| Hotline: 0983.970.780

Hiếu "Việt kiều" và trung tâm heo rừng lớn nhất Tây Nguyên

Thứ Hai 27/04/2009 , 08:53 (GMT+7)

Anh là một Việt kiều sống lâu năm tại Hoa Kỳ, với tấm bằng kỹ sư tin học cao cấp, về nước với ý định đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. Thế nhưng không hiểu sao anh lại đi nuôi… heo rừng.

Anh là một Việt kiều sống lâu năm tại Hoa Kỳ, với tấm bằng kỹ sư tin học cao cấp, về nước với ý định đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. Thế nhưng không hiểu sao anh lại đi nuôi… heo rừng. Trại heo rừng ngày nào giờ thành Trung tâm heo rừng lớn nhất Tây Nguyên.

Ông Việt kiều… nuôi heo rừng

Tháng 4 Tây Nguyên đang trong giai đoạn cuối mùa khô, không khí oi bức. Từ quốc lộ 26 đến cây số 58 chúng tôi rẽ vào thôn 4 xã Ea Đa, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk, con đường đất đỏ bụi mù mịt, dọc hai bên đường người dân đang hối hả bơm nước chống hạn cho những rẫy cà phê, phải qua 3 lần hỏi thăm cùng với biển chỉ dẫn chúng tôi mới tìm được Công ty TNHH chuyên nuôi heo rừng của anh. Nằm cuối thôn, trang trại rộng 2ha của anh Hiếu nằm lọt thỏm giữa những rẫy cà phê, điều và cạnh một cái hồ nước lớn.

Thấy có khách lạ, một nhân viên tưởng tôi đến mua heo rừng giống liền một mạch giới thiệu các loại heo với số lượng không giới hạn. Thú thực tôi lên Đăk Lăk công tác cũng nhiều, được nghe nói về trang trại của anh nhưng tôi xem là chuyện bình thường vì nghề nuôi này đã rất phổ biến. Thế nhưng đến đây chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi quy mô của trang trại cũng như số lượng heo rừng trong chuồng, có cảm giác rằng heo rừng ở Tây Nguyên đã được đưa hết vào đây.

Hiếu ăn vận đúng kiểu một anh chàng “cao bồi” như trên phim ảnh Mỹ. Rất niềm nở, anh đưa tôi đi một vòng trang trại tham quan. Ông chủ Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết Trung tâm nuôi heo rừng Tây Nguyên này được thành lập từ năm 2006, tuy nhiên đây cũng không phải là cái nghiệp anh theo đuổi ban đầu mà chỉ vì một lý do rất đỗi tình cờ khi về Việt Nam. Anh vốn quê ở Cần Thơ, năm 1982 sang định cư tại Hoa Kỳ.

Ở đây qua học tập anh đã có tấm bằng kỹ sư tin học cao cấp, thạc sĩ quản trị kinh doanh (Đại học Hawai, Mỹ), một lĩnh vực rất “hot” hiện nay. Về Việt Nam, anh dự định đầu tư làm năng lượng sạch như điện gió, năng lượng mặt trời. Thế mà khi lên Tây Nguyên, thấy người dân nơi đây vẫn săn bắt và ăn thịt thú rừng mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm, anh đã thay đổi ý định. Sau một thời gian tìm hiểu thị trường, anh Hiếu quyết định mở trung tâm nuôi heo rừng.

Anh mua 2 ha đất tại thôn 4, xã Ea Đar quy hoạch thành khu chăn nuôi. Được sự đồng ý của Chi cục kiểm lâm Đăk Lăk, năm 2006 anh mua 26 con heo rừng giống ở Bình Dương để về làm giống nhân đàn. Tuy nhiên do không có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên toàn bộ số heo rừng đó không hợp với khí hậu núi rừng Tây Nguyên, do vậy chỉ trong mùa mưa năm ấy đã có 18 con heo giống bị chết, số còn lại èo uột không lớn và bệnh tật thường xuyên nên không sinh sản được.

