| Hotline: 0983.970.780

Họ đã thâu tóm Vườn Vua như thế nào?

Thứ Ba 17/03/2020 , 09:05 (GMT+7)

Không chỉ có những hành vi sai phạm về đất đai, xây dựng, dự án Vườn Vua resort&villas khiến người dân địa phương khổ sở.

Người dân tố chủ đầu tư dự án Vườn Vua. Ảnh: LAT.

Người dân tố chủ đầu tư dự án Vườn Vua. Ảnh: LAT.

Ông chủ thực sự là ai?

Chính quyền địa phương tỉnh Phú Thọ cung cấp tài liệu thể hiện, năm 2012, Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ (công ty con của Thăng Long Invest Group, có địa chỉ tại tầng 8, tháp B tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được UBND tỉnh Phú Thọ cho thuê 866.889m2 đất và mặt nước cố định tại các xã Đồng Luận, Trung Thịnh và Trung Nghĩa (huyện Thanh Thủy) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch, biệt thự sinh thái – nghỉ dưỡng Vườn Vua (Vườn Vua resort & villas).

Nhưng trước đó 10 năm, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao diện tích này cho Công ty Cổ phần Hòa Thanh thuê để xây dựng khu Du lịch sinh thái đầm Bạch Thủy.

Theo quyết định năm 2003 của UBND tỉnh Phú Thọ, Công ty Cổ phần Hòa Thanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sử dụng đất bị thu hồi.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Hòa Thanh đã liên kết hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ và xảy ra những tranh chấp, kiện cáo, phải nhờ đến cơ quan pháp luật giải quyết.

Năm 2012, bà Đào Thị Phương, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Hòa Thanh đã có đơn tố cáo việc ông Hồ Văn Sơn đã bán cổ phần của Công ty Cổ phần Hòa Thanh cho con rể là ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long trái pháp luật.

Ngày 30/11/2010, UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định 3893/QĐ-UBND, thu hồi toàn bộ hơn 88 ha đất Dự án đầm Bạch Thủy, với lý do Công ty Cổ phần Hòa Thanh không thực hiện các hạng mục đầu tư chính theo dự án đã được phê duyệt.

Sau đó, tỉnh này đã cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ thuê gần như toàn bộ diện tích trên để thực hiện dự án Vườn Vua Resort&villas.

Trên website chính thức, Thăng Long Invest Group thể hiện, ngoài việc chủ đầu tư dự án Vườn Vua resort&villas tại Phú Thọ, doanh nghiệp này là nhà đầu tư của hàng loạt dự án với những doanh nghiệp con như Công ty Cổ phần Điện gió Thăng Long Hướng Sơn 1,2; Công ty Cổ phần Đầu tư tòa nhà Công nghệ xanh TIG-HDE; Công ty Cổ phần Đầu tư HDE Holdings; Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Hà Thành; Công ty Cổ phần phân phối HDE…

Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Thăng Long Invest Group là ông Nguyễn Phúc Long. Theo thông tin từ tập đoàn này, ông Long cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ.

Dự án Vườn Vua resort&vilas được chia thành 2 giai đoạn. Chủ đầu tư đã tăng vốn từ 159 tỷ đồng lên 1.452 tỷ đồng. Rất nhiều hoạt động xây biệt thự để bán đã được thực hiện trên diện tích đất thuê với thời hạn 49 năm.

Thậm chí, chủ đầu tư còn tự ý chuyển đổi gần 11 ha đất nuôi trồng thủy sản, đất mặt nước chuyên dùng sang đất dịch vụ, xây dựng biệt thự và nhiều hạng mục khác.

Trên website chính thức của Thăng Long Invest Group là những lời quảng bá, giới thiệu có cánh về hệ thống biệt thự để bán và cho thuê dài hạn. Kèm theo đó là hàng loạt trang thông tin phát triển kinh doanh biệt thự tại dự án này với mức chào mời khoảng 2 tỷ đồng mỗi căn và cam kết cho thuê lại với lợi nhuận hàng năm 11%.

