| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ giống rau dự trữ quốc gia: Của cho thành… của lo!

Thứ Sáu 23/12/2011 , 10:06 (GMT+7)

Ở nhiều lúc nhiều nơi, việc xuất cấp giống hỗ trợ không hợp lí đã gây phản tác dụng. Thậm chí ở nhiều địa phương, giống rau hỗ trợ đang trở thành của nợ.

6 tấn giống rau để “khắc phục hậu quả cơn bão số 5” (xẩy ra từ tháng 9/2011) đến nay vẫn nằm chỏng chơ trong kho của một đơn vị ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hỗ trợ hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên ở nhiều lúc nhiều nơi, việc xuất cấp giống hỗ trợ không hợp lí đã gây phản tác dụng. Thậm chí ở nhiều địa phương, giống rau hỗ trợ đang trở thành của nợ.  

“No” rồi mới cho

Nhằm khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và cơn bão số 5 (xẩy ra vào cuối tháng 9/2011), ngày 20/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ 110 tấn hạt giống rau từ nguồn DTQG cấp phát không thu tiền cho 22 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên- Huế trở ra. Đến cuối tháng 10/2011, Bộ NN-PTNT đã có công văn giao Cty Giống rau quả TƯ xuất giống để phân bổ lượng hạt giống cụ thể cho các địa phương.  

Cứ như ý nghĩa của việc hỗ trợ hạt giống DTQG là để đáp ứng yêu cầu cấp bách nhằm khắc phục hậu quả bão lụt, thì đáng ra nó phải được chuyển ngay cho nông dân SX ngay sau khi mưa bão kết thúc. Thế nhưng ở nhiều địa phương, mãi tới tháng 12/2011 mới đây – nghĩa là phải gần 3 tháng sau khi mưa bão kết thúc thì hạt giống mới về được tới cấp tỉnh. Còn lúc nào mới tới tay nông dân thì chưa thể biết.

Tại Vĩnh Phúc, mặc dù chỉ nằm cách Trung ương chưa đầy 1 giờ chạy ô tô, thế nhưng không hiểu sao Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết mãi tới ngày 6 – 7/12/2011, hạt giống rau hỗ trợ mới được Cty Giống rau quả TƯ chuyển về. Điều oái oăm là cho tới thời điểm này, dù chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là hết năm 2011 nhưng toàn bộ 6 tấn hạt giống rau do TƯ cấp nhằm “khắc phục hậu quả cơn bão số 5” xẩy ra từ mãi hồi cuối tháng 9/2011 hiện vẫn đang nằm “đắp chiếu” trong kho của Trung tâm Kỹ thuật – Rau hoa quả tỉnh Vĩnh Phúc.

Lí giải về sự chậm trễ này, ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc) giải thích: Sở dĩ đến lúc này Vĩnh Phúc vẫn chưa muốn triển khai phát giống rau hỗ trợ cho dân là do nhiều nguyên nhân, mà cơ bản là do giống được chuyển về quá muộn. Dù năm nay lúa mùa thu hoạch muộn, nhưng các vùng SX rau hàng hóa vụ đông trên chân đất hai lúa – một màu cũng đã tranh thủ xuống giống ngay sau thời điểm cơn bão số 5 kết thúc, tức vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2011.  

"Đến đầu tháng 12/2011, các loại rau ngắn ngày nông dân đã sắp thu hoạch xong lứa thứ hai thì giống hỗ trợ mới được chuyển về đến tỉnh. Thế nên dù có phát cho không vào thời điểm đó thì nông dân cũng chẳng mặn mà gì, nhất là hầu hết các loại giống rau hỗ trợ lại không phải là giống rau để SX hàng hóa", ông Nguyễn Thành Nam cho biết.

Những ngày này về các vựa SX rau thuộc các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương…(Vĩnh Phúc), khắp nơi rau màu vụ đông đã tràn đồng ruộng. Nhắc tới chuyện giống rau hỗ trợ của nhà nước, ông Đoàn Thanh Cảnh, một nông dân trồng rau chuyên nghiệp tại vùng rau Vân Hội (Tam Dương, Vĩnh Phúc) ngán ngẩm bảo: “Thời điểm kết thúc cơn bão số 5, nhiều nơi mưa lớn, cũng đang thời điểm chuyển mùa SX rau nên giá rau sốt cục bộ. Các loại rau cải lên tới 12 nghìn đồng/kg. Đầu vụ xuống giống nên giống rau lúc đó cũng đắt. Nếu lúc đó có giống hỗ trợ của nhà nước, không SX được thành rau hàng hóa thì dân cũng có giống vãi dùng hàng ngày. Còn bây giờ rau chỗ nào chẳng đã tràn đồng, các loại cải ngọt, bí xanh chỉ 3 – 4 nghìn đồng/kg cũng đang khó bán. Thế nên thời điểm này nếu như có giống rau của nhà nước cho không thì chúng tôi cũng cứ lấy bừa rồi về vứt đấy, chứ chắc gì có ai đưa ra trồng?”.

