| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó về thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp ngành gỗ

Thứ Ba 06/12/2022 , 10:42 (GMT+7)

Các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), và cần được tháo gỡ kịp thời.

Gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: Sơn Trang.

Gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp. Ảnh: Sơn Trang.

Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn đối với việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Trong công văn này, Bộ NN-PTNT nêu rõ, theo Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại, áp dụng rủi ro đối với các sản phẩm gỗ, nhất là đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có uy tín. Vì trong văn bản số 2124/CT-TTKT ngày 22/5/2020 của Tổng cục Thuế xác định các doanh nghiệp và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế VAT, chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán. Tuy nhiên hiện nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT.

Bộ NN-PTNT cũng cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 73, Điều 75 Luật Quản lý thuế năm 2019, hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro về thuế cao theo phân loại quản lý rủi ro trong quản lý thuế là hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.

Do đó, việc các cơ quan thuế tiến hành xác minh nguồn gốc gỗ của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và giải quyết hoàn thuế VAT kéo dài nhiều tháng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành gỗ.

Để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến thuế VAT.

Doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ và các doanh nghiệp đồ gỗ nội, ngoại thất, sản xuất viên nén đều đang bị ngành thuế coi là có rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT. Ảnh: Sơn Trang.

Doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ và các doanh nghiệp đồ gỗ nội, ngoại thất, sản xuất viên nén đều đang bị ngành thuế coi là có rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT. Ảnh: Sơn Trang.

Trước đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đã có ông văn gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Tài Chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt các doanh nghiệp có sử dụng lượng cung gỗ rừng trồng lớn, như doanh nghiệp dăm, ván bóc/ván ép, viên nén, đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT như hiện nay là do hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại một số văn bản ban hành trong các năm 2020 và 2021, trong đó, coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế. Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ. Việc thực hiện những văn bản này đang gây ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp ngành gỗ và gây khó khăn cho cả ngành hàng.

Viforest cho biết, trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và Vương quốc Anh đang suy giảm 40-50%, dòng tiền đầu vào của các doanh nghiệp đang bị suy giảm nghiệm trọng, ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn.

Theo ước tính, lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số trên dưới 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế. Có doanh nghiệp có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp 40-50 tỷ đồng.

Theo quy định hiện nay, thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4, tháng 5 năm 2022. Một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1 năm 2022.

Thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định hiện hành. Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.