Họa sĩ Trần Quốc Giang sinh ra và lớn lên ở Gò Công, Tiền Giang. Vì vậy, vẻ đẹp đất trời xuất hiện trong tranh của họa sĩ Trần Quốc Giang như một định mệnh: “Từ bé, tôi đã sống trong vòng tay Mẹ Thiên Nhiên, kế bên nhà là con sông, tất cả thuộc về mình, thật êm đềm và sống động.
Cho đến khi tôi lên Sài Gòn học và làm việc, mình tách ra khỏi nó từ lúc nào không hay. Thế nhưng thiên nhiên vẫn còn nằm trong tiềm thức, và khi biến cố căng thẳng xảy đến, trở về đối diện với nó, tôi như quay lại thời bé, và phong cảnh vẫn như thuở bé vậy”.
Họa sĩ Trần Quốc Giang không ngần ngại bày tỏ, những bức tranh ban đầu của anh chủ yếu mô tả đối tượng hơn. Về sau, nhờ biết nghe tiếng lòng mà anh không ghi chép “thông tin đối tượng” nữa mà ghi chép tâm hồn xúc cảm của mình. Nếu sắp loạt tranh theo trình tự thời gian sáng tác thì công chúng sẽ thấy rõ đặc điểm ấy, qua sự biến thiên màu.
Với họa sĩ Trần Quốc Long bây giờ, màu là màu của xúc cảm chứ không phải là màu của đối tượng mà đôi mắt trông thấy.
Họa sĩ Trần Quốc Giang tốt nghiệp khoa hội họa, Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2015. Một số tác phẩm của anh đã được chọn trưng bày tại các triển lãm toàn quốc, tại Giải thưởng Dogma 2019, tại triển lãm Biennale Mỹ thuật trẻ 2019... Trong đó, đáng chú ý nhất là tác phẩm “Lên đồng” chất liệu sơn mài, từng được trao giải Bạc tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 và đang được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Sau triển lãm cá nhân đầu tiên có tên “Xúc cảnh” diễn ra tại TP.HCM năm 2021, họa sĩ Trần Quốc Giang tự tin tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ hai có tên gọi “Ngày hôm qua” tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM) từ ngày 26/11 đến ngày 9/12.
Tác phẩm phong cảnh của họa sĩ Trần Quốc Giang mô tả thiên nhiên như những tấm gương khác nhau của tình cảm và nhận thức. Họa sĩ Trần Quốc Giang chia sẻ: “Trong toàn bộ quá trình vận động của tự nhiên, trạng thái sống của động thực vật chỉ chiếm một phần. Con người thường nhìn nhận những trạng thái khác với cái nhìn tiêu cực do ý thức đánh đồng sự tồn tại của bản thân với trạng thái sống.
Tự nhiên, cho dù là đang phá hủy hoặc làm tiêu biến đi một vài thứ, vẫn là đang sống trong cuộc sống sôi động và vĩ đại của chính nó. Tôi muốn mở rộng đôi mắt mình, nhìn nhận mọi thứ bằng một trái tim không ẩn tình, không chủ quan, trong một lúc ngắn ngủi nào đó, cũng chấp nhận được rằng, kể cả là sự mất mát, cũng có vẻ đẹp của riêng nó”.
Họa sĩ Trần Quốc Giang có cách tiếp cận hơi khác với nhiều họa sĩ cùng trang lứa tại Việt Nam. Anh chọn bảng màu có hơi hướng dã thú (fauvism), hòa trộn giữa phong cách tượng trưng và phong cách bán tượng trưng, với màu sắc mạnh, nóng, tự do, có chút nổi loạn, phá cách.
Phong cảnh trong tranh Trần Quốc Giang căn bản là hiện thực, nhưng lại bộc lộ một mong muốn với hiện thực. Trong mong muốn ấy, hiện thực được đẩy ra xa dần, nhường chỗ cho những hoài niệm, những tưởng tượng.
Phong cảnh trong tranh Trần Quốc Giang hoàn toàn vắng bóng con người. Anh không thích con người tác động vào thiên nhiên, và anh cũng thấy con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Vẻ đẹp thiên nhiên thanh lọc những vướng bận và toan tính của con người.
Triển lãm “Ngày hôm qua” tập hợp những tác phẩm được họa sĩ Trần Quốc Giang sáng tác thời gian chống chọi đại dịch toàn cầu. Họa sĩ Trần Quốc Giang cho biết: “Trong giai đoạn đầu Covid-19, tôi cảm thấy năng lượng bên trong mình không còn đủ để tiếp tục những chủ đề cũ nữa. Có một tiếng nói bên trong thôi thúc tôi dừng lại. Dù Covid-19 không ảnh hưởng gì đến kinh tế tài chính cá nhân, nhưng tôi thấy rõ sự tác động về mặt năng lượng. Đó là sự bí bách, như vậy, nếu cứ theo đuổi chủ đề phản kháng và đấu tranh thì không ổn lắm. Tôi đã ngưng nhằm lấy lại cân bằng.
Tôi quyết định về quê thư giãn vài hôm, và nhận ra bao ký ức cũ ùa về. Tôi nhận ra khi mình đối diện và trò chuyện với thiên nhiên thì tương tác mạnh hơn nhiều so với những đợt trở về “cưỡi ngựa xem hoa”. Khi trở về với động thái quan tâm và đối thoại với phong cảnh, thì mình thấy nó cũng đang đối thoại với chính mình. Và dù dịch bệnh, nhưng phong cảnh vẫn thế, vẫn tràn đầy sức sống và nên thơ”.