Vừa qua, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn công tác Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đã có chuyến công tác, kiểm tra tình hình xây dựng NTM tại Sơn La và Hòa Bình.
Xây dựng miền quê đáng sống
Tại Sơn La, Thứ trưởng đã đi kiểm tra, thăm mô hình điểm văn hóa du lịch cộng đồng Pa Phách (xã Đông Sang, huyện Mộc châu). Đây là mô hình Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương phối hợp với huyện Mộc Châu xây dựng bản văn hóa kiểu mẫu của người Mông.
Đoàn công tác chỉ ra Pa Phách có 5 yếu tố tạo ra sự khác biệt so với bất kỳ các điểm du lịch ở nơi khác. Đó là cảnh quan, tính truyền thống, sức khoẻ, sáng tạo và thân thiện với môi trường. Đây là 5 giá trị cốt lõi làm bất cứ hoạt động du lịch nào đều phải gắn chặt với nó
Đề án có 3 mục tiêu. Xây dựng một bản văn hoá du lịch của người Mông. Tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Từng bước nâng cao thu nhập hộ nghèo và ổn định đời sống của 112 hộ dân tộc Mông ở 2 bản Pa Phách 1, 2. Nguyên tắc triển khai dự án là bảo tồn phát huy tối đa các sắc thái văn hoá của người Mông. Giữ nguyên hiện trạng chỉnh trang để phát huy lợi thế cảnh quan, văn hoá của người Mông. Bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan nông thôn.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan sẽ đào tạo nghề, kỹ năng đón khách du lịch đối với bà con người Mông. Hỗ trợ 30 hộ gia đình tâm huyết, có điều kiện làm homestay. Đồng thời, nâng cấp tuyến đường và đầu tư công trình nước sạch cho 112 hộ dân.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu: Huyện Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia. Qua đánh giá của đoàn công tác, Mộc Châu sẵn sàng ủng hộ và đón nhận. Huyện xác định, một trong những khâu đột phá trong giai đoạn tới của Mộc Châu là phát triển du lịch. Theo đó, nông nghiệp sẽ là tương hỗ đắc lực cho du lịch và ngược lại. Đây là lợi thế của Mộc Châu.
Trong phát triển du lịch, Mộc Châu hướng đến phát triển du lịch cộng đồng. Vì Mộc Châu có 12 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, dân tộc Mông là một trong những dân tộc còn giữ được nhiều bản sắc nhất. Ở 2 bản Pa Phách 1, 2 vẫn còn rất nguyên sơ. Hiện, UBND đã ban hành quy chế xây dựng bản du lịch cộng đồng. Trong đó có quy chế quản lý về kiến trúc nhà ở của các dân tộc. Quy chế quản lý chăn nuôi trong khu dân cư để tránh việc ô nhiễm môi trường.
“Cái khó khăn nhất hiện nay là nhận thức của người dân khi tham gia làm du lịch. Làm thế nào để bà con có kỹ năng, cách làm du lịch hiệu quả nhất. Mọi sự tác động của chúng ta đều không có ý nghĩa gì nếu chính bản thân những người dân bản địa họ không làm được. Nhưng trong Đề án cũng đã có giải pháp tập huấn kỹ năng làm du lịch cho bà con nên tôi tin nếu được triển khai sẽ giúp ngành du lịch Mộc Châu ngày càng phát triển hơn nữa.
Trong tương lai, việc phát triển du lịch cộng đồng ở 2 bản Pa Phách 1, 2 rất có triển vọng. Đây là cơ hội rất lớn cho Mộc Châu. UBND huyện Mộc Châu mong muốn UBND tỉnh ủng hộ Đề án để Mộc Châu được đón nhận. Qua đây, thực hiện có hiệu quả việc phát triển du lịch của huyện trong thời gian tới”, bà Hoa nói.
Tại buổi làm việc, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: "Đề án này được triển khai sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp tỉnh Sơn La xây dựng Mộc Châu thành khu du lịch quốc gia như Thủ tướng đã phê duyệt. Thứ 2 là giúp tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu đạt được mục tiêu xây dựng NTM. Thứ 3, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc Mông. Thứ 4, tạo sinh kế bền vững cho người dân".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhận định, mô hình này rất khác so với các chương trình trước đó. Chủ trương của tỉnh Sơn La là đồng tình. Tỉnh sẽ phối hợp với tốt với các đơn vị trong việc chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Qua đó, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và quyền lợi của người dân. Vì người dân tham gia Đề án bằng quyền sử dụng đất.
