Họa sĩ Lâm Huỳnh Linh là con nhà nòi trong lĩnh vực mỹ thuật tại TP.HCM. Họa sĩ Lâm Huỳnh Linh là con trai của họa sĩ lão thành Nguyễn Lâm. Họa sĩ Lâm Huỳnh Linh cùng với các anh chị Lâm Huỳnh Sơn, Huyền Lam, Huỳnh Lân, Huyền Lê và Lâm Lan nối nghiệp cha và cùng xây dựng một gia tộc nổi tiếng bậc nhất phương Nam về nghề sơn mài.
Họa sĩ Lâm Huỳnh Linh năm nay 53 tuổi. Được làm quen với nghệ thuật sơn mài từ nhỏ, nên luận văn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM thời đôi mươi của anh cũng chọn đề tài “Sức mạnh của chất liệu sơn mài – Nền tảng để thực hiện tranh sơn mài và những tác phẩm đương đại”.
Sau 30 năm rời khỏi trường học, họa sĩ Lâm Huỳnh Linh vẫn kiên định với con đường sáng tạo sơn mài. Trước đây, họa sĩ Lâm Huỳnh Linh từng có hai triển lãm cá nhân, “Nét trầm phiêu lãng” năm 2017 và “Dòng chảy” năm 2018.
Dành suốt 5 năm vừa qua để chiêm nghiệm và kiếm tìm ngôn ngữ mới, họa sĩ Lâm Huỳnh Linh quyết định ra mắt triển lãm thứ ba “Lặng”.
Gần 50 bức tranh sơn mài, trong đó có những bức khổ lớn có kích thước 150 x 241 cm hoặc 150 x 480 cm, họa sĩ Lâm Huỳnh Linh chứng tỏ cảm hứng và năng lực sáng tạo đang độ chín muồi.
Triển lãm cá nhân “Lặng” không đặt tên riêng cho từng bức tranh. Họa sĩ Lâm Huỳnh Linh chủ đích dẫn dắt giới mộ điệu vào một thế giới tĩnh tại để tự suy ngẫm về sự đa dạng và sự phong phú của đời sống tinh thần.
Những mảng màu và những hình khối của chất liệu sơn mài của họa sĩ Lâm Huỳnh Linh được tung tẩy trong miền trừu tượng thực sự mang lại nhiều rung động thú vị.
Tay nghề sơn mài của họa sĩ Lâm Huỳnh Linh thì đã đến mức điêu luyện, không cần phải bàn cãi thêm. Thế nhưng, vì sao anh vẫn trung thành với trừu tượng, dù anh thừa sức mở rộng thêm biên độ biểu hình?
Rất kiệm lời và rất khiêm nhường, họa sĩ Lâm Huỳnh Linh chia sẻ: “Hội họa trừu tượng là hình thức thể hiện thế giới quan, bằng cách phá thể và lược giản. Trên con đường chinh phục trường phái này, tất cả với tôi luôn là sự khởi đầu”.
Qua triển lãm “Lặng” được kéo dài từ ngày 4/12 đến 10/12 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, giới chuyên mộn đánh giá: Tuân thủ kỹ thuật của các bậc tiền bối song Lâm Huỳnh Linh vẫn không ngừng tìm cho mình một bảng màu riêng biệt, đặc biệt là những gam màu xanh lục, xanh lam, lam nhạt, tím phớt… Và làm thế nào để chúng hòa quyện thật “ngọt” với son, then, xám đậm và nhạt, quỳ vàng và vỏ trứng, từ đó hình thành một tổng phổ hòa sắc trong tranh.