PV NNVN đã thử liên hệ với một trong những đầu mối phát triển dự án, được cung cấp thông tin vào tháng 4 này Vườn Vua sẽ tiếp tục mở bán trở lại nếu hết dịch Covid 19.

Chưa hết, với tham vọng sở hữu đầm Bạch Thủy và những hồ nước lân cận, năm 2015, Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ đề xuất chính quyền giao luôn cả những diện tích đang phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân xã Trung Thịnh. Đại diện chủ đầu tư đề nghị xin giao phần diện tích này để bảo đảm an ninh trật tự, tuy nhiên, phía chính quyền xã đã không đồng ý.

Cả ông Trần Đình Vững, Bí thư Đảng ủy, ông Nguyễn Đăng Khoa – Chủ tịch UBND xã Trung Thịnh đều kiên quyết không giao diện tích trên cho chủ đầu tư bởi lý do hệ thống kênh mương đang phục vụ tưới tiêu cho hơn 100 ha đất nông nghiệp của xã.

Tháng 10/2019, ông Quách Hải Lý, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Phú Thọ kết luận yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ phải thi công tuyến mương tiêu để tiêu úng khu vực Bến Đá, khu 9 xã Đồng Trung, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/3/2020 nhằm đối phó với mùa mưa lũ.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phía chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện, mặc cho chính quyền xã đã nhiều lần đốc thúc bằng văn bản.

Không có hay không cần giấy phép xây dựng?

Trước những tài liệu thể hiện Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ tự ý chuyển đổi gần 11 ha đất nuôi trồng thủy sản, đất mặt nước chuyên dùng sang đất thương mại dịch vụ để xây biệt thự, quầy bar, karaoke, sân tập golf…

PV NNVN đã liên hệ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền về lĩnh vực xây dựng ở Phú Thọ để làm rõ.

Chính quyền Phú Thọ

Chính quyền Phú Thọ "mở đường" cho vi phạm của doanh nghiệp. Ảnh: LAT.

Tại văn bản số 319, ngày 11/3/2020, trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam do ông Khuất Đăng Khoa – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phú Thọ ký, cơ quan này khẳng định: Đối chiếu với quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP, các công trình thuộc dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng Vườn Vua thuộc diện phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công xây dựng.

Cũng theo văn bản của Sở Xây dựng Phú Thọ, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng các công trình dự án này thuộc UBND huyện Thanh Thủy.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với PV NNVN, đại diện Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Thanh Thủy lại khẳng định: Huyện chỉ căn cứ vào quy hoạch chi tiết của dự án để giám sát việc xây dựng của chủ đầu tư. Hàng năm đều thành lập đoàn kiểm tra, trong trường hợp phát hiện vi phạm mới xử lý. Khi PV đặt câu hỏi rằng, các cơ quan chức năng huyện Thanh Thủy đã xử lý vi phạm của chủ đầu tư lần nào chưa thì vị này chỉ im lặng.

Thống kê sơ bộ, có hơn 60 căn biệt thự, diện tích dao động từ 70-100m2 mỗi căn, một căn nhà tập golf 2 tầng rộng 156,3m2, quán gió rộng 144,9m2, một căn lầu bát giác cùng hệ thuống quầy bar, karaoke…

Tất cả đều được xây dựng trên diện tích chủ đầu tư chuyển đổi không đúng quy định, là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.

Tuy nhiên, những hành vi này cho đến nay vẫn chưa bị xử lý. Thậm chí UBND tỉnh Phú Thọ còn ra cả văn bản cho phép doanh nghiệp chuyển đổi mục đích.

Ngoài ra, trên "cơ sở" diện tích sai phạm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy Khổng Danh Đạt (hiện ông Đạt đã chuyển công tác) đã ký phê duyệt cho cả những công trình sai phạm này.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.