Ông Hùng yêu cầu các đơn vị liên quan phải bàn thật kỹ trước khi trình cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt để triển khai Đề án. Từ bước lập, thẩm định dự án phải có sự tham gia của người dân. Làm sao thay đổi được tư duy, nhận thức, tư tưởng của người dân, có ý kiến tham vấn cộng đồng rõ ràng. Trong quá trình thực hiện Đề án, để đón được khách du lịch phải thay đổi được tập quán sinh hoạt, đặc biệt là tập quán chăn nuôi của người dân. Đó là những công việc chúng ta phải làm và phải được đề cập trong Đề án. Từ đó phân rõ trách nhiệm cho các bên, phần nào nhà nước làm, phần nào chủ đầu tư làm.
Tại buổi làm việc lãnh đạo tỉnh Sơn La, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề ghị UBND huyện Mộc Châu sâu sát với vùng thực hiện đề án. Tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đối với bà con. Các ngành, đơn vị liên quan cần phối hợp tốt với nhau để đề án sớm được triển khai. Từ đó, xây dựng điểm du lịch cộng đồng ở 2 bản Pa Phách 1, 2 thành miền quê đáng sống.
Bộ NNPTNT cam kết sẽ hỗ trợ cho tỉnh Sơn La trong việc thực hiện đề án để nơi đây trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, trở thành một điểm nhấn khi du khách đến với khu du lịch Quốc gia Mộc Châu.
"Đây là đề án được Bộ NNPTNT chọn làm mô hình điểm trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Để triển khai thành công, đề nghị tỉnh Sơn La phối hợp quản lý tốt công tác quy hoạch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tại 2 bản Pa Phách 1, 2. Đầu tư cơ sở hạ tầng vào bản bằng nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM...", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Cần giữ được bản sắc văn hóa dân tộc
Tại tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã đi thăm quan, khảo sát xây dựng mô hình du dịch cộng đồng gắn chặt với phát triển sản phẩm OCOP của huyện Mai Châu; thăm các HTX được công nhận sản phẩm OCOP như: HTX rượu Mai Hạ, HTX dệt thổ cẩm truyền thống xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu.
Tại đây, ông Đặng Mai Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Thứ nhất, cơ sở hạ tầng, giao thông phát triển du lịch địa phương tương đối ổn định; thứ 2, người dân rất tin tưởng, ủng hộ phát triển du lịch cộng đồng của huyện, tỉnh; thứ 3, phát triển làm sao cho người dân quen giữa làm nông nghiệp và du lịch, biến sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du dịch; thứ 4, bà con mong muốn xây dựng được mô hình hỗ trợ đặc trưng của địa phương.
“Mai Châu đang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành khu du lịch Quốc gia. Mai châu là trọng điểm về ma túy, muốn đổi mới, muốn bà con thay đổi không tham gia tệ nạn xã hội nữa, phát triển về du lịch cộng đồng nhằm nâng cao đời sống người dân. Đồng thời, mong muốn mở rộng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường để phát triển kinh tế, xã hội du lịch ở địa phương tốt hơn”, ông Sơn cho hay.
Qua thực tế, Thứ trưởng Trần Thanh Nam ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thực hiện Chương trình OCOP. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình OCOP; phân bổ kinh phí để chuẩn hóa sản phẩm du lịch cộng đồng; tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm; tỉnh Hòa Bình cần phấn đấu có sản phẩm OCOP 5 sao trong năm 2020.
Đặc biệt, huyện Mai Châu cần thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nên ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu, tạo việc làm cho người dân tại địa phương và quan trọng nhất giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Bùi Đức Hinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình OCOP, nhất là trong công tác hoàn thiện hồ sơ các chủ thể còn lúng túng; chỉ ra những vấn đề cần tháo gỡ và mong muốn Bộ NN-PTNT hỗ trợ xây dựng các trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại địa phương; sớm ban hành bộ tài liệu tập huấn để các địa phương có cơ sở thực hiện đào tạo hiệu quả và sát nhu cầu thực tế; bổ sung thêm kinh phí thực hiện các mô hình điểm nhất là các điểm du lịch cộng đồng để hỗ trợ tỉnh Hòa Bình phát huy tiềm năng du lịch.