| Hotline: 0983.970.780

Hồ Krông Pách Thượng góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước cho Tây Nguyên

Thứ Tư 22/03/2023 , 15:29 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, dự án hồ Krông Pách Thượng sẽ đảm bảo an ninh nguồn nước cho Tây Nguyên và giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk.

Sáng 22/3, Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT) phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức chặn dòng dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng (Đắk Lắk).

Dự án giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Dự án Hồ Krông Pách Thượng được Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2009. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2010; tuy nhiên do nguồn vốn khó khăn, phải giãn hoãn tiến độ sau năm 2015; chế độ, chính sách về giải phóng mặt bằng làm tổng mức đầu tư duyệt năm 2009 không còn phù hợp.

Do đó, Bộ NN-PTNT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ, UB Tài chính- Ngân sách Quốc hội xin bổ sung vốn, Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án, phân kỳ đầu tư bằng nguồn vốn bổ sung vốn từ khoản dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 của Bộ.

Đến nay, dự án đã khởi công được hơn 10 năm và đã hoàn thành hồ Ea Rớt gần 20 triệu m3, nhiệm vụ tưới cho gần 2.150ha và hiện nay đã đưa vào sử dụng, cung cấp nguồn nước cho vùng hạ lưu, đặc biệt đã cấp nước cho khu vực tái định cư của hồ Krông Pách Thượng. Hồ Krông Pách Thượng dung tích 123 triệu m3 nước, chủ yếu phục vụ nước tưới cho khoảng 12 ngàn ha đất canh tác tại khu vực huyện Ea Kar.

Ngoài phục vụ nước tưới, hồ Krông Pách Thượng còn cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân, phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội của vùng hưởng lợi.

IMG_0383

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Y Biêr Niê chứng kiến chặn dòng Dự án hồ Krông Pách Thượng. Ảnh: Quang Yên.

Chia sẻ với phóng viên Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, sau hơn 10 năm khởi công, đến nay Bộ NN-PTNT tổ chức chặn dòng và quyết tâm trong năm 2023 sẽ hoàn thiện toàn bộ hạng mục của giai đoạn 1 đối với dự án hồ Krông Pách Thượng. Đối với giai đoạn 2 của dự án, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí 1.120 tỷ đồng. Giai đoạn 2 đến năm 2025 sẽ hoàn thiện toàn bộ hệ thống kênh mương và đảm bảo đáp ứng tất cả mục tiêu ban đầu mà dự án đề ra.

“Sau khi xây dựng xong hồ Krông Pách Thượng, hồ Ea Rớt thì đời sống của người dân ở khu vực trên chắc chắn sẽ có bước phát triển. Dự án sẽ giúp ổn định nguồn nước cho khu vực Tây Nguyên nói chung và vùng dự án nói riêng”, Thứ trưởng Hiệp chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay khu vực Tây Nguyên diện tích tưới chủ động của các công trình thủy lợi chỉ mới đáp ứng được khoảng 27% là rất thấp. Trong khi trên cả nước, hệ thống thủy lợi hiện nay đáp ứng gần 60% diện tích tưới. Trong đó những khu vực có diện tích tưới rất lớn như đồng bằng sông Hồng trên 98%.

Lâu nay, Tây Nguyên luôn là vùng khát nước, khu vực này đất đai rất tốt, chỉ cần có nguồn nước, chắc chắn khi chính quyền địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ thành công.

z4202377906094_586b68fea6cf1fe2b361478f116f0fc0

Dự án hồ Krông Pách Thượng sẽ đảm bảo an ninh nguồn nước cho Tây Nguyên và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Dự án hồ Krông Pách Thượng có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 14.900ha đất nông nghiệp (cụm Krông Pách Thượng 12.750ha, cụm công trình Ea Rớt 2.150ha), cấp nước sinh hoạt cho gần 100.000 ngàn người; cắt lũ, phòng lũ cho hạ du, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện môi trường, khí hậu vùng dự án, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh Đắk Lắk.

Trong đó, hợp phần hồ Krông Pách Thượng (hồ 123 triệu m3), 3 đập đất, 2 tràn xả lũ, 1 cống lấy nước và 52km kênh. Hợp phần hồ Ea Rớt (hồ 16,8 triệu m3); đập đất cao 26m; tràn xả lũ có cửa, cống lấy nước và 37km kênh). Tổng diện tích đất phải đền bù của toàn dự án khoảng 2.300ha. Số hộ dân phải di dời khoảng 800 hộ (cụm hồ Krông Pách 725 hộ, cụm hồ Ea Rớt 76 hộ).

“Muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì phải lấy nguồn nước làm trung tâm, hiện nay ngành nông nghiệp đang sử dụng tới 85% nguồn nước. Hồ Krông Pách Thượng sẽ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả vùng. Ngoài ra, khi dự án này hoàn thành sẽ là hạ tầng rất quan trọng để tỉnh Đắk Lắk kết hợp làm các hoạt động khác đa mục tiêu như cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho các khu nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch, điều hòa khí hậu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Các ngành vào cuộc quyết liệt

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án giai đoạn 1, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã thực hiện đầy đủ các bước về trình tự, thủ tục; trong đó công tác giải phóng mặt bằng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk, các cấp chính quyền địa phương tích cực thực hiện, thường xuyên họp, đối thoại với người dân trong vùng dự án. Từ đó, giúp các hộ dân chia sẻ, thấu hiểu về chế độ, chính sách áp dụng để chủ động di dời, bàn giao từng phần mặt bằng xây dựng công trình hoàn thành từng hạng mục.

Đặc biệt, quá trình thực hiện, Bộ NN-PTNT đã chủ động phối hợp, nhiều lần làm việc trực tiếp với Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, các chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bộ đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc phối hợp giữa các chủ đầu tư và địa phương.

IMG_0358

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành nên việc thi công dự án có nhiều thuận lợi. Ảnh: Quang Yên.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8, đến nay, giai đoạn 1 của dự đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cụm công trình hồ chứa Ea Rớt đang phát huy tốt hiệu quả tưới 2.150ha. Đối với cụm công trình Krông Pách Thượng đang gấp rút, sẵn sàng thi công, vượt lũ công trình đầu mối trong tháng 3 để kết thúc xây dựng công trình trong năm 2023.

“Khi thi công xây dựng công trình đã được các cấp chính quyền tại địa phương tích cực thực hiện, bàn giao từng phần mặt bằng đầy đủ. Cụ thể, việc di dời người dân trong khu vực lòng hồ để đảm bảo điều kiện thi công vượt lũ đang được các cấp chính quyền tích cực thực hiện đồng thời thông qua công tác tuyên truyền, vận động, giải thích về cơ chế chính sách.

Do đó công tác di dời người dân trong khu vực lòng hồ có tính khả thi cao, rất nhiều hộ dân đã đăng ký tự nguyện di dời về khu tái định cư, nhường đất cho việc xây dựng công trình hồ chứa nước. Việc này đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện Ea Kar, M’Drắk, Krông Bông, Krông Pắc, các huyện lân cận nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung”, lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 nói.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8, việc quyết định thời điểm chặn dòng công trình vào thời điểm này phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay của dự án và sẽ là tiền đề quan trong cho việc xây dựng hoàn thành công trình trong năm 2023. Nếu tiếp tục lùi thời điểm chặn dòng, công trình bắt buộc phải kéo dài thời gian hoàn thành sau năm 2023, dự án chưa phát huy được hiệu quả đầu tư như mục tiêu ban đầu đã được phê duyệt và phát sinh nhiều yếu tố khó lường.

Ông Y Biêr Niê, Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, chính quyền địa phương, nhân dân tỉnh Đắk Lắk cảm ơn Bộ NN-PTNT và các ngành của Trung ương đã tạo điều kiện, đầu tư cho địa phương dự án Hồ Krông Pách Thượng.

Theo ông Y Biêr, dự án khởi động hơn 10 năm, đến nay đã có thành quả và mang ý nghĩa hết sức to lớn cho tỉnh Đắk Lắk. “Tây Nguyên là một trong những vùng có tỷ lệ tưới thấp nhất cả nước. Riêng Đắk Lắk nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi chỉ đảm bảo được 23%. Do đó, dự án hồ Krông Pách Thượng là một trong 3 công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh, phục vụ tưới cho hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp cũng như cấp nước sinh hoạch cho gần 100.000 hộ dân. Nhận thấy tầm quan trọng của dự án nên Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo quyết liệt xử lý những vấn đề khó khăn để đảm bảo tiến độ”, ông Y Biêr nói.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...