Hàng loạt vi phạm
Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì thuộc dự án nhóm B, công trình cấp III, có tổng mức đầu tư 841,39 tỷ đồng (tương đương hơn 40,315 triệu USD).
Dự án triệu đô ở Phú Thọ tiếp tục bị phát hiện hàng loạt sai phạm. |
Theo tìm hiểu của NNVN, dự án này từ nguồn vốn ODA theo chương trình tín dụng ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ hợp tác phát triển Hàn Quốc thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc.
Cụ thể, 673,112 tỷ đồng (chiếm 80%) sử dụng vốn vay EDCF (do Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc Eximbank chịu trách nhiệm quản lý và vận hành); vốn đối ứng ngân sách tỉnh là 168,278 tỷ đồng (chiếm 20%).
Ngày 2/2/2010 UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt dự án tại Quyết định số 309/QĐ-UBND với mục tiêu thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt từ đời sống dân sinh, khắc phục tình trạng xả thải tràn lan ra môi trường sống không chỉ của người dân mà cả hệ thống khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư… đến các trạm xử lý nước tập trung trước khi xả thải ra sông Hồng, sông Lô.
UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã giao dự án cho Công ty CP cấp nước Phú Thọ làm chủ đầu tư. Diện tích sử dụng đất hơn 9,1ha.
Để thực hiện dự án, Tập đoàn Saman (Hàn Quốc) được lựa chọn tư vấn, thiết kế, chia thành ba gói thầu, đấu thầu rộng rãi, trong đó gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị có giá trị lớn nhất do Công TNHH Keangnam (Hàn Quốc) thực hiện. Dự án sẽ xây dựng 11 trạm bơm nước thải và sẽ có khoảng 70% số hộ đấu nối vào hệ thống thoát nước của thành phố. Tổng cộng có 19.900 hộ cần hỗ trợ đấu nối khi thực hiện dự án này.
Ngày 30/10/2014, Công ty CP cấp nước Phú Thọ đã làm Lễ khởi công Dự án Trạm thu gom, xử lý nước thải tại địa bàn phường Minh Nông rất hoành tráng với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành chức năng tỉnh Phú Thọ.
Ngay sau lễ khởi công, công ty này đã huy động nhân lực triển khai xây dựng nhiều hạng mục công trình kiên cố trên khu đất dự án. Kèm theo đó là hàng loạt những vấn đề nảy sinh trong quá trình dự án được triển khai ở nhiều khu vực khác. Đường sá bị đào bới, xây dựng trên đê điều gây bức xúc trong nhân dân...
Năm 2016, từ phản ánh của người dân địa phương, Báo NNVN đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện “dự án hàng chục triệu đô” vi phạm đê điều, tiến độ, xây dựng… Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Thọ xác nhận: Bộ NN-PTNT chưa đồng ý xây dựng nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng các công trình trong phạm vi đê điều quản lý. Sau khi báo phản ánh, các vi phạm lĩnh vực đê điều được khắc phục, tuy nhiên, hàng loạt vi phạm về tiến độ khiến dự án trọng điểm tỉnh Phú Thọ càng ngày càng thê thảm.
Theo các văn bản của địa phương này, dư? án sẽ phải cơ bản hoàn thành vào năm 2015. Nhưng báo cáo năm 2015, thời điểm dự án “phải cơ bản hoàn thành” thì công trình Trạm xử lý nước thải TP1 mới chỉ thi công được 40,3% khối lượng; công trình Trạm xử lý nước thải TP2 thi công được 19,7% khối lượng; công trình trạm bơm tăng áp mới thực hiện được 10,8%, trong đó còn tới 5 trạm bơm đang thi công và chưa được thi công. Về phần đường ống tự chảy mới thi công được 13,87km, đạt 32%; đường ống áp lực cũng chỉ thi công được 1,4km, đạt 16%. Tổng giá trị giải ngân đạt gần 212 tỷ đồng, tức chỉ khoảng 25%.
Trước thực trạng dự án liên tục chậm tiến độ, đến năm 2018, UBND tỉnh Phú Thọ đã phải 3 lần điều chỉnh tiến độ dự án và cho phép điều chỉnh một số hạng mục thi công, nhưng mới đây nhà thầu Keangnam đã có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng với lý do thiếu mặt bằng thi công.
Có mặt tại một trong những hợp phần của dự án ở phường Minh Nông, nhiều tháng nay công trình đang tạm dừng thi công, nhà thầu đã rút toàn bộ công nhân và máy móc thi công, chỉ để lại vài người thay nhau trông coi. Hiện cỏ dại đã mọc len vào một số hạng mục. Hàng chục triệu USD vốn vay để đầu tư vào công trình đang nằm phơi mưa phơi nắng trong sự bế tắc của chính quyền tỉnh Phú Thọ.
