Đây là một trong những công trình thủy lợi mang ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn với huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk vốn lâu nay gặp vô vàn khó khăn về nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như nước sinh hoạt, công nghiệp.
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi trở lại công trình thủy lợi Ea H’leo. Có tận mắt chứng kiến công trình đồ sộ nằm sừng sững giữa núi rừng đại ngàn mới cảm nhận được những vất vả của cán bộ thủy lợi, người lao động trực tiếp xây dựng công trình này.
Dưới cái nắng gay gắt của mùa khô Tây Nguyên, nhưng các cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân vẫn đang miệt mài ngày đêm bám trụ trên công trường, luân phiên làm việc để hoàn thiện những công việc cuối cùng, chuẩn bị cho ngày chặn dòng, tích nước dự kiến tổ chức vào ngày 26/3.
Dự án hồ chứa nước Ea H’leo được Bộ NN-PTNT phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định số 3902/QĐ-BNN-XD ngày 29/9/2017, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng vốn trên 1.400 tỷ đồng. Trong đó, vốn giai đoạn 2017 - 2020 là 990 tỷ đồng, để đầu tư hợp phần xây dựng công trình đầu mối, hợp phần bồi thường hỗ trợ và tái định cư công trình đầu mối.
Hồ có dung tích thiết kế 25,51 triệu m3. Các hạng mục công trình chính gồm: Đập bê tông với chiều dài 312m, chiều cao lớn nhất là 59m; đập đất đồng chất phía vai trái đập bê tông, chiều dài 305m; đập phụ nằm phía bờ phải đập có chiều dài 299,2m; tràn xả lũ và tràn tự do dài 56m; cống lấy nước nằm vai trái đập bê tông dài 37,7m…
Sau khi hoàn thành, hồ sẽ điều tiết nước sông Ea H’Leo nhằm cấp nước tưới ổn định cho các cây trồng có giá trị kinh tế cao của huyện; cấp nước phục vụ dân sinh, chăn nuôi, công nghiệp… góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
Cụ thể, hồ cung cấp nước tưới cho 5.000ha đất canh tác, tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 người dân trong vùng dự án, cấp nước công nghiệp với lưu lượng nước 15.000 m3/ngày đêm và nước phục vụ chăn nuôi 1 triệu m3/năm, qua đó góp phần cải thiện môi sinh, môi trường.
Với tầm quan trọng của hồ chứa nước Ea H’leo, ngay sau khi khởi công vào tháng 2/2019, chủ đầu tư cùng các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát đã ngày đêm làm việc 3 ca liên tục, kể cả ngày lễ, tết. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, nhất là hơn một năm qua phải thi công trong điều kiện vừa đảm bảo tiến độ, vừa phòng dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.
“Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã tuyên truyền đến từng người lao động nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ khuyến cáo của cơ quan y tế. Tất cả các đơn vị thi công trên công trường đều tổ chức kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế khi ra vào công trường. Bên cạnh đó, tổ chức họp trực tuyến, làm việc qua email… nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc mà vẫn bảo đảm công việc thông suốt, không ách tắc”, ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8), chủ đầu tư dự án chia sẻ.
Nhờ sự quyết tâm cao độ, đến nay công trình hồ chứa nước Ea H’leo đã cơ bản hoàn thành, chờ ngày chặn dòng, tích nước. Theo đó đập đất, đập phụ và các hạng mục công trình phụ trợ đã thi công xong. Riêng đập bê tông đã cơ bản hoàn thành, tổng khối lượng bê tông đạt 176.000/181.000 m3, khối lượng còn lại là phần hoàn thiện và hoành triệt cống dẫn dòng.
Đền bù và giải phóng mặt bằng là công việc hết sức khó khăn, UBND huyện Ea H’leo được giao làm Chủ đầu tư công tác giải phóng mặt bằng đã chủ động, tích cực tuyên truyền vận động người dân và xây dựng các phương án giải phóng mặt bằng phù hợp để giải tỏa bàn giao kịp thời xây dựng công trình, đến nay đã cơ bản xong để chặn dòng, tích nước.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT cho phép chặn dòng tích nước hồ chứa Ea H’leo để phục vụ sản xuất. Tỉnh cam kết hoàn thành giải phóng mặt bằng theo tiến độ thi công và quá trình dâng nước trong lòng hồ, đảm bảo an toàn tuyệt đối khu vực lòng hồ.
“Ngày 26/3 tới, dự án hồ chứa nước Ea H’leo chính thức chặn dòng, tích nước, đánh dấu mốc quan trọng, phát huy hiệu quả từng phần của dự án. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị tham gia xây dựng công trình, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk, Cục Quản lý Xây dựng công trình, UBND huyện Ea H’leo và sự đồng thuận nhường đất, di chuyển nhà cửa của các hộ dân trong vùng lòng hồ dành đất cho dự án”, ông Mai Quang Vượng, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 nói.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk
Hồ chứa nước Ea H’leo rất quan trọng
Hiện nay, toàn huyện Ea H’leo có hơn 40 công trình thuỷ lợi nhưng đều là các công trình nhỏ, tổng dung tích chỉ hơn 12 triệu m3 nước. Hồ lớn nhất là hồ thị trấn Ea D’răng nhưng dung tích cũng chỉ 1,1 triệu m3 nước, các hồ còn lại từ 100.000 - 500.000 m3 nước. Trong khi đó, huyện Ea H’leo có hơn 70.000ha đất nông nghiệp, trong đó cây trồng cần tưới gần 50.000ha, nên mới chỉ có khoảng 6.000ha (10%) cây trồng được tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi.
Do vậy, sự kiện hồ chứa nước Ea H’leo chặn dòng, tích nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với huyện, nhất là hồ được xây dựng ở giữa vùng khó khăn, thiếu nước nhất của huyện Ea H’leo nói riêng, của cả khu vực giáp ranh 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai nói chung. Hồ có dung tích gần 26 triệu m3 nước, tưới cho 5.000ha cây trồng, cấp nước sinh hoạt cho 10.000 hộ dân.
Đặc biệt, khu tưới 5.000ha tự chảy hoàn toàn bằng đường ống, là công trình đầu tiên ở Tây Nguyên sử dụng công nghệ này, hàng năm tiết kiệm hàng chục tỷ đồng nhiên liệu bơm tưới. Công trình đầu mối với đập dâng bê tông cao gần 60m, lòng hồ rộng gần 400ha tạo ra cảnh quan rất đẹp và một tiểu vùng khí hậu mát mẻ sẽ tác động rất tích cực đến du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội của huyện.
Tuy nhiên, trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 mới bố trí vốn để làm công trình đầu mối và sẽ trữ nước đầy hồ trong mùa mưa năm 2021. Hiện nay, Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã được Bộ NN-PTNT giao lập dự án đầu tư hệ thống đường ống tưới, dự kiến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Do đó, việc quan trọng tới đây là tỉnh Đăk Lăk cùng với các cơ quan Trung ương bố trí vốn để xây dựng hệ thống tưới, khi đó công trình mới phát huy hiệu quả hoàn toàn.