Họa sĩ Hà Hùng sinh năm 1970 tại Đức Hòa, Long An. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ Hà Hùng đi theo con đường sáng tạo chuyên nghiệp với không ít thành công trên thị trường tranh Việt.
Thời gian gần đây, họa sĩ Hà Hùng tu học tại Tịnh thất Vĩnh Phú với pháp danh Thích Hoằng Toàn. Đồng nghiệp cứ ngỡ họa sĩ Hà Hùng đã an trú tĩnh lặng nơi cửa thiền, thì ông lại xuất hiện với triển lãm cá nhân thứ năm “Tương tư phố”.
Những tác phẩm trưng bày ở “Tương tư phố” mang dấu vết của một họa sĩ hay một tu sĩ? Họa sĩ Hà Hùng chia sẻ: “Tôi đã vẽ phố với nhiều phong cách khác nhau. Lần này tôi vẽ trừu tượng cũng giúp công chúng nhận ra hồn vía phố. Có lẽ cuộc sống phố thường nhật đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi, dù tôi là họa sĩ hay tu sĩ”.
Họa sĩ Hà Hùng cho rằng, họa sĩ hướng ngoại thì khó hơn họa sĩ hướng nội. Bởi vì ở thời đại này, sự tìm kiếm trong nghệ thuật tạo hình - hội họa, bằng cái nhìn bên ngoài, thì gần như là đã dừng lại rồi. Và họa sĩ đi trước, hay họa sĩ đi sau trong vòng mấy chục năm đi nữa, thì tất cả đều gặp nhau ở một điểm bắt đầu và kết thúc, gọi là nghệ thuật đương đại. Vì ai cũng vẽ vòng vòng lui tới vậy thôi chứ không có cái gì mới nữa đâu, nên đừng có ảo tưởng.
Do đó ngày nay, nếu người nào biết rõ điều này, thì họ rất mạnh dạn chọn ngay một trường phái nghệ thuật tạo hình nào đó là đi theo luôn. Khỏi cần tìm kiếm rồi đặt tên nữa. Nhưng nếu họa sĩ vẽ theo những trường phái có sẵn, mà vẽ đẹp xuất sắc, có thay đổi qua lại chút đỉnh, thì cũng đều được công nhận và thành công.
Vậy nên ở thời đại này, làm nghệ thuật nên hướng nội, thì đó là con đường đi không bị bế tắc, như con đường hướng ngoại ra ngoài thế giới đầy ứ, tràn trề. Bởi vì hướng nội thì chân thật, và chỉ cần hôm nay, mình đã vượt qua hôm qua. Hôm nay mới hơn hôm qua. Hôm nay thoát khỏi ảnh hưởng nhiều hơn hôm qua.
"Tương tư phố" gợi mở một góc nhìn sinh động về đô thị. Những mảng màu của phố, những chuyển động của phố, những thăng trầm của phố, luôn chất chứa niềm riêng của mỗi số phận.
Loạt tranh “Tương tư phố” của họa sĩ Hà Hùng nhận được nhiều sự tán thưởng từ công chúng. Một số tác phẩm của họa sĩ Hà Hùng đã được giới sưu tập đăng ký mua ngay trong ngày khai mạc triển lãm.
Vẫn đam mê cầm cọ bằng tâm hồn hướng thiện, họa sĩ Hà Hùng có sự chiêm nghiệm nghề nghiệp cho riêng mình: “Tôi lưu ý 3 điều khi vẽ tranh. Thứ nhất cần phải chấp nhận ảnh hưởng người khác, nhưng ảnh hưởng 10% hoặc 30% hoặc 50% hoặc 70%, là ổn. Còn nếu ảnh hưởng đến mức 100% thì không thể chấp nhận được. Thứ hai là sáng tối tạo hình, là hình ảnh thị giác, là tiếng nói chính trong tranh. Thứ ba là cảm xúc chân thật.
Vẽ tranh khó ở chỗ không thể giống mà cũng không thể khác. Không thể lập lại chính mình, mà cũng không đánh mất mình. Do đó người sáng tạo đích thực không bao giờ được phép sống trong một vùng an toàn”.