Anh rút kinh nghiệm đi tìm mua heo tại các tỉnh Tây Nguyên về nuôi, nhưng do không biết cách phòng chống các bệnh heo thường gặp nên heo rừng của anh tỷ lệ heo con chết nhiều. Không nản chí, một mặt anh tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi heo rừng của Thái Lan, của trang trại dưới tỉnh Bình Dương, một mặt anh hợp tác với kỹ sư của Trường đại học Tây Nguyên để tìm cách nhân đàn heo giống cũng như các biện pháp chăm sóc đàn heo sao cho có hiệu quả cao nhất.

Thành công

Vạn sự khởi đầu nan, sau nhiều thất bại, đến năm 2008 là năm khởi đầu thành công của trang trại heo rừng Tây Nguyên, đàn heo giống của anh đã sinh sản được trên 400 con heo con. Tất cả đều khỏe mạnh và sinh trưởng tốt, tỷ lệ heo giống sống đạt trên 92%. Để mở rộng phát triển trang trại, anh Hiếu đã để lại 100 con heo làm giống, số còn lại bán cho người dân có nhu cầu. Theo anh hiếu, heo con chỉ một ngày sau khi sinh là được tiêm vacxin phòng bệnh vì vậy trong quá trình nuôi heo rất ít bị bệnh.

Anh Hiếu cho hay heo rừng cũng thường mắc các bệnh như heo nuôi thông thường, chính vì vậy cần tiêm phòng cho heo để an tâm về dịch bệnh. Tuy nhiên ruột heo rừng rất mỏng, chính thế nó rất hay bị tiêu chảy, để heo không bị mắc bệnh này chỉ cần nguồn nước cho heo ăn uống luôn phải đảm bảo vệ sinh.

Đến nay anh Hiếu đã đầu tư tổng số vốn để phát triển nuôi heo rừng lên tới 3,5 tỷ đồng. Trang trại hiện có đàn heo rừng gần 600 con, trong đó có 134 con heo sinh sản, 10 con heo đực giống. 

Dự kiến trong năm 2009, trang tại của anh Hiếu sẽ sản xuất được 1.200 con heo rừng giống để cung cấp cho thị trường. Từ đầu năm đến nay Trung tâm nuôi heo rừng Tây Nguyên của anh Hiếu đã thu trên 500 triệu đồng từ bán heo rừng giống, dự kiến hết năm anh sẽ thu 1 – 1,5 tỷ đồng.

Heo rừng là loài ăn tạp nên thức ăn cho heo rất đơn giản, ít tốn kém, bình quân mỗi ngày một con heo rừng chỉ tiêu tốn hết 1.000 đồng tiền cám, còn lại là thức ăn xanh. Heo ăn bất cứ thứ cây gì có sẵn trong vườn như thân cây chuối, lá dâm bụt, xơ mít, khoai sắn, cỏ sữa và rất nhiều loại cây cỏ khác. Chuồng trại chỉ cần 6 – 8m2 là nuôi được 5 – 6 con heo.

Heo rừng nuôi khoảng 7 – 8 tháng là có thể đạt 30 – 40kg. Với heo cái lúc đó có thể cho phối giống còn heo đực muốn để làm giống cần nuôi thêm 1 – 2 tháng nữa mới bắt đầu cho phối giống.

Thời gian mang thai của heo rừng cũng như heo nhà, từ 114 – 115 ngày. Quá trình đẻ diễn ra tự nhiên không cần sự can thiệp của con người. Mỗi lứa heo rừng đẻ từ 5 – 13 con. Hiện nay thị trường thịt heo rừng khá lớn với giá cả rất cao. Giá một kg thịt heo rừng giống là 300.000 đồng/kg, heo thịt là 150.000 đồng/kg thì quả là lợi nhuận từ nuôi heo rừng rất lớn.

Theo anh Hiếu, do chi phí mua heo giống khá cao nên tâm lí của người mua e ngại bởi không may rủi ro heo chết thì thiệt hại lớn, chính vì lẽ đó để đảm bảo, ngoài tiêm phòng cho heo từ lúc mới đẻ cho đến khi xuất bán, Cty còn có quy trình phòng bệnh và chăm sóc heo để người nuôi heo yên tâm đầu tư, không những vậy trong thời gian tới Cty còn hướng đến cam kết đảm bảo chất lượng đàn heo giống.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Tập huấn giúp nông dân bớt mông lung về canh tác lúa giảm phát thải

CẦN THƠ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tập huấn cho nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao về giải pháp kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.