Ông chủ nhiệm một HTX rau khác ở Tam Dương (Vĩnh Phúc) thì rút lại: “Giống rau hỗ trợ DTQG giống như “một miếng khi đói” để giúp dân có cái ăn tại chỗ cũng như khôi phục SX sau thiên tai. Thế nhưng chờ tới khi người ta no phè rồi mới hỗ trợ thì còn gì ý nghĩa nữa!” 

Sợ chữa cháy thành… lụt! 

Nguyên nhân thứ hai khiến Vĩnh Phúc đến nay vẫn phải “om” giống trong kho, đó là nông dân đã quá thấm từ bài học về giống hỗ trợ hồi năm 2008. Sau trận lụt lịch sử càn quét hết rau màu cuối năm 2008, khắp miền Bắc tỉnh nào cũng được TƯ phát không hàng chục tấn giống rau. Đang trong cơn “khát rau”, lại được cho giống miễn phí nên tỉnh nào cũng rầm rập cảnh “nhà nhà trồng rau, người người trồng rau”. Hàng trăm tấn hạt giống rau đã được vãi bừa phứa khắp những cánh đồng thuộc các tỉnh ĐBSH. 

Và chỉ sau một thời gian ngắn, rau (mà chủ yếu là rau cải ăn lá) tràn ngập thị trường. Ở những vùng rau trọng điểm ngọai thành Hà Nội, từ chỗ rau cải đắt như vàng thì chỉ chưa đầy một tháng sau, rau cho không ai lấy. Tại các vùng trồng rau hàng hóa tại các tỉnh ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, giá rau cải các loại chỉ 100 – 200 đ/kg khiến nông dân đành phải nhổ rau vứt chất đống bờ ruộng.  

Công văn “xin kinh phí” bảo quản giống của Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc có đoạn ghi rõ lí do: “Chính phủ đã hỗ trợ 110 tấn hạt giống rau cho 22 tỉnh thành (từ Thừa Thiên- Huế trở ra). Với số lượng giống nêu trên, nếu SX ồ ạt sẽ tạo khối lượng sản phẩm rất lớn, khó tìm thị trường tiêu thụ, gây ế thừa sản phẩm…”.

Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc) bấm ngón tay nhẩm tính: Đợt hỗ trợ giống rau DTQG vừa rồi có tới 22 tỉnh, thành phía Bắc được hỗ trợ giống rau, mà lại toàn là rau cải. Tỉnh ít cũng vài ba tấn, tỉnh nhiều phải hàng chục tấn. Với lượng giống đó, nếu tỉnh nào cũng đem chia hết ngay cho dân thì không chừng chỉ một tháng sau, không chừng rau lại rẻ như cho. Nói như Vĩnh Phúc, với 6 tấn hạt rau cải được hỗ trợ, tính sơ sơ sẽ tương đương với 6.000 hecta – tương đương ½ tổng diện tích rau vụ đông của toàn tỉnh…

Trước nỗi lo “chữa cháy thành… lụt” đó, không biết lãnh đạo Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc có thật tâm ái ngại để giữ giá cho nông dân hay không, nhưng ngay sau khi nhận được hạt giống thì Sở này đã không dám phát giống ngay cho dân, mà phải làm công văn xin UBND tỉnh kinh phí để bảo quản hạt giống trong kho lạnh. Dự kiến, lượng giống này sẽ được chia dần cho các địa phương trong năm 2012. Chẳng biết hiệu quả của những hạt giống rau hỗ trợ này khi nông dân SX thế nào, nhưng trước mắt, kinh phí bảo quản giống bằng kho lạnh (duy trì 15 độ C), cộng với kinh phí vận chuyển theo đề xuất của Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc lên tới 43,5 triệu đồng. 

Thiết nghĩ, cứ như lo ngại của Sở này thì giống DTQG hỗ trợ cho các tỉnh đã không còn mang ý nghĩa giúp “khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh cấp bách, bình ổn thị trường” nữa, mà là “phá thị trường” thì đúng hơn!?

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm