| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp ngành gỗ khốn đốn vì ách tắc hoàn thuế VAT

Thứ Tư 07/12/2022 , 17:31 (GMT+7)

Việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) khiến các doanh nghiệp ngành gỗ không có nguồn vốn để hoạt động, nhất là trong bối cảnh tín dụng bị siết như hiện nay.

Khó chồng khó

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, vấn đề ách tắc trong việc hoàn thuế VAT đối với ngành gỗ hiện đang khiến các doanh nghiệp khốn đốn, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng làm nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm trung gian như viên nén, dăm gỗ và ván ép.

Để được hoàn thuế VAT, các doanh nghiệp này phải chứng minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu trực tiếp từ hộ trồng rừng, qua xác minh của UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của ngành thuế.

Thế nhưng việc xác nhận nguồn gốc gỗ gặp khó ngay từ hộ trồng rừng, nên việc xác minh không đảm bảo tính pháp lý dẫn tới việc hoàn thuế VAT bị ách tắc.

Viên nén, 1 trong những mặt hàng trong ngành gỗ đang bị ách tắt việc hoàn thuế VAT. Ảnh: V.Đ.T.

Viên nén, 1 trong những mặt hàng trong ngành gỗ đang bị ách tắc việc hoàn thuế VAT. Ảnh: V.Đ.T.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lập, hiện rừng trồng trong hộ gia đình ở Việt Nam chỉ có khoảng 30% là rừng được trồng trên đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 70% còn lại là rừng trồng trên đất khai hoang chưa được hợp thức hóa giấy tờ hoặc đất lấn chiếm, thế nên xác định chủ rừng theo đúng quy định là rất khó khăn.

"Do đó, trong quá trình làm hồ sơ hoàn thuế, doanh nghiệp mua gỗ nguyên liệu tìm đến hộ trồng rừng xác nhận thì họ không đứng ra nhận đã bán cho doanh nghiệp hoặc không có ý kiến gì, thế là việc xác nhận nguồn gốc gỗ bị tắc. Khi việc xác nhận bị tắc thì doanh nghiệp không được hoàn thuế VAT. Có doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế VAT đến cả trăm tỷ đồng, khiến các doanh nghiệp ngành gỗ bị ảnh hưởng lớn về tài chính”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn (Bình Định) cho biết thêm, khi bán gỗ họ không biết là bán cho nhà máy nào, bởi hầu hết rừng trồng trong hộ gia đình đều bán cho thương lái nên họ không biết doanh nghiệp nào mua để xác nhận.

“Gỗ nguyên liệu từ rừng về nhà máy phải qua rất nhiều khâu trung gian như người khai thác, người vận chuyển chứ doanh nghiệp không mua trực tiếp từ hộ trồng rừng. Khai hồ sơ hoàn thuế VAT, các doanh nghiệp còn được hướng dẫn là phải khai 1 xe gỗ chở bao nhiêu cây gỗ. Gỗ rừng trồng mỗi xe chở hàng chục tấn, cả ngàn cây gỗ làm sao đếm được, đâu phải như gỗ rừng tự nhiên mỗi xe chở chỉ mấy cây còn có thể đếm”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Dăm gỗ cũng là 1 trong những mặt hàng trong ngành gỗ đang bị ách tắt việc hoàn thuế VAT. Ảnh: V.Đ.T.

Dăm gỗ cũng là 1 trong những mặt hàng đang bị ách tắc việc hoàn thuế VAT. Ảnh: V.Đ.T.

Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (TP Quy Nhơn, Bình Định), trong quá trình xác minh nguồn gốc gỗ rừng trồng, khi đến gặp người dân trồng rừng, họ biết phải liên hệ đến chính quyền địa phương và ngành thuế họ ngại lắm, nên dù có bán cho doanh nghiệp nhưng họ cứ chối phắt là không có bán để yên thân.

"Chỉ vài trường hợp như vậy thôi là ngành thuế cho rằng doanh nghiệp gian dối rồi, xảy ra tình trạng ách tắc việc hoàn thuế VAT chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân ấy”, ông Phong nói.

“Hiện nay, khách hàng nước ngoài giám sát chất lượng các mặt hàng gỗ xuất khẩu rất kỹ, nếu họ phát hiện có sự gian dối trong nguồn gốc gỗ nguyên liệu là họ từ chối thanh toán, lô hàng vài ba chục tỷ đồng có nguy cơ mất trắng, do đó không có doanh nghiệp nào mạo hiểm để đánh đổi, đó là chưa kể dính tới luật pháp Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn, bộc bạch.

Viên nén là 1 trong những mặt hàng ngành gỗ đang được xuất khẩu mạnh. Ảnh: V.Đ.T.

Viên nén là 1 trong những mặt hàng đang được xuất khẩu mạnh. Ảnh: V.Đ.T.

Tìm cách tháo gỡ

Theo ông Đỗ Xuân Lập, trước thực trạng trên, đầu tháng 11 vừa qua, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có văn bản số 107/ HHG-VP ngày 03/11/2022 gửi Bộ NN-PTNT về việc tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT.

Trong văn bản này, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến với Bộ Tài chính về giải pháp hoàn thuế VAT để các danh nghiệp ngành gỗ đảm bảo tài chính tiếp tục sản xuất.

“Không vì những lý do hết sức khách quan mà ách tắc việc hoàn thuế VAT theo quy định của Nhà nước, khiến các doanh nghiệp ngành gỗ lâm cảnh khó chồng khó. Nhất là năm nay ngành gỗ gặp biến động lớn, chi phí đầu vào tăng cao, trong khi đơn hàng chế biến sâu của 2 thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và EU sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ còn những mặt hàng trung gian như viên nén, dăm gỗ, ván ép xuất sang thị trường Đông Bắc Á gồm Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc là còn tiêu thụ mạnh. Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này đều bị chậm hoàn thuế VAT trong khi cả ngành gỗ đang trông chờ vào đó để níu kéo tăng trưởng trong năm nay, người trồng rừng cũng trông chờ để tiêu thụ gỗ rừng trồng”, ông Đỗ Xuân Lập bức xúc.

Ngày 5/12/2022, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn đối với việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Rừng trồng đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân nghèo sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: V.Đ.T.

Rừng trồng đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân nghèo sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: V.Đ.T.

Bộ NN-PTNT cho rằng, trong những năm qua, gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước là nguồn cung chủ yếu và quan trọng, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nguyên liệu, giúp cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam liên tục tăng trưởng. Năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ đạt 16,3 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2020. Qua đó đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân nghèo sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện khó khăn, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quy định tại các Điều 15, 16 và 20 của Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý Nhà nước.

Như vậy, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp.

Ngoài ra, theo Văn bản số 2124/CT-TTKT ngày 22/5/2020 của Tổng cục Thuế xác định các doanh nghiệp và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế VAT, trong đó chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán.

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT.

Do vậy, cơ quan thuế cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại, áp dụng rủi ro đối với các sản phẩm gỗ, nhất là đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có uy tín.

Gỗ nguyên liệu từ rừng về nhà máy phải qua rất nhiều khâu trung gian như người khai thác, người vận chuyển. Ảnh: V.Đ.T.

Gỗ nguyên liệu từ rừng về nhà máy phải qua rất nhiều khâu trung gian như người khai thác, người vận chuyển. Ảnh: V.Đ.T.

Bộ NN-PTNT cũng cho rằng việc các cơ quan thuế tiến hành xác minh nguồn gốc gỗ của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và giải quyết hoàn thuế VAT kéo dài nhiều tháng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ.

Để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách liên quan đến thuế VAT.

“Ngành chức năng cứ để doanh nghiệp tự cam kết về nguồn gốc gỗ nguyên liệu từ rừng trồng, hoàn thuế trước kiểm tra sau. Nếu phát hiện sai phạm thì doanh nghiệp ấy không chỉ phải hoàn lại tiền cho Nhà nước cộng với lãi suất, mà còn phải chịu mức phạt nặng nhất để doanh nghiệp có trách nhiệm”, ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài, đề xuất.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.