| Hotline: 0983.970.780

Hoàn thuế VAT ngành gỗ vẫn ách tắc sau nhiều văn bản chỉ đạo

Thứ Tư 06/09/2023 , 06:24 (GMT+7)

Việc ngành gỗ chưa được giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) gây ách tắc kéo dài khiến 'sức khỏe' doanh nghiệp suy giảm, cần cấp bách tháo gỡ.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn đang trong quá trình dài đằng đẵng chờ hoàn thuế VAT.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn đang trong quá trình dài đằng đẵng chờ hoàn thuế VAT.

Vênh số liệu giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp

Phản ánh tới Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, số tiền tồn đọng hoàn thuế của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đang có sự “vênh” giữa Hiệp hội và Bộ Tài chính.

Cụ thể, số liệu thống kê của Viforest tính đến tháng 6/2023, số tiền chưa được hoàn trả là 6.100 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế VAT của các doanh nghiệp xuất khẩu dăm (thuộc Chi hội Dăm gỗ) là hơn 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số liệu của Bộ Tài chính tính đến ngày 17/5, chỉ còn 28 hồ sơ hoàn thuế đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ chưa được cơ quan thuế giải quyết, tương ứng số tiền đề nghị hoàn trên 110 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 46% so với tổng số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn (28/61 hồ sơ).

“Việc ách tắc trong quy trình giải quyết hoàn thuế kéo dài khiến các doanh nghiệp xuất khẩu không thể duy trì kế hoạch sản xuất, kinh doanh như thông thường do không có dòng tiền để quay vòng, tái sản xuất, dẫn đến hiện tượng càng làm càng lỗ”, đại diện Ban IV nhận định.

Chia sẻ về lý do số liệu vênh này, ông Thang Văn Thông, đại diện Chi hội Dăm gỗ (Viforest) cho biết, Bộ Tài chính chỉ cập nhật con số đến những hồ sơ nhận được còn con số của Viforest là thực tế các doanh nghiệp trong ngành còn tồn đọng đến hiện nay.

“Các hồ sơ đã hoàn và được cơ quan thuế công bố tới hết 6 tháng đầu năm 2023 thực chất là hồ sơ xuất khẩu của năm 2020 và 3 quý đầu năm 2021. Phần lớn các hồ sơ xuất khẩu giai đoạn cuối năm 2021 tới nay đều chưa được xử lý và chưa được nộp lên cơ quan thuế bởi cơ quan thuế có quy định: Chưa giải quyết xong hồ sơ 1, chưa được nộp tiếp hồ sơ 2”, ông Thông lý giải.

Theo Viforest, các doanh nghiệp ngành gỗ đang trong tình cảnh 'càng làm càng lỗ'.

Theo Viforest, các doanh nghiệp ngành gỗ đang trong tình cảnh "càng làm càng lỗ".

Theo ông Thông, sau nhiều lần kiến nghị, tình hình hoàn thuế vẫn chưa được giải quyết ách tắc. Từ sau công điện của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp của Viforest rất vui mừng, tuy nhiên, việc hoàn thuế vẫn ách tắc vì nội dung các văn bản của Tổng cục Thuế chưa thay đổi khiến các địa phương không thực hiện được.

“Ngày 2/6, Chi hội Dăm gỗ đã có cuộc đối thoại trực tiếp với Cục Thuế Quảng Ninh và chúng tôi nhận thấy rằng, cơ quan thuế cũng có nhiều khó khăn xuất phát từ Văn bản 2124/TCT-TTKT ngày 22/5/2020 và Văn bản 633/TCT-TTKT ngày 7/2/2022 của Tổng cục Thuế ban hành”, ông Thông cho biết.

Ông Thang Văn Thông phân tích, nội dung 2 văn bản trên yêu cầu truy xuất đến người trồng rừng, phải trích xuất hành trình vận tải đối chiếu với hàng hóa xuất khẩu và xác minh đến người mua hàng nước ngoài, trong khi nguồn lực và con người có hạn. Trách nhiệm chức trách của cơ quan thuế cũng không thể nào đi đến các địa phương để xác minh hết được, đã khiến ách tắc hoàn thuế cho hầu hết các doanh nghiệp gỗ.

“Giả dụ, gỗ có nguồn gốc từ Tây Bắc nhưng được vận chuyển vào doanh nghiệp trong Đồng Nai sản xuất, nếu muốn xác minh một thanh gỗ như vậy, cần có cán bộ từ Đồng Nai ra Tây Bắc. Vậy ai là sẽ làm việc đó, nguồn lực có đủ không”, ông Thông nêu ví dụ. Đại diện Chi hội Dăm gỗ cho rằng, nếu các văn bản của Tổng cục Thuế không điều chỉnh, thay đổi việc hoàn thuế sẽ vẫn ắc tắc như hiện nay.

Ông Thang Văn Thông cũng cho biết, đã có nhiều tác động tiêu cực từ việc ách tắc hoàn thuế đến các doanh nghiệp ngành gỗ. Thấy rõ nhất là nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, tiền thuế không được hoàn, nợ ngân hàng bị xiết, trong khi vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp là vốn và dòng tiền.

