| Hotline: 0983.970.780

Hồ Dầu Tiếng xả lũ đợt 1 năm 2024

Thứ Ba 24/09/2024 , 09:03 (GMT+7)

Ngày 24/9, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam ra thông báo kế hoạch xả lũ qua tràn hồ Dầu Tiếng đợt 1 với lưu lượng xả 100m3/giây.

Theo thông báo, hiện mực nước hồ Dầu Tiếng lúc 7 giờ ngày 23/9 ở cao trình 22,76m, lưu lượng nước về hồ khoảng 200 m3/giây, cao hơn mực nước thấp nhất trước lũ (21,77 m) là 0,99m, thấp hơn mực nước cao nhất trước lũ (23,65 m) là 0,89 m.

Hồ Dầu Tiếng xả lũ đợt 1 năm 2024. Ảnh: Trần Trung.

Hồ Dầu Tiếng xả lũ đợt 1 năm 2024. Ảnh: Trần Trung.

Để đảm bảo an toàn hồ chứa, từ 7 giờ ngày 24/9 đến 7 giờ ngày 1/10, hồ Dầu Tiếng bắt đầu xả lũ với lưu lượng 100 m3/giây. Tổng lượng xả khoảng 60,48 triệu m3 nước.

“Để có dung tích phòng lũ chủ động, ứng phó với tình hình mưa lũ trong thời gian tới, đảm bảo an toàn công trình, phòng và giảm lũ cho vùng hạ du, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam lên kế hoạch xả nước qua tràn hồ Dầu Tiếng đợt 1 năm 2024. Đồng thời, công ty cũng thông báo đến Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan vùng hạ du sông Sài Gòn để chủ động trong kế hoạch sản xuất và dân sinh, phòng tránh thiệt hại có thể xảy ra”, ông Trần Quang Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Miền Nam chia sẻ.

Ông Hùng cho biết thêm, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong các tháng cuối năm, hiện tượng La Nina sẽ tác động tiêu cực đến tình hình thời tiết, có khả năng làm tăng tổng lượng mưa và lượng dòng chảy về hồ cao hơn từ 5%-20% so với trung bình nhiều năm.

Để bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình, phòng và giảm lũ cho hạ du hồ Dầu Tiếng, ngay từ đầu năm 2024, Công ty đã xây dựng kế hoạch vận hành hồ Dầu Tiếng; tổ chức kiểm tra vận hành thử máy móc, thiết bị; kiểm tra, đánh giá hiện trạng các hạng mục công trình, đập, hồ chứa nước, các hệ thống quan trắc; chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, triều cường ở hạ du và tình hình khí tượng thuỷ văn trên lưu vực để có phương án vận hành điều tiết lũ hợp lý theo từng thời điểm trong mùa lũ.

Công ty sẽ chủ động tính toán điều tiết để thường xuyên duy trì mực nước hồ ở mức thấp hơn so với cao trình mực nước cao nhất trước lũ từ 0,3-0,6m, để tăng thêm dung tích phòng lũ, bảo đảm an toàn công trình, phòng và phòng lũ cho hạ du sông Sài Gòn.

Vùng hạ du cần chủ động các phương án PCTT khi hồ Dầu Tiếng xả lũ. Ảnh: MD.

Vùng hạ du cần chủ động các phương án PCTT khi hồ Dầu Tiếng xả lũ. Ảnh: MD.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thuỷ lợi Miền Nam Trần Quang Hùng đề nghị những người dân đang canh tác tại vùng đất ngập nước trong hồ Dầu Tiếng thường xuyên theo dõi thông báo của Công ty về tình hình diễn biến mực nước hồ để có kế hoạch sản xuất kịp thời thu hoạch khi hồ tích nước theo quy trình.

Đối với người dân đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng cần có biện pháp neo đậu tàu thuyền và không tổ chức đánh bắt cá trong thời gian có dự báo mưa lớn hoặc thông báo dự báo bão, áp thấp nhiệt đới để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Riêng đối với người dân sống và có hoạt động sản xuất ven sông Sài Gòn, cần có kế hoạch sản xuất, bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý, thường xuyên theo dõi thông tin vận hành, điều tiết lũ của công ty để chủ động thu hoạch, phòng tránh ảnh hưởng khi hồ xả lũ theo quy trình.

Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, với diện tích lưu vực 270 km2, dung tích toàn bộ 1.580 triệu mét khối thuộc phạm vi 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, là công trình thủy lợi quan trọng cấp đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia.

Hồ được thiết kế để phục vụ quản lý khai thác đa mục tiêu, ngoài việc bảo đảm nhu cầu về nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt; chống xâm nhập mặn và điều tiết lũ khu vực hạ du sông Sài Gòn, góp phần phục vụ phát triển kinh tế các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP. Hồ Chí Minh.

Xem thêm
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát

Trong điều kiện còn nhiều hạn chế, bất cập, vượt qua những khó khăn, thách thức lớn trong phòng chống thiên tai, bão lũ, chúng ta càng nhận thấy rõ những yếu tố mang tính nền tảng, là cội nguồn sức mạnh của đất nước được phát huy mạnh mẽ...

Bộ NN-PTNT và Bộ VHTT-DL bắt tay phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Hà Nội Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vừa ký kết Chương trình Phối hợp Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững...

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bình Định với nỗi lo 10 hồ chứa nước mất an toàn

Dù Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong công tác sửa chữa, nâng cấp hồ đập, thế nhưng hiện vẫn còn nhiều công trình nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.