Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy qua đời ngày 5/6/2021 ở tuổi 45. Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 1994, khi tròn 18 tuổi. Sau đúng 5 tháng hoa hậu Nguyễn Thu Thủy vĩnh biệt cõi đời, cuốn sách “Một chuyến đi” từ di cảo của mỹ nhân này, được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty sách Thời Độ chính thức phát hành với số lượng 3000 bản.
Cuốn sách “Một chuyến đi” dày 160 trang, được ký tên Tử Yên Nguyễn Thu Thủy. Vì sao như vậy, vì lúc sinh thời, hoa hậu Nguyễn Thu Thủy có viết một số tản văn và truyện ngắn, lấy bút danh là Tử Yên.
Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy là con gái của hai chuyên gia ngành ngôn ngữ, Giáo sư Nguyễn Văn Lợi và Tiến sĩ Chu Bích Thu. Vì vậy, từ nhỏ hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đã gắn bó với sách vở.
Trong khi nhiều người đẹp khác mơ ước biệt thự và siêu xe, thì hoa hậu Nguyễn Thu Thủy thổ lộ: “Tôi lúc nào cũng mơ ước có một cái cửa hàng bán sách cũ kỹ. Khách hàng cũng cũ kỹ, không biết smartphone. Khi tôi đang vừa trông hàng vừa đọc sách, có bác kia đến hỏi cô ơi cô tôi muốn tìm đọc tờ Văn Nghệ Quân Đội tháng 6 năm 1979. Trả lời luôn, mặt vẫn không ngẩng lên, nó ở hàng thứ ba từ sát tường tính vào, đây là loại sách báo không bán không cho mượn cho thuê, bác tìm thấy thì ngồi đọc ngay tại đây, đọc xong xếp lại chỗ cũ bác nhé! Nói xong lại tiếp tục giở sang trang khác đọc tiếp, mặt vẫn không ngẩng lên”.
Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy rất khác biệt với những hoa hậu Việt Nam từng được đám đông bủa vây và ngưỡng mộ. Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy tự nhủ: “Cứ dại dột một tí, dở hơi một tí, nông nổi một tí, nỗ lực nhiều tí và điên rồ rất rất nhiều tí, giữa một thế giới đầy những người khôn ngoan, thành đạt và kín kẽ ngoài kia”.
Bây giờ, hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đã có “một chuyến đi” về miền xanh thẳm. Thế nhưng, cuốn sách di cảo “Một chuyến đi” lại thay mặt hoa hậu Nguyễn Thu Thủy để tiếp tục giao lưu và trò chuyện với mọi người.
Đọc những gì hoa hậu Nguyễn Thu Thủy viết, không thể không thừa nhận đó là một người đẹp thông minh và chân thành. Câu chuyện sau đây có thể giúp độc giả thêm hiểu và thêm nhớ hoa hậu tài sắc vắn số Nguyễn Thu Thủy.
“Một cô bạn gửi inbox tâm sự với tôi về việc cô tập yoga và thái độ của chồng cô về việc này. Đại khái là cô là một bà nội trợ, chồng cô là một doanh nhân thành đạt và rất văn minh, yêu vợ con, nói chung là trong mắt gia đình, bạn bè và xã hội là anh rất tuyệt vời. Cô cũng công nhận như vậy. Và có lẽ vì anh tuyệt vời quá nên cô rất lo sợ mất anh.
Trước đây cô hay ghen tuông vô cớ, có những cơn trầm cảm len lỏi trong đời sống gia đình cô. Cô tìm đến với yoga và trở nên bình tĩnh hơn, vững chãi hơn về mặt tinh thần. Tuy nhiên, gần đây cô không thể duy trì việc tập luyện yoga được, mà lý do (theo cô) là đến từ sự ngăn cản và phá đám của chính chồng cô. Anh không cấm đoán, thậm chí còn ủng hộ khuyến khích. Không có biểu hiện gì của kẻ phá đám cả, nhưng cô nói với tôi, vừa ấm ức vừa có cảm giác tội lỗi rằng không biết có phải cô quá nhạy cảm và ảo tưởng hay không.
Tôi chẳng biết trả lời cô thế nào, vì tôi cũng luôn luôn bị qui kết là quá nhạy cảm và tiểu tiết. Tôi chẳng có tư cách gì để kết luận hay đưa ra đánh giá về đàn ông. Bản thân tôi cũng không mấy thành công trong các mối quan hệ hôn nhân.
Tuy nhiên, tôi có một cậu con trai. Nếu phải nói với con trai mình về “thế nào là đàn ông”, tôi sẽ nói như thế này: Con có thể gia trưởng (vì con là người châu Á) con có thể cười bỗ bã nói với một người đến từ nền văn hoá khác về trách nhiệm của con là “trông” những người phụ nữ và những con trâu của con. Nhưng đừng cố gọi tên nó dưới một từ mỹ miều nào khác như “tôn vinh” chẳng hạn. Đừng tự ái khi có ai đó bảo con là bãi cứt trâu. Và vì thế cũng đừng nên chúi mũi vào hay chỉ trích những bãi cứt trâu khác. Tập thể dục đi, đừng để bụng phệ, mỡ trong máu nhiều hơn tiền trong túi. Hít vào thở ra, thở ra hít vào, và đừng quan tâm đến sự nhạy cảm quá đáng và tiểu tiết của lũ đàn bà”.