu nhập dĩ nhiên tăng thêm.

Hạt tiêu nơi đây được bà con sản xuất ra được xếp trong nhóm đặc ở vùng Bảy Núi phục vụ cho khách du lịch là chính nhưng diện tích còn giới hạn. Tuy nhiên, đối với cây tiêu thuộc loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân lập vườn đồi, vườn rừng ở núi Cấm. Ngành chức năng địa phương nhận định đây là một mô hình tốt để góp phần nâng cao đời sống cư dân trên núi cũng như bảo vệ rừng ở vùng Bảy Núi, An Giang.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.