| Hotline: 0983.970.780

Họ đã vác ba lô lao vào tâm dịch

Thứ Tư 05/08/2020 , 06:49 (GMT+7)

Ngay khi xuất hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Đà Nẵng ngày 25/7, ngành Y tế đã đưa lực lượng tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn đến Đà Nẵng “truy vết” Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (áo xanh, giữa) cùng các bác sĩ chuẩn bị phương án đón bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại BV Phổi Đà Nẵng. Ảnh: N.T.K.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (áo xanh, giữa) cùng các bác sĩ chuẩn bị phương án đón bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại BV Phổi Đà Nẵng. Ảnh: N.T.K.

Việc truy vết, khoanh vùng cũng như tiến hành cách ly những trường hợp liên quan đến ca bệnh (F1, F2) là vô cùng quan trọng trong trận chiến dập dịch Covid-19 trên cả nước. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng khoanh vùng dập dịch trong thời gian sớm nhất, ngành Y tế cùng các đơn vị tại địa phương đã không kể ngày đêm xông pha nơi trận chiến chống dịch.

Trên mặt trận tuyến đầu

Một trong những người có mặt từ những ngày đầu tại tâm dịch Đà Nẵng là Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ông cũng là Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại thành phố Đà Nẵng với lực lượng là những bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điều trị, xét nghiệm, dự phòng, hồi sức, truyền nhiễm…

Đến nay, Đà Nẵng đã ghi nhận 160 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó có cả nhân viên y tế tại bệnh viện. Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trong cuộc chiến chống Covid-19 thì các thầy thuốc trong các bệnh viện là những chiến sĩ trên trận tuyến hàng đầu.

“Trong cuộc chiến thì việc bảo vệ cho những chiến sỹ không bị thương vong, không bị tổn thương là rất quan trọng. Do đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo cho ngành y tế Đà Nẵng tăng cường đảm bảo môi trường an toàn trong bệnh viện, an toàn cho bệnh nhân, an toàn cho người nhà bệnh nhân, an toàn cho nhân viên bệnh viện”, Thứ trưởng Sơn cho biết.

Thực hiện xét nghiệm người dân tại Đà Nẵng. Ảnh: Bộ Y tế.

Thực hiện xét nghiệm người dân tại Đà Nẵng. Ảnh: Bộ Y tế.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, có hai vấn đề cần đặt ra. Thứ nhất là phải có đầy đủ trang phục bảo hộ. Thứ hai là phải tuân thủ đầy đủ các quy trình chống nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, khử khuẩn, lau chùi bề mặt thường xuyên ở trong bệnh viện phải được tiến hành đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế.

Phóng viên hỏi về việc Thứ trưởng xin phép Thủ tướng trong cuộc họp với Chính phủ ngày 3/8: "Tâm lý anh em ở trong này (Đà Nẵng – PV) rất ổn định, làm việc rất hăng say. Em xin phép được ở Đà Nẵng cho đến khi dịch chấm dứt thì mới về!".

Ông cười nói: “Đây không chỉ là nhiệm vụ mà là lòng mong muốn của tất cả anh em trong Đội thường trực của Bộ Y tế tại Đà Nẵng”.

Thầm lặng "truy lùng" Covid-19

Trong suốt những ngày qua, các cán bộ, nhân viên Y tế thuộc CDC Đà Nẵng với sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur Nha Trang mỗi ngày cặm cụi trong phòng xét nghiệm thực hiện xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm để tìm ra trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Công tác xét nghiệm để xác định trường hợp dương tính sớm là một trong những mắt xích quan trọng, hạn chế việc lây lan ra cộng đồng cũng như giúp cơ quan chức năng sớm có các biện pháp ngăn chặn Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được điều động vào Đà Nẵng làm Phó đội trưởng Đội xét nghiệm.

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Bộ Y tế.

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Bộ Y tế.

Đội xét nghiệm hoạt động tại Đà Nẵng gồm 3 nhóm chính giúp triển khai truy vết về kháng thể, truy vết những trường hợp từng nhiễm Covid-19 hay chưa bằng phương pháp huyết thanh học (phương pháp Elisa). Tìm trong cộng đồng đã tồn tại những kháng thể hay chưa tức những người này đã từng nhiễm để từ đó có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời.

