| Hotline: 0983.970.780

Hoa phong lan trên đất thép Củ Chi

Thứ Hai 02/02/2015 , 09:13 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, phong trào trồng hoa lan cắt cành đang được các hộ nông dân ở huyện Củ Chi ra sức phát triển. 

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp TP.HCM đang chịu áp lực của xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt thì những mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp hiệu quả, không cần quỹ đất lớn như thế này thực sự mang lại hướng đi mới cho nông dân.

"Thiên đường hoa lan" trên đất thép

Mỗi lần về Củ Chi, huyện được xác định là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp đô thị TP.HCM, đều có thêm cái mới. Củ Chi không chỉ có con bò sữa. Củ Chi bây giờ còn là thiên đường của những cánh đồng hoa lan với đủ hương hoa và màu sắc.

Ông Trần Văn Lập, Phó chủ tịch HND xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, cho biết: Tân Phú Trung từ xưa nay vẫn là một xã thuần nông nghiệp, bà con vốn chỉ sống dựa vào việc canh tác lúa là chính. Cách đây chục năm, phong trào chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh và có sức lan tỏa rộng rãi trong địa phương, góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho hàng trăm hộ nông dân chăn nuôi bò sữa.

Tuy nhiên, không phải bà con nông dân nào cũng có điều kiện kinh tế, có số vốn đủ lớn để có thể chuyển đổi qua chăn nuôi bò sữa.

Vài năm trở lại đây, phong trào trồng hoa lan cắt cành được đông đảo bà con trong vùng ra sức phát triển. Đây là một mô hình kinh tế mới rất hay, phù hợp với nhiều đối tượng lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh diện tích đất làm lúa đang bị thu hẹp, việc sản xuất lúa trở nên kém hiệu quả thì những mô hình như trồng hoa lan thế này là hướng đi mới cho người nông dân.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Tân Phú Trung đã có 26 ha đất sản xuất nông nghiệp được bà con chuyển đổi sang trồng hoa lan, lôi cuốn hàng chục hộ tham gia. Hiệu quả kinh tế mà cây hoa lan mang lại so sánh với việc canh tác lúa truyền thống thì một trời một vực.

Gia đình ông Nguyễn Việt Hoàn, ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Trung có hơn 1 ha đất, trước đây chuyên canh tác lúa, tuy nhiên vài năm liên tiếp chỉ toàn hòa vốn chứ không có lãi. Nhận thấy nhiều nông dân trong địa phương phát triển mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành, cho thu nhập cao, ông Hoàn không ngần ngại đi học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn từ bỏ làm lúa để chuyển hẳn sang trồng hoa lan.

Chỉ trồng hoa lan Mokara trên diện tích có hơn 2.000 m2 nhưng, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Hoàn có thu nhập trên trăm triệu đồng. Ông Hoàn cho biết: Trồng loại hoa lan Mokara theo phương thức cắt cành không khó, quan trọng nhất là phải nắm được kĩ thuật và chịu tốn vốn đầu tư ban đầu. Để đầu tư xây dựng được vườn hoa lan lan Mokara bài bản như thế này, tôi phải bỏ ra số vốn gần 500 triệu đồng chứ không ít. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng hiệu quả kinh tế mà cây hoa lan mang lại thì rất lâu dài.

Cây hoa lan sau 6 tháng xuống giống là đã có thể cho cắt cành, bán hoa ra thị trường. Khi cây phát triển được 5 năm hoặc cao trên 2m phải hạ độ cao của cây để cây mẹ nảy mầm phát triển thành các cây con. Cây con có thể bán giống ra thị trường hoặc tiếp tục trồng mới, mở rộng thêm diện tích. Còn cây mẹ tiếp tục sinh trưởng phát triển cho hoa bình thường. 

Cách đó không xa là trang trại hoa cắt cành Dendrobium và Mokara của anh Nguyễn Mạnh Khải (ấp Tiền, xã Tân Thông Hội). Bước vào cơ ngơi trồng hoa rộng 2ha này, nhiều người rất ngạc nhiên, ở TP.HCM mà lại có trang trại hoa hiện đại đến như vậy.

Anh Khải cho biết: Để thiết kế nhà vườn, hệ thống nước tưới tự động bài bản như thế anh đã phải cất công đi tìm hiểu kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới. Xây dựng được vườn hoa lan với 300.000 gốc lan Dendrobium và 50.000 gốc lan Mokara nhập khẩu từ Thái Lan anh đã bỏ vào đây cả tiền tỷ, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cũng tương xứng.

16-03-58_nh-22-ho-ln
Ngày càng nhiều nhà vườn trồng hoa lan quy mô lớn được đầu tư xây dựng bài bản trên địa bàn huyện Củ Chi

Để giúp người trồng hoa phong lan ổn định tiêu thụ sản phẩm, Sở NN-PTNT cũng đã sắm vai “bà mối”, cùng với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP và Hội Khách sạn TP nhằm kết nối giữa người sản xuất và hệ thống các khách sạn, nhà hàng ở TP.
Sở NN-PTNT đã khảo sát ở ngoại thành với ngành du lịch để chọn một số nhà vườn đẹp làm điểm du lịch mới cho du khách trong và ngoài nước. Việc kết nối nhà vườn trồng hoa kiểng với hệ thống các khách sạn sẽ giúp hai bên gắn kết chặt với nhau hơn để sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả, giảm lượng hàng nhập khẩu.

“Trồng hoa lan theo phương thức sản xuất hàng hóa là một hướng đi mới rất có triển vọng. Bởi khi tìm hiểu thị trường mới thấy, nhu cầu hoa, nhất là lan cắt cành của TP.HCM còn rất nhiều, trong khi lượng nhập khẩu lan cắt cành từ Thái Lan về hằng năm rất lớn”, anh Khải nhấn mạnh.

Xúc tiến xây dựng thương hiệu

Gắn bó với nghề trồng lan một cách tình cờ, đến nay chủ vườn lan Thăng Long Orchid Phạm Anh Dũng đã có 13 năm trong nghề và hơn 10 năm đưa lan Củ Chi đi khắp cả nước để quảng bá thương hiệu.

Ông Dũng chia sẻ: “Sau lần đầu lỡ hẹn thì đến Festival hoa Đà Lạt lần thứ hai, tôi quyết định đưa hoa phong lan Củ Chi đi triển lãm. Được ban tổ chức ưu ái, sắp xếp cho một chỗ triển lãm ngay khu trung tâm, tôi huy động tất cả các vườn lan trong huyện, cắt những cây lan Mokara chất lượng nhất, đạt tiêu chuẩn hai ba giò bông dài đưa lên triển lãm.

Giữa trăm hoa khoe sắc, vẻ đẹp cũng như sự đa dạng về màu sắc của lan Sài Gòn không thua kém gì hoa ở vùng đất Đà Lạt. Mặc dù là hoa ở xứ nóng nhưng khi gặp khí hậu se lạnh của Đà Lạt, lan Củ Chi đã thích ứng và nở bông rất đẹp, thu hút sự chú ý, khen ngợi của hàng ngàn du khách tham quan”.

Thành công từ lần đi triển lãm đầu tiên, ông Dũng tiếp tục đưa hoa lan Củ Chi đi quảng bá từ Nam ra Bắc, đến các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, đến các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Huế, Nghệ An… và Hà Nội.

Tuy nhiên, do kinh phí mỗi lần mang lan đi tham dự các festival, hội chợ khá lớn nên nhiều nhà vườn rất ngại tham gia. Vì vậy, ông Dũng hy vọng thành phố và Sở Công thương sẽ có phương án hỗ trợ kinh phí để ông đưa lan đi quảng bá sản phẩm hoa của TP.HCM, giúp người trồng lan có đầu ra ổn định, từ đó mới mở rộng diện tích trồng lan, phát triển nông nghiệp đô thị.

“Tôi muốn cả nước biết rằng ngoài làng hoa Gò Vấp đã bị mai một thì TP.HCM vẫn còn tồn tại một khu trồng hoa cao cấp khác đó là làng hoa lan của đất thép Củ Chi”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Văn Phơn, chuyên viên Phòng NN- PTNT huyện Củ Chi cho biết: Toàn huyện có 500ha trồng cây kiểng, trong đó lan cắt cành (Mokara, Dendrobium, Catlleya, Vanda, Phalaenopsis, Oncidium…) là 167ha với tổng cộng 287 hộ tham gia. Hiện nay, nhiều nhà vườn ở Củ Chi có diện tích khá lớn 2 - 3ha.

Thực hiện theo quyết định số 13 ngày 20/3/2013 của UBND TP.HCM về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2013 – 2015, UBND huyện cũng đã có quy hoạch, định hướng phát triển vùng trồng hoa phong lan với quy mô 200 ha.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn, thực hiện thí điểm các mô hình, hỗ trợ, chuyển giao KHKT cho người dân, cũng như kết nối với Cty THHH MTV Thủy lợi Củ Chi, đứng ra lo việc bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Theo Hội Sinh vật cảnh TP.HCM, lượng hoa cắt cành ở ngoại thành và quận ven mới đáp ứng khoảng trên 20% nhu cầu của TP, hoa từ TP Đà Lạt cung cấp khoảng 35%, số còn lại phải nhập khẩu.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất