Chị Giang, khu chung cư Linh Đàm, Hoàng Mai cho biết, vừa mua một cành đào với giá 50.000 đồng vào chiều tối 27 Tết.
Cành đào của chị cao khoảng 1m, có cả hoa, nụ và lộc, nhánh phân bố đều, tán tròn. Theo kinh nghiệm dân gian, một cành đào như vậy là hài hòa, đồng thời đạt được hầu hết tiêu chí về cái đẹp, cũng như đủ điều kiện để chơi trọn vẹn trong khoảng một tuần Tết.
Do nhà chung cư, chị Giang chọn chơi đào cành, thay vì đào chậu. Theo lời chị, những năm trước, một cành đào như vậy có giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng. Năm ngoái, chị cũng mua đào vào khoảng 27 - 28 Tết, nhưng giá cũng không thấp như năm nay.
"Thấy biển treo giảm giá, nên tôi trả thử, không ngờ chủ hàng bán luôn", chị nói.
Khảo sát tình hình hoa cảnh tại khu chung cư Linh Đàm vào sáng 28 Tết (ngày 7/2), số lượng hàng hóa giảm tới hơn một nửa so với tuần trước, thời gian nắng ấm trở lại sau hơn 10 ngày rét đậm, rét hại. Nhiều tiểu thương đã thu dọn gian hàng.
Một người bán hoa đào tại đây thông tin, năm nay đã nhập số lượng đào chỉ bằng hai phần ba so với những năm trước, nhưng tới nay vẫn ế tới gần một nửa.
"Năm nay kinh tế khó khăn, mọi người có vẻ không mặn mà sắm Tết lắm. Hoặc họ mua sắm muộn hơn", chị chủ bày tỏ.
Cũng theo vị tiểu thương này, giá đào cành nhỏ năm nay chỉ tầm trên dưới 100.000 đồng/cành, tương đương một nửa giá so với các năm. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để thu hút khách hàng.
Ngược lại, vào Tết nguyên đán Quý Mão 2023, khách mua ào ào. Với giá khoảng 200.000 đồng/cành, chị có thể dễ dàng bán cho khách mà không cần kỳ kèo, mặc cả.
Gần sát khu vực bán của chị hàng đào, một cây bưởi lớn, cao hơn đầu người, trái sum suê cũng được đại hạ giá một nửa so với cách đây một tuần. Nhưng chủ của sản phẩm thậm chí không xuất hiện, mà chỉ để lại số điện thoại nhờ "hàng xóm" trông giùm.
Vào lúc hơn 9h sáng 28 Tết, số lượng khách tới chợ hoa cảnh tại khu đông dân cư nhất Hà Nội vẫn thưa thớt. Đa số chỉ xem, hỏi giá, chứ không chốt mua.
Thị trường hoa Tết ảm đạm là bức tranh chân thực, phản ánh tình hình kinh tế năm vừa qua. Nhiều người tiêu dùng thừa nhận, họ bị buộc phải thắt chặt chi tiêu và hướng ưu tiên cho những mặt hàng thiết yếu.
Một số chủ cửa hàng đã nhanh nhạy nắm bắt được xu hướng này. Thay vì nhập những cành đào, quất lớn, họ chuyển sang các loại cành nhỏ.
Dọc những tuyến phố như Tô Hiệu (Hà Đông), Láng, Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) hay chợ hoa Hàng Lược (Hoàn Kiếm), Tết nguyên đán Giáp Thìn ghi nhận sự lên ngôi của các bình quất mini, giá dao động trong khoảng 100.000 đồng.
Anh Tùng, một cán bộ làm việc tại Bờ Hồ, cho biết, anh mua bình quất vào chiều 25 Tết (4/2) với giá 130.000 đồng. Giải thích lý do chuyển từ đào sang quất, anh Tùng nói vì "hợp với không gian gia đình hơn".
"Tôi trang trí bình quất trên bàn uống nước, thay cho bình hoa. So với đào, quất chơi được lâu hơn. Sau khi từ quê lên, tôi vẫn có thể chơi thêm khoảng một tuần", anh Tùng chia sẻ.
Anh Tùng phỏng đoán, giá bình quất vào giai đoạn sát Tết có thể giảm thêm nữa vì năm nay đa số người ngoại tỉnh sẽ về quê ăn Tết, sau mấy cái Tết không thể về vì ảnh hưởng của Covid-19.
Nhiều khách hàng khác cũng chung cảm nhận như anh Tùng khi sắm cây chơi Tết Giáp Thìn. Hầu hết đồng tình, rằng công việc này dễ hơn hẳn mọi năm. Giá cả cũng hợp lý và nhiều lựa chọn hơn.
Để tiêu thụ nhanh hơn, nhiều chủ hàng hoa Tết bắt đầu treo biển giảm giá, xả hàng từ đầu tuần này (26 Tết). Một số còn ghi rõ, hàng đồng giá 100.000 hay 120.000 đồng. Nếu mặc cả khéo, người mua có thể chọn được sản phẩm với giá thấp hơn.
Điều này trái ngược so với mọi năm, bởi thông thường sớm nhất phải đến sáng 29 Tết, các bên bán cây cảnh mới bắt đầu bán rẻ để thanh lý, dọn hàng.