| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả các công trình nước sạch ở Tuyên Quang

Thứ Năm 17/09/2020 , 08:14 (GMT+7)

Có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, người dân vùng nông thôn ở Tuyên Quang yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Toàn tỉnh có 86,5% hộ dân được sử dụng nước sạch.

Có 86,5% hộ dân ở Tuyên Quang được sử dụng nước hợp vệ sinh môi trường. Ảnh: Đào Thanh.

Có 86,5% hộ dân ở Tuyên Quang được sử dụng nước hợp vệ sinh môi trường. Ảnh: Đào Thanh.

Tháng 9/2019, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Quân, thôn Toạt, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Công trình có công suất 353m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước cho 177 hộ dân nơi đây. Đặc biệt có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Chị Sùng Thị Phương, người dân xã Hùng Lợi cho biết, trước đây thiếu nước vất vả lắm. Cả nhà có 5 người mỗi ngày chỉ dám dùng 2 thùng nước cả ăn uống và tắm giặt. Nhiều hôm đi làm nương về tối mịt vẫn phải ra cái giếng cạnh bờ suối cách nhà gần 1km gùi nước về sử dụng. Giờ thì vòi nước bắc về tận nhà, tiện lắm, bà con trong thôn rất phấn khởi. Người dân tộc thiểu số vốn ít biểu lộ tình cảm trước khách lạ, nhưng nhìn ánh mắt của chị chúng tôi nhận thấy rõ được niềm vui của người phụ nữ ấy.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại thôn Ao Xanh, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên cung cấp nước sạch cho gần 200 hộ dân thuộc 3 thôn Ao Xanh, thôn 20, thôn 21. Công trình được đưa vào hoạt động từ năm 2002, đến nay công trình vẫn hoạt động tốt và được Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đánh giá là một trong những công trình hoạt động hiệu quả nhất tỉnh. 

Ông Hà Văn Đức, thôn 20, thành viên ban quản lý cho biết, vì đây là công trình phục vụ người dân trong thôn và phục vụ chính gia đình mình, nên ban quản lý đã cố gắng vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất có thể. Trung bình mỗi tháng, bà con được cung cấp khoảng 1.600 m3 nước.

Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang kiểm tra chất lượng các công trình. Ảnh: Đào Thanh.

Cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang kiểm tra chất lượng các công trình. Ảnh: Đào Thanh.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang hiện quản lý 82 công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Để các công trình nước sạch phát huy hiệu quả, Trung tâm phối hợp với UBND các xã và người dân nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn bảo vệ công trình; thường xuyên thực hiện kiểm tra và duy tu bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật; thực hiện cân đối giá nước ổn định và hợp lý.

Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, hằng năm Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tổ chức tập huấn cấp chứng chỉ cho các cán bộ là công nhân quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Qua đó nhằm trang bị kiến thức, kỹ thuật cho các cán bộ quản lý đảm bảo vận hành có hiệu quả các công trình cấp nước nông thôn.

Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Tuyên Quang được phê duyệt đầu tư 30 công trình cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư, với tổng vốn thực hiện hơn 187 tỷ đồng; xây dựng mới, cải tạo 195 công trình cấp nước và công trình vệ sinh cho các trường học với tổng vốn hơn 30,3 tỷ đồng. Các công trình đảm bảo cung cấp nước cho hơn 13.400 hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các trường học.

Từ nguồn vốn này, chỉ tính riêng trong năm 2020, tổng kinh phí thực hiện chương trình là trên 66 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ tập trung xây dựng 17 công trình cấp nước cho cộng đồng; xây mới, cải tạo 43 công trình cấp nước và vệ sinh cho các trường học; hỗ trợ xây dựng 6.600 nhà tiêu hộ gia đình và 15 công trình cấp nước, nhà vệ sinh cho các trạm y tế...

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang cho biết, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn góp phần không nhỏ trong việc cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Có nguồn nước đảm bảo, bệnh tật trong cộng đồng giảm, nhất là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như: Tiêu chảy, tả, giun sán, các bệnh ngoài da...

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.