Tổ đoàn kết trên biển tương trợ lẫn nhau trong khai thác, kinh doanh |
Các Tổ đoàn kết trên biển xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) được thành lập năm 2014. Lúc đầu chỉ có 7 tàu thuyền tham gia, đến nay đã có 13 tàu thuyền “nhập hội”.
Ông Lê Xuân An, Tổ trưởng Tổ đoàn kết trên biển xã Hoằng Trường cho biết: “Chúng tôi tự nguyện thành lập, tự nguyện đóng góp 15-20 triệu đồng/tàu thuyền/tháng. Hộ nào có nhu cầu vay vốn sẽ được ưu tiên để mua ngư cụ, cải hoán tàu thuyền. Đặc điểm của lưới rê là có thể giăng lưới 19-20 km trên biển nên rất khó trông coi, bảo quản. Vì vậy, với việc thành lập tổ, lúc ra khơi, các tàu thay phiên nhau trông coi lưới thả, tránh trường hợp bị các tàu thuyền khác làm hỏng lưới, giảm được chi phí. Đến lúc kéo lưới lại hỗ trợ nhau; có lúc giúp nhau vận chuyển cá vào bờ… Tổ lại được Nhà nước hỗ trợ bộ đàm nên rất thuận tiện cho việc liên lạc vào bờ khi gặp sự cố. Những hôm địa phương tuyên truyền về Luật biển, nếu bận, các thành viên có thể thay phiên nhau lắng nghe sau đó về truyền đạt lại cho các thành viên khác”.
Nhờ hợp tác làm ăn, bình quân mỗi năm, ông An và các thuyền viên trong tổ ra khơi khoảng 2 chuyến, thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/thuyền viên/tháng. Riêng chủ tàu có lãi 500-600 triệu đồng/năm.
Hoằng Trường có 70% hộ dân tham gia nghề đánh bắt cá. Toàn xã có 560 phương tiện đánh bắt, trong đó có 100 phương tiện đánh bắt xa bờ với tổng sản lượng khai thác bình quân 430 tấn/năm. Cuộc sống và thu nhập chính của người dân Hoằng Trường phụ thuộc chủ yếu vào những chuyến vươn khơi, bám biển. Nhận thấy lợi ích từ các Tổ đoàn kết trên biển, từ năm 2014 đến nay, Hoằng Trường đã thành lập được 19 tổ với 199 tàu thuyền tham gia.
Theo ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, hiệu quả từ các tổ đoàn kết trên biển đã thấy rõ: “Cứ 3 tháng, xã lại tổ chức họp các tổ trưởng TĐKTB 1 lần để nắm tình hình ngư trường khai thác, an ninh vùng biển và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Luật Biển. Vì thế, nhận thức của ngư dân trong đánh bắt đã được nâng lên rõ rệt. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, các tổ đã giúp đỡ nhau cải hoán, đóng mới được trên 20 tàu thuyền công suất lớn để bám biển vươn khơi”.
Theo thông tin từ Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa, mô hình Tổ đoàn kết trên biển hình thành và phát triển tại các huyện, thị xã ven biển đã mang lại kết quả thiết thực trong hoạt động đánh bắt trên biển, góp phần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh.
Tính đến tháng 11/2018, toàn tỉnh có 383 tổ đoàn kết với 2.042 tàu cá tham gia, tổng số lao động trong tổ đoàn kết là 14.294 người. Từ năm 2015 - 2018 đã hỗ trợ 255 máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh GPS VX-1700 cho các tổ trưởng... |