Trong khi đó, ông Thông phản ảnh, việc đối thoại với các cơ quan Thuế là khó khăn với doanh nghiệp, vì không có sự đối thoại, nên Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế “làm theo các văn bản họ đưa ra, còn doanh nghiệp vẫn vướng mắc hoàn thuế và chết dần”.

Việc ách tắc hoàn thuế VAT khiến các doanh nghiệp không chết hẳn mà chết từ từ. Doanh nghiệp cũng không thể tuyên bố phá sản vì Luật Phá sản chưa có. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ còn nước lay lắt cầm cự. Trường hợp xấu nhất, nếu không thể cầm cự được nữa thì sẽ phải chuyển sang xử lý hình sự nợ xấu”.

Ông Thang Văn Thông, đại diện Chi hội Dăm gỗ (Viforest)

Trước những khó khăn kéo dài trong ách tắc hoàn thuế, ông Thông kiến nghị, cơ quan thuế chỉ truy xuất đến người phát sinh thuế vì đối tượng này nằm trong phần quản lý của Cục Thuế và Chi cục Thuế. Như vậy, đã đủ an toàn để hoàn thuế cho doanh nghiệp, có phát minh thuế mới hoàn thuế.

Dù đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo từ các cấp, nhưng việc hoàn thuế VAT ngành gỗ vẫn ách tắc.

Dù đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo từ các cấp, nhưng việc hoàn thuế VAT ngành gỗ vẫn ách tắc.

Cần sớm hoàn thuế để cứu doanh nghiệp nguy cơ phá sản

Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tiếp tục có văn bản đề nghị gửi tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xem xét và tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoàn thuế.

Đơn đề nghị do Chủ tịch Hiệp hội Đỗ Xuân Lập trực tiếp ký nêu rõ, Hiệp hội và các Chi hội trực thuộc, các Cục Thuế địa phương đã có nhiều kiến nghị, đề xuất tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế.

Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bộ NN-PTNT, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ rất kỳ vọng việc hoàn thuế sẽ tiến hành nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho tới nay, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được hoàn thuế.

“Việc doanh nghiệp không được hoàn thuế chủ yếu do sự bất cập trong quy định tại văn bản số 2124/TCT-TTKT ban hành ngày 22/5/2020 và số 633/TCT-TTKT ban hành ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế. Đặc biệt, thời hạn hiệu lực của văn bản số 633/TCT-TTKT đã hết, nhưng vẫn sử dụng làm căn cứ trích dẫn trong các văn bản xác minh nguồn gốc của các cục thuế và chi cục thuế gửi các bên liên quan”, văn bản đề nghị của Viforest nêu rõ.

Theo Viforest, chính bất cập quy định tại các công văn này, kể cả văn bản đã hết hiệu lực thi thành nhưng vẫn được áp dụng triển khai đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và trở ngại cho các cơ quan thuế tại địa phương khi tiến hành hoàn thuế cho doanh nghiệp ngành gỗ. Vì vậy, nếu các công văn này không được bãi bỏ/sửa đổi, bổ sung, các vướng mắc trong hoàn thuế sẽ không được giải quyết triệt để.

"Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam mong muốn được Chủ tịch Quốc hội xem xét và có các quyết định phù hợp để giúp doanh nghiệp ngành gỗ được hoàn thuế kịp thời, tránh nguy cơ phá sản, tăng cường hiệu quả kinh doanh rừng trồng, góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện thu nhập cho một bộ phận rất đông dân cư nông thôn của nước ta”, Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập nêu rõ trong văn bản đề nghị.

Diễn biến ách tắc hoàn thuế VAT ngành gỗ từ thời điểm ban hành Văn bản 2124

Ngày 22/5/2020, Tổng cục Thuế ban hành văn bản số 2124/TCT-TTKT về việc giải quyết hoàn thuế gửi cục thuế các tỉnh và thành phố; ngày 7/3/2022, Tổng cục Thuế tiếp tục ban hành công văn số 633/TCT-TTKT về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế. Hai văn bản có nhiều bất cập trong việc hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Với các khó khăn trong công tác hoàn thuế VAT, ngày 5/12/2022, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản số 8187/BNN-TCLN gửi Bộ Tài chính về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 470/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Ngày 26/5/2023, ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có công văn số 5427/BTC-VP gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nêu rõ: Để kịp thời giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, chỉ đạo ngay các đơn vị có hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các hồ sơ hoàn thuế nếu đủ điều kiện.

Sau Thông báo chỉ đạo số 5427/BTC-VP của Bộ tài Chính, ngày 26/5/2022, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 2099/TCT-KK về Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính về hoàn thuế tới các cục thuế tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các công việc và chỉ đạo: “Đồng chí Cục trưởng chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế VAT trên địa bàn…”.

Ngày 9/8/2023, Tổng cục Thuế tiếp tục có công điện số 07/CĐ-TCT về đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị giá tăng trong đó tại điểm 3 của công điện nêu: “Tiếp tục sắp xếp, bố trí bổ sung cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ hoàn thuế đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhất là các hồ sơ của các doanh nghiệp xuất khẩu”.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm