Thủy lợi thuộc nhóm giải ngân đạt tỉ lệ cao nhất ngành nông nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Syngenta Việt Nam tiếp nối hành trình vì cộng đồng tại Sóc Trăng. Ấn Độ cân nhắc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu gạo.
THỦY LỢI THUỘC NHÓM GIẢI NGÂN ĐẠT TỈ LỆ CAO NHẤT NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Chiều 10/1, Ban Quản lý Trung ương các dự ánthủy lợi (CPO) tổ chức Hội Nghị Tổng kết nhiệm vụ công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2023. Theo ông Phạm Đình Văn, trưởng ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi, Lũy kế giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến ngày 09/01/2023 là 933 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch vốn Bộ giao sau điều chỉnh và đạt 104% so với kế hoạch Bộ giao ban đầu. Lũy kế giá trị giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đối với dự án Lào đến ngày 9/1/2023 là 9 tỷ đồng, đạt 100% so với chỉ tiêu Bộ giao. Ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng Công trình - Bộ NN-PTNT đánh giá Ban CPO là một trong những đơn vị có giá trị giải ngân lớn, đóng góp lớn vào tỷ lệ giải ngân của Bộ NN-PTNT.Để Ban CPO hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý với khối lượng đồ sộ các công trình, dự án trong và ngoài nước. Trong quá trình thực hiện dự án, ban cần đặc biệt chú trọng đến khâu đào tạo nguồn nhân lực tương lai để gánh vác những nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy lợi.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT SỬ DỤNG CHẤT CẤM TRONG CHĂN NUÔI
Ngày 10/1, Bộ NN-PTNT có Công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương và các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN-PTNT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc.Theo đó, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp kinh doanh, mua bán, vận chuyển chất cấm; sử dụng chất cấm tại các cơ sở chăn nuôi theo quy định.Chỉ đạo, thành lập các chuyên án, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, lợn chưa được kiểm dịch của cơ quan thú y, sử dụng và nghi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Định kỳ vào ngày 30 hằng tháng báo cáo kết quả về Bộ NN-PTNT để tổng hợp.Đồng thời, giao Cục Chăn nuôi chủ trì, cùng Cục Thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y tại địa phương và các cơ quan có liên quan thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát sử dụng chất cấm tại cơ sở chăn nuôi. Hướng dẫn địa phương thực hiện giám sát, kiểm tra. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về chất cấm trong chăn nuôi cho phù hợp với quy định và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
SYNGENTA VIỆT NAM TIẾP NỐI HÀNH TRÌNH VÌ CỘNG ĐỒNG TẠI SÓC TRĂNG
Ngày 10/1 Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành và trao tặng 2 chiếc cầu bắc qua kênh, cùng 40 phần quà cho nông dân và học sinh nghèo hiếu học tại xã Ngọc Đông, huyện mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.Phát biểu tại buỗi Lễ khánh thành 2 chiếc cầu thuộc xã Ngọc Đông, ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc công ty TNHH Syngenta Việt Nam cho biết, trong năm 2022, Syngenta Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng nhiều căn nhà cho những hộ nông dân nghèo tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn... Đến nay, 146 mái ấm và 10 khu vệ sinh đã được công ty trao tặng trên 40 tỉnh thành của Việt Nam.Syngenta Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực không ngừng thực hiện nhiệm vụ sẻ chia cùng cộng đồng bằng cách duy trì những đóng góp có ích cho nông dân, cho các địa phương.
ẤN ĐỘ CÂN NHẮC DỠ BỎ HẠN CHẾ XUẤT KHẨU GẠO
Ngày 10/1, hãng tin Bloomberg dẫn lời một nguồn tin cho biết, giới chức trách Ấn Độ đang tích cực xem xét dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối một số loại gạo khi giá gạo trong nước ổn định hơn nhờ nguồn cung cải thiện. Nguồn tin này cho rằng, hiện nay, nguồn gạo dự trữ của chính phủ đủ để đáp ứng nhu cầu của các chương trình phúc lợi.Bên cạnh đó, động thái nới lỏng xuất khẩu gạo được giới chức trách Ấn Độ thảo luận khi những lo ngại về lạm phát lương thực dần lắng xuống. Theo dữ liệu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá cả lương thực toàn cầu trong tháng cuối cùng của năm 2022 trở về mức gần bằng với thời điểm đầu năm dù nguồn cung trải quan một năm gián đoạn do chiến tranh ở Ukraine và thời tiết khắc nghiệt.