“Chưa bao giờ thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế, cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải bởi lượng mẫu quá nhiều. Đội đặc nhiệm tại CDC Đà Nẵng phải làm việc liên tục trong suốt những ngày qua bởi số lượng mẫu gửi đến tăng lên từng ngày. Nếu ít ngày trước mỗi ngày xét nghiệm từ 500 – 700 mẫu nhưng nhờ sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, hệ thống máy móc tự động thì hiện tại đã thực hiện khoảng 8.000 – 10.000 mẫu/ngày”, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nói.

Bà Hằng cũng cho biết, trước đây tại Đà Nẵng có 4 đơn vị có khả năng xét nghiệm, trong đó CDC Đà Nẵng là đơn vị phụ trách chính. Bệnh viện Đà Nẵng cũng triển khai xét nghiệm, năng lực khoảng 300 – 500 mẫu/ngày. Tuy nhiên, nhờ có sự tăng cường, chi viện nhân lực từ khắp cả nước thì tính đến nay đã xét nghiệm được khoảng 15.000 – 17.000 mẫu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng.

“Do lượng mẫu chuyển về lớn nên cũng áp lực nhưng với tinh thần chung tay cùng người dân Đà Nẵng, người dân cả nước chống dịch nên cả đội làm việc xuyên ngày đêm không quản ngại gian khó. Có nhiều bạn làm việc đến 12h đêm mới tạm thời kết thúc công việc trong ngày, nhưng sáng sớm hôm sau vẫn có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, giờ nghỉ trưa hiếm hoi thì các bạn tranh thủ ngồi mỗi người một góc, cầm trên tay hộp cơm tranh thủ ăn lấy sức”, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng tâm sự.

Có lệnh là vác ba lô lao vào tâm dịch

Trong những ngày qua, 5 Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm các bác sĩ khoa Sinh hóa, khoa Hồi Sức cấp cứu, Khoa Thận Nhân tạo, Khoa hồi sức Ngoại Thần kinh… đã được điều động lên đường hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch Covid-19. Cứ được lệnh là họ lên đường bất kể ngày đêm. Ngoài một ba lô đi làm hàng ngày, các thành viên trong đội phản ứng nhanh luôn có sẵn một ba lô với đầy đủ các đồ dùng cá nhân, dụng cụ, và trong tâm thế sẵn sàng để triển khai nhiệm vụ ngay sau khi được điều động lên đường

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy dặn dò các bác sĩ thuộc Đội phản ứng nhanh số 4 lên đường hỗ trợ Đà Nẵng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy dặn dò các bác sĩ thuộc Đội phản ứng nhanh số 4 lên đường hỗ trợ Đà Nẵng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

ThS Lê Hữu Hoàng, khoa Sinh hóa BV Chợ Rẫy là một trong các bác sĩ được điều động ra Đà Nẵng trong buổi chiều mưa ngày 3/8 cẩn thận kiểm tra lại các thiết bị y tế trước giờ lên đường để hỗ trợ tối đa về kỹ thuật, xét nghiệm cho BV Phổi Đà Nẵng nhằm chẩn đoán các bệnh nhân nguy cơ hoặc đã nhiễm Covid-19.

“Đây không chỉ là quyết tâm của riêng tôi, của nhân viên y tế BV Chợ Rẫy mà là sự quyết tâm chung của người dân cả nước cùng đồng lòng hướng về Đà Nẵng”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Chia sẻ từ “tâm dịch” Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu của BV Chợ Rẫy nói: “Tình hình ở đây còn nhiều thứ phức tạp lắm. Hiện giờ tôi và đồng nghiệp chỉ còn biết dồn hết trí, lực để điều trị cứu sống người bệnh”.

Trong tình hình hiện nay dịch diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và đã có những bệnh nhân tử vong, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo người dân Đà Nẵng: “Xin hết sức tuân thủ theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là giãn cách xã hội, nhà giãn cách nhà, người giãn cách người.

Đồng thời, lực lượng ở tại chính quyền địa phương cũng như bà con trong cộng đồng thành lập những tổ Covid-19 cộng đồng để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” và nhắc nhở bà con tuân thủ theo những quy định trong Chỉ thị 16.

Khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ cần thông báo cho cơ quan y tế ngay lập tức để có những biện pháp nhằm phát hiện những ca mắc Covid-19 sớm trong cộng đồng.

  • Tags:
Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.