| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Năm 14/11/2019 , 09:10 (GMT+7)

Huyện Hướng Hóa là một trong 2 địa phương của tỉnh Quảng Trị được thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, qua đó đã huy động được nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.

08-03-19_img_6694
Nhiều người dân huyện Hướng Hóa được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cũng từ việc được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao đáng kể.

Bản Hồ (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa) có gần 3.000 ha rừng tự nhiên. Những năm trước đây, tình trạng người dân lén lút vào rừng chặt cây lấy gỗ, phá rừng để làm nương rẫy vì quá phụ thuộc vào rừng là vấn nạn nhức nhối tại địa phương này.

Tuy nhiên, từ khi cộng đồng được triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhận thức của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hiện tượng chặt phá khai thác rừng trái phép đã được cộng đồng kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời, bảo vệ tốt diện tích rừng của địa phương.

Anh Hồ Văn Liễu, trưởng bản Hồ cho biết: “Để quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, chúng tôi thành lập ban quản lý bảo vệ rừng và đưa ra các quy ước, hương ước nhằm bảo vệ rừng cộng đồng thôn bản. Hiện chỉ riêng bản Hồ có 5 tổ bảo vệ rừng, thực hiện tuần tra, canh gác rừng theo kế hoạch được phân công để kịp thời ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm trái phép đến rừng hoặc đất rừng”.

Còn tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa trong vài năm trở lại đây, lợi dụng con đường được mở ra từ xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông đi vào địa phương này, một số đối tượng đã lén lút vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Để kịp thời ngăn chặn và đảm bảo công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao, chính quyền địa phương đã thành lập tổ bảo vệ ngay tại cửa rừng, đồng thời cắt cử các thành viên thay phiên nhau túc trực suốt ngày đêm.

Ông Hồ Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh cho biết, toàn xã hiện có 2 tổ đội bảo vệ rừng với 16 người dân tham gia. Các tổ đội hoạt động được đều nhờ kinh phí từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ khi các tổ đội này đi vào hoạt động, ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ rừng được nâng cao đáng kể. Số vụ vi phạm khai thác lâm sản trái phép ở địa phương cũng giảm đi rất nhiều.

Toàn huyện Hướng Hóa hiện có trên 51.000 ha diện tích rừng tự nhiên, trong đó khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng có gần 8.500ha. Diện tích trên được giao cho 25 tổ, nhóm và 4 cộng đồng dân cư tổ chức bảo vệ. Sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, không những nhiều diện tích rừng được bảo vệ tốt mà tỷ lệ che phủ rừng của địa phương này tăng từ 48,3% năm 2013 lên đến 50% vào cuối năm 2018. Đến nay đã có 1.500 lượt hộ gia đình của 7 xã, thị trấn của địa phương này được hưởng 19 tỷ đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Dự kiến năm 2019, diện tích chi trả là hơn 10.000 ha với tổng số tiền khoảng 8 tỷ.

Theo ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông, thời gian qua công tác kiểm tra, giám sát đối tượng thụ hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng được đơn vị tiến hành chặt chẽ. Đồng thời, đơn vị cũng tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm những kiến nghị, đề xuất của người dân trong việc chi trả. Từ đó, bà con đồng tình, ủng hộ tạo được sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của nhân dân đối với công tác bảo vệ rừng.

Việc gắn mô hình quản lý rừng với việc lợi ích cộng đồng dân cư đã cho thấy hướng đi đúng đắn, một phần kêu gọi chung tay của cả xã hội trong việc giữ gìn môi trường rừng, mặt khác tạo điều kiện cho người dân sinh sống trong vùng đệm khu bảo tồn, khu vực rừng phòng hộ phát triển sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất