| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả từ phát triển chăn nuôi dê ở miền núi Quảng Trị

Thứ Năm 17/01/2019 , 15:15 (GMT+7)

Đakrông, Hướng Hóa là 2 huyện miền núi có điều kiện kinh tế xã hội tương đối khó khăn. Tuy nhiên nơi đây có điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng bản địa, đặc biệt là chăn nuôi dê.

08-18-03_mo_hinh_nuoi_de
Dự án nuôi dê tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc

Nhận thấy các tiềm năng phát triển của vùng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã phối hợp cùng tổ chức Plan vùng Quảng Trị khảo sát đánh giá và thực hiện dự án “Phát triển kinh tế giảm nghèo” tại 8 xã: Tà Long, Đakrông, Mò Ó, Hướng Hiệp của huyện Đakrông; Húc, Xy, Thanh, Hướng Lộc của huyện Hướng Hóa. Dự án lựa chọn dê là vật nuôi dài hạn giúp hộ thoát nghèo bền vững. Triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi dê theo tổ, nhóm hộ. Qua đó có những tác động tích cực đến suy nghĩ cách làm của người dân.

Trong quá trình hoạt động dự án đã triển khai thực hiện các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các nhóm về chăn nuôi dê theo định hướng thị trường. Tập huấn về lập kế hoạch kinh doanh.

Kết quả các lớp tập huấn đã giúp các học viên hiểu được tầm quan trọng trong lập kế hoạch SXKD, buôn bán sản phẩm theo hình thức liên kết nhóm hộ. Đến nay dự án đã hỗ trợ 589 con dê giống cho 387 hộ gia đình (46 nhóm) để phát triển chăn nuôi và tham gia vào chuỗi giá trị.

Tại xã Mò Ó, dự án đã triển khai thành lập nhóm nông dân chăn nuôi dê theo chuỗi giá trị với 6 hộ tham gia. Đây là những hộ trước đây đã tảo hôn, có trẻ em đang độ tuổi đến trường. Song song với việc thành lập nhóm, dự án đã tiến hành tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Lớp tập huấn diễn ra trong vòng 1 năm theo chu kỳ sinh trưởng phát triển của đàn dê.

Tham gia nhóm chăn nuôi dê, Anh Hồ Văn Cường ở thôn Ba Rầu, xã Mò Ó và các hộ dân trong nhóm được hỗ trợ xây dựng mô hình với 12 con dê. Đến nay đàn dê đã sinh sản được 8 con dê con và có 6 mẹ đang mang thai chuẩn bị đẻ.

08-18-03_cn_bo_huong_dn_ky_thut_cho_nhom_thnh_nien_chn_nuoi_de_thon_khe_ngi
Chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi dê

“Mô hình chăn nuôi dê tập thể không chỉ tạo điều kiện cho chúng tôi cùng nhau phát triển, trao đổi kinh nghiệm, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, hạn chế dịch bệnh. Mặt khác sẽ tạo được điều kiện cho các thành viên trong nhóm có thời gian làm việc riêng của gia đình mình”, anh Cường nói.

Bên cạnh các đối tượng hưởng lợi là các hộ dân trong cộng đồng, dự án đã có tác động lớn đến đời sống của trẻ em nơi đây. Thông qua các buổi tập huấn, họp nhóm định kỳ đã nâng cao nhận thức cho hộ dân. Từ đây họ quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho công việc học của con em mình.

KS Nguyễn Văn Chiến, Trạm Khuyến nông Đakrông, cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động chăn nuôi dê dự án cho biết: Bằng việc tập huấn cầm tay chỉ việc, xây dựng các mô hình chăn nuôi dê, chúng tôi đã hỗ trợ các kỹ thuật cơ bản giúp cho các hộ SX bền vững để nâng cao thu nhập, từ đó lan tỏa đến các thành viên khác trong thôn, bản.

Tại xã Đakrông, để giúp cho nhóm thanh niên nghỉ học sớm của thôn Khe Ngài có kiến thức chăn nuôi, biết cách làm ăn phát triển kinh tế, tránh tình trạng kết hôn sớm, dự án đã hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi dê theo nhóm hộ cho 4 thanh niên. Đây là những thanh niên đã nghỉ học và có nguy cơ tảo hôn.

Các thành viên trong nhóm đã được được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách làm chuồng trại và nhận hỗ trợ 8 con dê. Nhóm chăn nuôi dê của thanh niên được tiếp cận phương thức làm ăn mới. Anh Trần Văn Phú, cán bộ phụ trách dự án xã Đakrông cho biết: Từ trước đến nay, chăn nuôi dê trên địa bàn thường theo hướng nhỏ lẻ 1 - 2 con, không đủ hàng hóa để tiêu thụ. Dự án thực hiện theo mô hình nhóm, các thanh niên liên kết nhau để làm. Mỗi người trong nhóm sẽ phụ trách chính một hoạt động, người phụ trách chăn nuôi, người phụ trách tìm kiếm thị trường...

08-18-03_mo_hinh_de_ti_x_dkrong
Mô hình chăn nuôi dê tại xã Đakrông

Sau hơn một năm thành lập hoạt động, đến nay nhóm chăn nuôi dê của thanh nhiên nghỉ học sớm ở thôn Khe Ngài đã có những khởi sắc. Hiện số lượng dê của nhóm tăng lên rõ rệt, đàn dê đã sinh được 5 con. Sản phẩm bắt đầu bán ra thị trường.

Tại thôn Cu Dông, xã Húc, huyện Hướng Hóa, từ khi tham gia các hoạt động của dự án, các hộ được trang bị những kiến thức và kỹ năng thực tế trong quá trình nuôi dê như kỹ thuật chọn giống; xây dựng chuồng trại; các bệnh thường gặp trên vật nuôi và cách phòng trị. Qua đó họ có được kế hoạch SX tốt hơn...

KS Nguyễn Thanh Tùng, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: Qua quá trình hợp tác triển khai các mô hình chăn nuôi dê theo hình thức nhóm hộ, chúng tôi nhận thấy phù hợp với điều kiện phát triển của các hộ dân vùng đồng bào dân tộc. Trong thời gian đến chúng tôi sẽ đề xuất với các ban ngành liên quan cũng như chính quyền các địa phương sở tại thực hiện công tác tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình...

 

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Nâng cao năng lực sản xuất lúa giống cho nông dân ĐBSCL

ĐBSCL Dự án khuyến nông quốc gia về liên kết sản xuất lúa giống do Vinaseed chủ trì giúp nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng hạt giống.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.