| Hotline: 0983.970.780

Hoa ly OCOP ở Mê Linh

Thứ Tư 13/12/2023 , 10:02 (GMT+7)

Huyện Mê Linh, TP Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng mỗi năm từ 20 sản phẩm đến 30 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao để nâng tầm giá trị nông sản của địa phương.

Mê Linh vốn là huyện mới sáp nhập của TP Hà Nội, có lợi thế về phát triển nông nghiệp với quỹ đất khá lớn, hệ thống thủy lợi tốt, trình độ thâm canh của nhân dân cao. Để nâng cao thu nhập cho người dân, trong thời gian qua huyện đã khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh hoa - cây cảnh gắn với du lịch trải nghiệm và không thể không kể đến đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Câu chuyện hoa ly được xếp hạng OCOP của Mê Linh là một ví dụ tiêu biểu.

Cán bộ huyện xuống thăm mô hình hoa ly của ông Lê Văn Ngà, thôn Yên Bài, ở xã Tự Lập. Ảnh: Đinh Đang.

Cán bộ huyện xuống thăm mô hình hoa ly của ông Lê Văn Ngà, thôn Yên Bài, ở xã Tự Lập. Ảnh: Đinh Đang.

Ông Trần Văn Huệ, Chủ tịch UBND xã Tự Lập cho biết, địa phương mình vốn là xã thuần nông, tỷ lệ nông dân vẫn chiếm số đông nên khi triển khai chương trình đánh giá, xếp hạng OCOP, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã lựa chọn sản phẩm hoa ly và đã được huyện Mê Linh công nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Đây cũng là một minh chứng của việc chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị cao.

Câu chuyện bắt đầu mấy năm về trước khi gia đình ông Lê Văn Ngà ở thôn Yên Bài đã dũng cảm đứng lên thuê lại những thửa ruộng trồng lúa kém hiệu quả của người dân ở cánh đồng Phần để thực hiện mô hình mang tính tiên phong là trồng hoa ly với diện tích lớn (29ha). Hoa ly là giống cây nhập ngoại, vốn có nguồn gốc từ những vùng lạnh của châu Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan…, nên thường chỉ trồng được trong mùa đông ở miền Bắc, đòi hỏi kỹ thuật và đầu tư nhiều vì giá củ giống thường cao. Hàng năm, nông dân chỉ trồng duy nhất một vụ hoa để bán vào dịp Tết và việc chủ vườn "có Tết" hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật chăm sóc trước đó khoảng 2 tháng để làm sao cho hoa bung ra đúng vào Tết.

Hoa ly có chu kỳ phát triển dao động từ 80 - 85 ngày nếu trồng trong thời tiết lạnh, mát mẻ của mùa đông. Đó là những năm thời tiết thuận lợi, còn với những năm có mùa đông ấm, trời nắng, chủ vườn phải che lưới để giảm bớt lượng bức xạ ngăn hoa nở sớm, không thể thu hoạch đúng dịp Tết, bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt.

Khó khăn là thế nên lợi nhuận của loại hoa này cũng tương xứng với những gì mà các chủ vườn đã bỏ ra. Theo như ông Ngà cho biết, với sản lượng bình quân hơn một triệu cành mỗi vụ, hoa ly đã cho gia đình mình doanh thu hơn 20 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động là người địa phương với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng. Để cho cây phát triển được tốt, màu sắc hoa đẹp, ông Ngà thường xuyên ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như bón phân cân đối theo từng thời kỳ phát triển của cây, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, biết “hãm” cho hoa nở đúng dịp Tết.

Cánh đồng bát ngát hoa ly ở xã Tự Lập giúp cho nhiều nông dân có thu nhập lớn vào dịp Tết. Ảnh: Đinh Đang.

Cánh đồng bát ngát hoa ly ở xã Tự Lập giúp cho nhiều nông dân có thu nhập lớn vào dịp Tết. Ảnh: Đinh Đang.

Không chỉ lãnh đạo UBND xã Tự Lập mà lãnh đạo UBND huyện Mê Linh đã thường xuyên đến động viên, thăm hỏi, khuyến khích mô hình của ông. Họ đều đánh giá có lợi nhuận kinh tế cao, cần được nhân rộng và phát triển thêm thương hiệu. Huyện, xã đã cùng các cơ quan chuyên môn đồng hành với người dân trong việc tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cho vay vốn, hướng dẫn thực hiện liên kết, sản xuất theo chuỗi, tạo dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ...

Hỏi về tác dụng của việc tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, ông Ngà Lê Văn phấn khởi cho biết, từ khi được công nhận là một sản phẩm OCOP, được các phương tiện truyền thông để ý, được tham gia vào các hội nghị, hội thảo do huyện hay do Văn phòng Điều phối Chương trình NTM của TP Hà Nội tổ chức, hoa ly Mê Linh đã nổi tiếng hơn, có nhiều khách biết đến, đặt hàng hơn…Từ hiệu quả mô hình hoa ly của ông Ngà đã lan tỏa ra nhiều hộ nông dân trong vùng cùng tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất hai lúa kém hiệu quả sang trồng nhiều hoa, góp phần xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Tính đến thời điểm giữa năm 2023, huyện Mê Linh phát triển được 75 sản phẩm OCOP (24 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt 3 sao), phần nhiều trong số đó là các loại nông sản có lợi thế của địa phương như rau, củ, quả, hoa, trà, gồm cả tươi, sản phẩm sơ chế và sản phẩm đã chế biến. Trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng của những sản phẩm này, tăng cường phổ biến kiến thức cho các chủ thể OCOP để giúp đỡ họ đem những đứa “con tinh thần” của mình ra thị trường ngày một bền vững và có giá trị, có thương hiệu hơn.          

                 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.