| Hotline: 0983.970.780

Người dân hưởng lợi từ chương trình nước sạch nông thôn

Thứ Sáu 28/08/2020 , 07:19 (GMT+7)

Đắk Lắk là một trong 21 tỉnh được hưởng lợi từ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016 – 2020.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Đắk Lắk, tổng kế hoạch vốn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là 249,37 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay cấp phát hỗ trợ là 209,64 tỷ đồng, UBND tỉnh vay lại 17,71 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh 22,02 tỷ đồng. Nguồn vốn trên được UBND tỉnh giao cho ngành nông nghiệp chủ trì, thực hiện cấp nước tập trung nông thôn, đầu tư sửa chữa, cải tạo, xây mới 22 công trình cấp nước với tổng nguồn vốn là 177,1 tỷ đồng, cấp nước cho 14.000 hộ.

Người dân buôn Kbu, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Người dân buôn Kbu, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ngành y tế thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, cấp nước và vệ sinh trạm y tế, nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình với tổng nguồn vốn 28,21 tỷ đồng. Ngành giáo dục thực hiện cấp nước và vệ sinh trường học và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình với tổng nhu cầu vốn trên 38 tỷ đồng. 

Dưới sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, các ngành, địa phương được giao nhiệm vụ đã tích cực triển khai thực hiện chương trình và bước đầu đạt phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng cao số lượng các trường học, trạm y tế được sử dụng nguồn nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh thông qua các hoạt động xây mới, cải tạo các công trình cấp nước, nhà tiêu.

Ngoài ra, chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đã góp phần thay đổi hành vi của người dân thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao năng lực… Tính đến hết năm 2019, tỉnh Đắk Lắk đạt 7.109 hộ đấu nối sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, đạt 51% kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020 và có 19/30 xã đạt vệ sinh toàn xã.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu hoàn thành 11 xã vệ sinh toàn xã còn lại thuộc mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Riêng cấp nước dự kiến đạt khoảng 3.130 đấu nối được đầu tư từ các công trình cấp nước. Bên cạnh đó, các ngành được giao nhiệm vụ triển khai các hợp phần phấn đấu duy trì tính bền vững với mục tiêu 14 xã bền vững về vệ sinh toàn xã, hơn 5.000 đấu nối cấp nước bền vững cũng như hoàn thành các chỉ số giải ngân thuộc năng lực mềm theo quy định. Để đạt được chỉ tiêu năm 2020, bên cạnh Trung ương sớm bố trí vốn đòi hỏi các ngành, các cấp, địa phương phối hợp triển khai các giải pháp thiết thực; đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thiết kế để đầu tư xây dựng.

Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Tính cả kết quả của kế hoạch thực hiện năm 2020, tỉnh Đắk Lắk chưa đạt mục tiêu đề ra từ năm 2016-2020 về đấu nối cấp nước được giao với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đây cũng là tình hình chung của nhiều tỉnh tham gia thực hiện chương trình.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, mặc dù việc thực hiện chương trình đến năm 2019 đạt được kết quả tích cực, song kết quả tổng thể còn thấp so với mục tiêu của cả chương trình; tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là do chương trình được hình thành khi Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành với nhiều quy định mới, gặp những khó khăn trong việc giao, phân khai nguồn vốn, năng lực triển khai thực hiện theo phương thức dựa trên kết quả đầu ra tại nhiều địa phương còn hạn chế. Vì vậy, việc triển khai thực hiện chậm 2 năm so với kế hoạch.

Kiểm tra công trình cấp nước xã Ea Hồ, huyện Krông Năng.

Kiểm tra công trình cấp nước xã Ea Hồ, huyện Krông Năng.

Cũng theo ông Bình, trên cơ sở đề xuất của Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Thế giới và các Bộ ngành đã thống nhất trình Chính phủ điều chỉnh 2 nội dung hiệp định tín dụng gồm: gia hạn thời gian thực hiện chương trình thêm 24 tháng (đến 31-7-2023), tỷ lệ % về đấu nối hệ thống bền vững, đấu nối hoạt động; đề nghị các tỉnh cam kết chấp thuận thay đổi và cam kết bố trí vốn đối ứng của địa phương để chi cho các hoạt động thường xuyên. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã thống nhất các nội dung đề xuất trên.

“Nếu được Chính phủ gia hạn thêm thời gian thực hiện và việc bố trí nguồn vốn, tỉnh Đắk Lắk sẽ hoàn thành tốt mục tiêu các chỉ số giải ngân theo quy định chương trình”, ông Bình khẳng định.

Theo kế hoạch được giao, đến hết năm 2020, tỉnh Đắk Lắk sẽ có 14.000 hộ dân với 57.400 người được hưởng lợi từ các công trình cấp nước; 114 trường học sẽ xây mới, cải tạo các công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. Toàn tỉnh sẽ có 30 xã đạt vệ sinh toàn xã; 4.400 hộ được xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; 60 trạm y tế được xây mới, nâng cấp hoặc sửa chữa công trình vệ sinh, cấp nước, thiết bị rửa tay, xử lý nước sạch.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất