| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi vùng cao chuyển mình

Thứ Sáu 17/05/2024 , 09:42 (GMT+7)

Với lợi thế đất đai rộng rãi, người dân vùng cao bắt đầu chú trọng chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa để phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo.

Chăn nuôi hươu sao cho thấy hiệu quả kinh tế đối với nông hộ. Ảnh: HĐ.

Chăn nuôi hươu sao cho thấy hiệu quả kinh tế đối với nông hộ. Ảnh: HĐ.

Hiệu quả từ chăn nuôi hươu sao

Nhiều hộ dân vùng cao mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, mở ra thị trường mới đồng thời ứng dụng khoa học, kỹ thuật để gia tăng giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế...

Từ sự quan tâm, vận động đổi mới trong sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, ông Lý A Phừ ở bản Dền Thàng A, xã Dào San (huyện Phong Thổ, Lai Châu) đã nuôi thành công đàn hươu sao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Cách làm mới này tạo động lực cho những hộ dân khác mạnh dạn đầu tư, tìm cơ hội gia tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. 

Ông Lý A Phừ cho biết: "Một lần tình cờ đọc được thông tin nuôi hươu có hiệu quả kinh tế mà lại dễ làm. Trong khi, nhà tôi ở lưng chừng núi có nhiều cây, cỏ voi nên có sẵn nguồn thức ăn cho loài vật này. Con hươu còn có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, dễ thích nghi khí hậu... Do đó, tôi quyết định khởi nghiệp từ việc nuôi hươu sao". 

Từ số tiền tích cóp được, ông Lý A Phừ vay vốn ngân hàng mua 10 con hươu sao từ miền Trung về nuôi. Chưa có kinh nghiệm nên ngoài việc học hỏi từ cán bộ nông nghiệp ông chủ động lên mạng internet tìm hiểu thêm cách chăm sóc, phòng bệnh... Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn, ông Phừ còn trồng thêm cỏ voi cho hươu, làm chuồng trại chắc chắn và thường xuyên dọn vệ sinh, khử trùng.

Tới nay, đàn hươu sao của gia đình ông đã cho thu hoạch những cặp sừng hươu, có giá tới 1 triệu đồng mỗi lạng. Mỗi con hươu đực trưởng thành còn có thể bán được từ 12-15 triệu đồng. Nguồn thu ổn định từ loài vật nuôi này, ngay cả ông Phử cũng bất ngờ và vui sướng. 

"Thời gian tới, tôi tiếp tục nuôi hươu để vừa sinh sản tăng đàn, rồi thu hoạch nhung để bán ra thị trường. Các hộ có nhu cầu mua giống, học hỏi kinh nghiệm tôi sẵn sàng giúp đỡ để nhân rộng... góp phần phát triển kinh tế của bà con cũng như địa phương", ông Lý A Phừ nói. 

Theo đánh giá của Hội nông dân xã Dào San, mô hình nuôi hươu sao của ông Lý A Phừ có hiệu quả, ít rủi ro và có nhiều triển vọng, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Cùng với đó có nhiều hộ còn trồng lê, cây dược liệu để có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Đàn hươu sao sinh trưởng, phát triển tốt và phù hợp khí hậu ở Dào San. Ảnh: HĐ.

Đàn hươu sao sinh trưởng, phát triển tốt và phù hợp khí hậu ở Dào San. Ảnh: HĐ.

Khuyến khích chăn nuôi gia trại, trang trại 

Hiện nay, huyện Phong Thổ khuyến khích người dân chăn nuôi tập trung, có quy mô, phát triển theo hướng hàng hóa. Các sản phẩm chăn nuôi lợn, cá, trâu, bò… có thể đáp ứng nhu cầu trên địa bàn từ đó tạo việc làm và thu nhập cho người nông dân. 

Ông Lò Văn Nông ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ, Lai Châu) hiện đang nuôi ong lấy mật, từ 30 đàn ong ban đầu, ông đã tách được thêm 11 đàn. Mỗi năm gia đình ông thu được hàng trăm lít mật ong. Với giá bán mật ong hiện từ 150-200 nghìn đồng/lít đã giúp gia đình ông có thu nhập ổn định.

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Tây An, xã Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu) cũng nuôi tới 10 con trâu sinh sản và vỗ béo. Gia đình ông đầu tư chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi để tránh ô nhiễm, bảo vệ môi trường đồng thời giúp đàn gia súc phòng bệnh.

Con trâu giống như khoản tiền tiết kiệm, để người dân có thu nhập trang trại sinh hoạt gia đình. Ảnh: HĐ.

Con trâu giống như khoản tiền tiết kiệm, để người dân có thu nhập trang trại sinh hoạt gia đình. Ảnh: HĐ.

"Con trâu hiện không còn được giá như trước nhưng vẫn là vật nuôi cho thu nhập ổn định. Khi cần có việc, tôi bán trâu đi là có một khoản tiền rồi. Nuôi trâu cần chú ý vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng bệnh để trâu khỏe. Việc này quan trọng lắm vì mỗi con trâu đến mấy chục triệu đồng.

Ngoài ra, tôi chủ động trồng cỏ voi, thu hái lá, quả trong vườn nhà, thu gom rơm, rạ sau mỗi vụ lúa để giảm chi phí chăn nuôi và có nguồn thức ăn ổn định cho trâu", ông Nguyễn Tiến Dũng nói. 

Ông Dũng còn đặt mua bã bia tại các tỉnh miền xuôi để làm thức ăn cho gia súc vì bã bia giàu protein và chất xơ. Khi trâu ăn loại thức ăn này thúc đẩy quá trình tiêu hóa, trao đổi chất nên béo khỏe.

Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phong Thổ cho hay, trong những năm qua, huyện đã vận động bà con tận dụng những khoảng đất đồi, chuyển dần các diện tích đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Thông qua các hoạt động khuyến nông, xây dựng nhân rộng mô hình tiêu biểu, có hiệu quả nhằm lan toả và thay đổi nhận thức của người nông dân từ quy mô nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi gia trại, trang trại từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tại địa phương.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.