Bởi thế, thời gian năm 2023, UBND huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã chỉ đạo các ban ngành chuyên môn và UBND các xã rà soát, thống kê những mặt hàng tiềm năng, lợi thế để tuyên truyền và hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Mục tiêu của huyện là tập trung vào các sản phẩm ở nhóm nông sản, thực phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề đặc trưng và xây dựng và phát triển thương hiệu, câu chuyện sản phẩm liên quan.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, ông Bùi Công Thản khẳng định: “Huyện đã lựa chọn được các sản phẩm mang đặc trưng, lợi thế của mình để tham gia đánh giá, xếp hạng chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP với mục đích góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Được công nhận OCOP sẽ giúp thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời sẽ tạo điều kiện mở rộng và phát triển kinh doanh cho các cơ sở, các chủ thể”.
Qua 4 năm kiên trì triển khai thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tính đến nay huyện Thường Tín đã 166 sản phẩm được công nhận OCOP trong đó 150 sản phẩm 4 sao và 16 sản phẩm 3 sao. Qua việc đánh giá, xếp hạng nhiều chủ thể OCOP đã có bước tiến vượt bậc trong việc sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên huyện Thường Tín có sản phẩm du lịch tham gia đánh giá, phân hạng là "Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân" của chủ thể Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân được OCOP 4 sao.
Theo ông Nguyễn Văn Phượng - Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân cách đây hơn 20 năm nghề trồng cây cảnh đã phát triển ở Cơ Giáo và Xâm Xuyên, cả hai làng sau đó được công nhận là làng nghề sinh vật cảnh. Để đẩy mạnh việc sản xuất, Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân ra đời năm 2014 giúp người dân cùng liên kết, có tiếng nói chung. Năm 2019 Hồng Vân được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao và hiện đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã đã chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp đơn giá trị sang phát triển nông nghiệp đa giá trị gắn với du lịch sinh thái làng nghề. Ước tính chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023 Hồng Vân đón 150.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Hoa, cây cảnh và Dịch vụ Hồng Vân ông Nguyễn Văn Tứ đơn vị có 4 sản phẩm đều được xếp hạng sao OCOP 4 sao trong đó có 1 sản phẩm liên quan đến điểm dịch vụ, du lịch. Có được điều đó nhờ cảnh quan, môi trường nhiều cây xanh, vườn hoa, ao hồ, nhà vườn, cây cảnh... Hằng tuần, người dân thực hiện dọn vệ sinh công cộng thông qua phát động phong trào chủ nhật xanh, phong trào "5 không 3 sạch", tuyến đường nở hoa...
Hiện đã xây dựng được hơn 30 con đường hoa mang những màu sắc khác nhau, như: Hoa bằng lăng, phượng vĩ, hoàng yến, hoa ban... Đến với Hồng Vân, ngoài trải nghiệm, tham quan phong cảnh hữu tình còn được chiêm ngưỡng tài nghệ của những nghệ nhân hoa, cây cảnh nghệ thuật, cây bonsai, đá …
Với mục tiêu đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, huyện Thường Tín có 2 điểm bán sản phẩm OCOP tại xã Hồng Vân và chợ Vồi, xã Hà Hồi. Dự kiến, sẽ phát triển thêm 1 điểm tại xã Duyên Thái trong thời gian tới. Thường Tín vốn có lợi thế làng nghề, toàn huyện có 9 làng nghề được thành phố và huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; 4 làng xây dựng được thương hiệu chưa được cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Để phát triển bền vững hơn huyện đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 3 làng nghề.
Hỗ trợ các cơ sở làng nghề ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị máy móc, dây chuyền tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường. Song song với đó, huyện đã xây dựng nhiều mô hình về khởi như hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh, câu lạc bộ nữ doanh nhân, thanh niên khởi nghiệp.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội ông Nguyễn Văn Chí thành phố không chạy theo số lượng sản phẩm OCOP mà nghiêng về chất lượng. Bởi thế, các chủ thể cần có quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng, xác minh được nguồn gốc thì các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP mới tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Huyện Thường Tín nói riêng cũng như các quận, huyện khác của Hà Nội cần có hành động cụ thể trong việc duy trì chất lượng ổn định và thường xuyên đối với các sản phẩm OCOP .