| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả dự án khuyến nông tại Bắc Giang

Thứ Ba 13/01/2015 , 07:35 (GMT+7)

Năm 2014, Trung tâm KNQG phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT triển khai một loạt dự án khuyến nông tại tỉnh Bắc Giang, mang lại hiệu quả thiết thực cho người chăn nuôi.

Bà Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm KNQG cho biết, những dự án được triển khai trong năm 2014 tại tỉnh Bắc Giang gồm: Áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP trong nông hộ; Phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm quy mô cấp xã; Chăn nuôi gà thịt lông màu (TP421, TP412, gà ri vàng rơm, Lương Phượng LV) và Chăn nuôi dê sinh sản.

Theo đó, Trung tâm KNQG phối hợp với các đơn vị chuyên môn và nhà khoa học đưa những tiến bộ KHKT trong chăn nuôi vào áp dụng, hỗ trợ người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn; Tuyển chọn, lại tạo ra những giống gà lông màu có năng suất tốt, chất lượng thịt cao cho thương hiệu "Gà đồi Yên Thế";

Tạo ra mô hình chăn nuôi dê hoàn toàn mới cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tại Bắc Giang giúp xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ người nông dân nâng cao trình độ, ý thức phòng trừ dịch bệnh, đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững nhờ mạng lưới thú y cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Trưởng phòng Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phụ trách khuyến nông chăn nuôi (Trung tâm KNQG), chủ nhiệm đề tài thụ tinh nhân tạo cho biết, nhờ dự án hỗ trợ 2 lợn đực PiDu cho mỗi hộ mà 3 hộ được cấp lợn đực giống để mở rộng và phát triển đàn lợn đực của mình lên hàng chục con, qua đó cung cấp tinh lợn siêu nạc cho cả một vùng rộng lớn của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Kết quả mô hình cho thấy, chất lượng tinh dịch của lợn đực thuộc dự án có kết quả tốt, đạt phẩm chất giống. Số liều pha trung bình đều đạt 14 - 15 liều/lần khai thác/con khai thác. Với lượng tinh này đảm bảo cho việc cung cấp tinh phục vụ mạng lưới thú y cộng đồng.

Với mạng lưới thú y cộng đồng, đã xây dựng 02 mạng lưới tại xã Canh Nậu, huyện Yên Thế và Cao Thượng, huyện Tân Yên với 12 - 14 thành viên do Phó Chủ tịch UBND xã là Trưởng ban, cán bộ khuyến nông xã và Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã là Phó ban thường trực.

“Với những thành công bước đầu của dự án xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm quy mô xã đã làm thay đổi cách làm, cách suy nghĩ của các hộ tham gia dự án về vấn đề an toàn sinh học trong chăn nuôi, cũng như biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Đến nay, Bắc Giang có 219 trang trại chăn nuôi gia cầm (quy mô từ 2.000 con gia cầm đẻ trứng/hộ trở lên; từ 1.000 con gà thịt, vịt thịt/lứa trở lên). Chăn nuôi trang trại đang đi vào chiều sâu. Các trang trại đang dần chuyển dịch từ chăn nuôi số lượng lớn theo mùa vụ sang chăn nuôi số lượng ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”, PGĐ Trung tâm KNQG Hạ Thúy Hạnh.

Dự án hỗ trợ 2 tủ thuốc thú y cộng đồng tại 2 điểm trình diễn. Mô hình dự án triển khai đã thật sự tác động đến nhận thức của người chăn nuôi cũng như hệ thống chính trị địa phương. Hiệu quả của dự án mang lại là tình hình dịch bệnh giảm rõ rệt, không xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia cầm; số gia cầm mắc bệnh so với năm 2013 giảm 93%.

Ông Nguyễn Văn Được, xóm Gánh, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, cho biết, trước đây các hộ nuôi lợn tại Hiệp Hòa chủ yếu lấy đực giống lợn lai nên tỉ lệ mỡ rất cao, giá bán thấp. Từ ngày dự án hỗ trợ 2 lợn đực giống PiDu siêu nạc, ông cung cấp tinh miễn phí cho hàng chục thành viên trong mạng lưới.

Ngoài ra, ông Được tự đầu tư mua thêm hơn 10 con lợn đực giống siêu nạc khác để cung cấp tinh giúp nhân rộng giống lợn siêu nạc cho hàng trăm hộ chăn nuôi tại huyện Hiệp Hòa và các địa phương lân cận.

Hơn nữa, nhờ áp dụng hình thức thụ tinh nhân tạo đã giúp giảm rõ rệt các loại dịch bệnh lây nhiễm trên đàn đực giống cũng như lợn nái so với nhảy trực tiếp theo thói quen truyền thống trước kia.

Riêng dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu có năng suất chất lượng, an toàn sinh học và dịch bệnh trong chăn nuôi nông hộ, trang trại" phối hợp giữa Trung tâm KNQG và Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) bước đầu đem lại kết quả tích cực khi đã chọn tạo, tuyển chọn được một số giống gà có năng suất, chất lượng tốt, có thể chọn làm bộ giống nền tảng để xây dựng thương hiệu "Gà đồi Yên Thế".

Anh Nguyễn Đình Thiện ở thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang trực tiếp triển khai mô hình phấn khởi cho biết, trước đây và hiện nay bà con chăn nuôi gà đồi tại Bắc Giang vẫn chủ yếu nuôi giống gà mía lai máu Lương Phượng nên chất lượng thịt chỉ ở mức trung bình, mẫu mã và sự đồng đều không cao nên giá bán luôn thấp hơn các giống gà ta lai chất lượng cao do một số doanh nghiệp khác cung ứng.

“Những giống gà lông màu chất lượng cao dự án hỗ trợ gia đình tôi hiện có giá bán cao hơn gà Mía lai tới 15.000 đồng/kg. Gà có ưu điểm là chân nhỏ vàng, mẫu mã (lông, mào) đẹp, tỉ lệ đồng đều rất cao, khả năng sinh trưởng và chống chịu dịch bệnh tốt hơn hẳn gà mía lai tôi vẫn hay mua từ các lò ấp thủ công.

Đặc biệt, gà có trọng lượng vừa phải nên rất dễ tiêu thụ. Nếu bà con chăn nuôi gà tại Bắc Giang đều được hỗ trợ và tiếp cận những giống gà như hiện nay chắc chắn thương hiệu gà đồi Yên Thế sẽ tạo được uy tín và tiếng vang lớn trên thị trường”, anh Thiện tâm sự.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.