Trước thảm cảnh của dự án triệu đô, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo đoàn liên ngành kiểm tra và phát hiện hàng loạt vi phạm khác.
Cụ thể, năm 2013, Chủ đầu tư là Công ty CP cấp nước Phú Thọ phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công khi chưa tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật theo Quyết định 309 của UBND tỉnh Phú Thọ.
Sau khi điều chỉnh, dự án tiếp tục có những điều chỉnh về thiết kế và được UBND tỉnh Phú Thọ đồng ý về chủ trương, tuy nhiên, khi chưa có quyết định phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức cho thi công hầu hết các nội dung điều chỉnh.
Đối với nhà thầu Keangnam, việc tập kết vật liệu, vận chuyển phế thải đổ đi tại một số vị trí chưa được dọn dẹp vệ sinh theo quy định; việc triển khai lắp đặt tuyến ống để xảy ra tình trạng lún hoặc gồ cao ở nhiều điểm, các hộ dân phản ánh bị rạn nứt trần nhà, mái hiên…
Sau đó, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần cấp nước Phú Thọ về hành vi phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình không đúng trình tự, thủ tục theo quy định; xử phạt Tập đoàn Saman - Hàn Quốc, nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế về hành vi báo cáo tài liệu, số liệu khảo sát không đúng thực tế dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế; nghiệm thu không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng; xử phạt Công ty TNHH Keangnam - Hàn Quốc hành vi thi công, nghiệm thu không bảo đảm chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng…
Ai chịu trách nhiệm?
Xin được nhắc lại, dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì có nguồn vốn chủ yếu là vay ODA, việc chậm tiến độ liên tục chắc chắn sẽ mang vạ khi kế hoạch trả nợ không thể theo dự kiến.
Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Việt Trì có nguồn vốn chủ yếu là vay ODA. |
Trong quá trình thực hiện dự án, làm việc với PV NNVN, đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, về phương thức thu hồi vốn, có thể người dân TP Việt Trì sẽ phải đóng tiền phí xử lý nước thải cho DN. Việc dự án chậm tiến độ chắc chắn ảnh hưởng vì dự án sẽ chậm đi vào hoạt động, hai là giá cả biến động.
Lý giải về vấn đề tạm dừng triển khai dự án, theo đại diện Sở KH-ĐT Phú Thọ cho biết, dự án tạm dừng là do trượt tỷ giá tại thời điểm ký hợp đồng đến quá trình triển khai dự án có khác nhau dẫn đến thiếu vốn.
Vướng mắc nhất hiện nay là các đầu đấu nối nước thải của các hộ dân dẫn vào nhà máy đang gặp rất nhiều khó khăn bởi phần đa các hộ dân làm nhà từ trước, các công trình phụ đều nằm phía sau, nếu đưa gom được hệ thống nước thải này thì các hộ dân phải làm lại toàn bộ, thậm chí phải phá bỏ nền nhà làm lại hệ thống nước thải để nước thải có thể chảy đến các trạm bơm. Từ đó nhà máy tự bơm lên hệ thống để xử lý. Tuy nhiên, việc đấu nối lại không nằm trong dự án ban đầu dẫn đến phải tạm dừng tiến độ dự án…
Nói cách khác, UBND tỉnh Phú Thọ đang rất bị động trong việc triển khai dự án. Mới đây cơ quan này đã có công văn đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cho phép sử dụng kinh phí dự phòng khoản ODA còn lại 2,1 triệu USD để thực hiện các phần việc điều chỉnh bổ sung của hợp đồng tư vấn, xây lắp theo hiệp định vay vốn của Chính phủ; sớm bố trí kế hoạch năm 2019 cho dự án từ số vốn 159,7 tỷ đồng đã được bổ sung giai đoạn 2016-2020; đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc có ý kiến với Bộ Tài chính gia hạn thời gian thực hiện đến 31/12/2020, thời gian thanh toán dự án đến 30/6/2021 để thực hiện thủ tục gia hạn hợp đồng, giải ngân, thanh toán vốn dự án.
Hàng loạt vi phạm, thiếu sót, hạn chế từ một dự án vay ODA đã được chỉ rõ. Vấn đề là ai phải chịu trách nhiệm? Ai phê duyệt, thẩm định dự án? Thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở Phú Thọ cần phải làm rõ.
Trong Quyết định 309/QĐ-UBND do ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký thay Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình không hề có bất cứ căn cứ nào về Luật Đê điều hay các Nghị định của Chính phủ, các quy định của Bộ NN-PTNT… |