| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh 'trải thảm đỏ' thu hút nhà đầu tư nuôi biển

Thứ Hai 22/04/2024 , 07:32 (GMT+7)

Doanh nghiệp mong muốn có hành lang pháp lý hoàn chỉnh; có không gian nuôi biển ổn định, lâu dài; địa phương có biển mong đón nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ… tìm đến.

Những mục tiêu, mong muốn của các chủ thể cùng quan tâm tới vấn đề nuôi trồng thủy sản trên biển đã tìm được tiếng nói chung tại Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển tổ chức tại Quảng Ninh vừa qua.

Xây dựng hệ sinh thái bền vững để nuôi biển bền vững

“Hệ sinh thái” ở đây gồm hai khía cạnh: môi trường nuôi biển trên bờ, đó là các cơ chế, chính sách đồng bộ được ban hành từ các cơ quan quản lý; dịch vụ hạ tầng, hậu cần trên đất liền… để phục vụ nuôi biển. Khía cạnh thứ hai, đó là hệ sinh thái trên biển, gồm vùng nuôi trồng, mặt nước, môi trường nước tự nhiên phù hợp cho các loài nuôi; vấn đề xử lý chất thải nuôi biển để bảo vệ môi trường…

Các yếu tố trên có tính liên kết, liền mạch, tạo thành quy trình tổng thể, khép kín làm tiền đề để nuôi biển bền vững, từ đó mới có thể phát triển thành ngành hàng.

Mô hình nuôi biển đa canh, đa giá trị trên vinh Bái Tử Long của STP Group. Ảnh: Kiên Trung.

Mô hình nuôi biển đa canh, đa giá trị trên vinh Bái Tử Long của STP Group. Ảnh: Kiên Trung.

Đó là những kỳ vọng của các nhà đầu tư và mong muốn của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trước mục tiêu phát triển ngành thủy sản là trụ cột kinh tế hướng biển.

Là một trong những nhà đầu tư nuôi biển quy mô ở Vân Đồn, Công ty Cổ phần Tập đoàn STP (STP Group) lựa chọn nuôi biển theo hướng đa canh, xây dựng hạ tầng nuôi biển áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bà Nguyễn Thị Hải Bình - CEO STP Group cho biết: Việc nuôi đa canh, đa giá trị kết hợp giữa rong biển và hàu đang mang lại giá trị lớn cho ngành nuôi biển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp. Rong và hàu là hai đối tượng nuôi biển có tác dụng bổ trợ nhau cùng tăng trưởng. Khi kết hợp 2 loài này thì khả năng làm sạch nước biển cũng được cải thiện lớn hơn rất nhiều so với  khi chỉ nuôi một loài.

STP Group là doanh nghiệp đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng nuôi rong sụn tại vùng biển Quảng Ninh. Doanh nghiệp này đã nuôi rong sụn chuyên canh trên quy mô 3ha, mỗi năm thu 3 vụ và 1 vụ giữ giống từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Mỗi 1ha được thả 13 dây dọc, mỗi dây dọc chứa 400 dây ngang, mỗi dây ngang chứa 8-9 bụi rong, mỗi bụi cấy 150 - 200gram giống. Các dây dọc thả rong sụn có kết cấu tương tự như thả hàu, được giữ nối bằng phao HDPE.

Sản phẩm rong sụn được nuôi xen canh cùng bè nuôi hàu của doanh nghiệp STP. Ảnh: Tùng Đinh.

Sản phẩm rong sụn được nuôi xen canh cùng bè nuôi hàu của doanh nghiệp STP. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài ra, STP Group cũng thử nghiệm thành công mô hình nuôi rong sụn xen canh với hàu sữa. Khi nuôi xen canh, rong sụn điều hòa nước, lọc nước, hàu phát thải chất dinh dưỡng làm thức ăn thêm cho rong. Nhờ cộng sinh mà cả hai loài sinh vật này đều phát triển nhanh và khỏe mạnh. Kết quả cho thấy rong sụn lớn nhanh, mỗi bụi rong đạt trọng lượng trung bình 3kg, mỗi dây có thể thu được 7-8 tấn/lứa. Việc nuôi trồng xen canh là một cách “cho trứng vào hai giỏ”, giúp ngư dân có thêm cơ hội nuôi trồng, gia tăng giá trị kinh tế, vừa tránh phụ thuộc quá nhiều vào con hàu như hiện tại.

“Tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản, nuôi biển quy mô, giao mặt nước ổn định, lâu dài cho người nuôi biển. STP nhận thấy đây là cơ hội để đầu tư bài bản, nhân rộng mô hình Farm nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch trải nghiệm. Cùng với việc đa canh để tạo nên đa giá trị, chúng tôi cũng chú trọng ứng dụng công nghệ nuôi biển hiện đại để chuyên nghiệp hóa sản xuất”, bà Nguyễn Thị Hải Bình cho biết.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tổ chức, sắp xếp lại không gian mặt nước để có quỹ mặt nước sạch từ đó thực hiện giao biển cho người nuôi trồng ổn định, dài hạn, tránh chồng chéo, chồng lấn giữa các vùng mặt nước.

Quảng Ninh đang nỗ lực tạo dựng môi trường pháp lý, vùng nuôi bền vững để thu hút đầu tư nuôi biển. Ảnh: Tùng Đinh.

Quảng Ninh đang nỗ lực tạo dựng môi trường pháp lý, vùng nuôi bền vững để thu hút đầu tư nuôi biển. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ninh khẳng định: “Để phát triển ngành nuôi biển, Quảng Ninh cam kết đơn giản các thủ tục cấp phép môi trường và giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản; cung cấp cho UBND các địa phương dữ liệu bản đồ để hỗ trợ tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị giao theo quy định. UBND các địa phương cần phối hợp với Sở NN- PTNT hỗ trợ chủ đầu tư ngay từ bước lập hồ sơ dự án đầu tư... Tỉnh cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển ở địa phương, vì mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển”.

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 16 cơ sở sản xuất và cung ứng giống thủy sản ra thị trường trong và ngoài tỉnh với khoảng 3 tỷ con giống/năm. Có 5.556 tàu cá, thực hiện chủ trương xuyên suốt "giảm đánh bắt, tăng nuôi trồng", đội tàu khai thác xa bờ giảm nhẹ và giảm nhanh đội tàu đánh bắt gần bờ.

Thu hút nhà đầu tư bằng lợi thế biển

Bên cạnh thế mạnh, tiềm năng vùng nuôi biển, Quảng Ninh xây dựng những lợi thế cạnh tranh về chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn bằng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa thời gian làm thủ tục đầu tư, triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh nhất, tạo điều kiện tối đa nhất cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai…

Quảng Ninh trao giấy chứng nhận nuôi biển cho 6 HTX, doanh nghiệp nuôi biển đầu tiên ở huyện Vân Đồn. Ảnh: Kiên Trung.

Quảng Ninh trao giấy chứng nhận nuôi biển cho 6 HTX, doanh nghiệp nuôi biển đầu tiên ở huyện Vân Đồn. Ảnh: Kiên Trung.

Với diện tích biển trên 6.000 km2, diện tích vùng nuôi hơn 45.000 ha, chiếm trên 15% tổng diện tích nuôi biển toàn quốc, Quảng Ninh đã hoàn thiện tài liệu thu hút đầu tư nuôi biển của tỉnh, trong đó thể hiện tổng diện tích thu hút đầu tư nuôi biển của Quảng Ninh là 13.421ha.

Thị xã Quảng Yên là địa phương đầu tiên phê duyệt đề án nuôi biển với diện tích thu hút đầu tư nuôi biển 865ha. Các địa phương khác như Móng Cái (3.625ha), Hải Hà (743ha), Đầm Hà (1.200ha), Vân Đồn (4.800ha), Cô Tô (1.500ha), Cẩm Phả (1.433ha)…hiện đã được quy hoạch vùng nuôi.

Với quan điểm phát triển thủy sản theo hướng sinh thái - xanh - sạch gắn với quy trình sản xuất hiện đại trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế biển đảo, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có khoa học công nghệ nuôi biển tiên tiến đến với Quảng Ninh và cùng nhau mở biển.

Những lợi thế về tự nhiên đang giúp Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Thái Bình.

Những lợi thế về tự nhiên đang giúp Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Thái Bình.

Cụ thể hóa chiến lược nuôi biển bền vững, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã ký kết bản ghi nhớ (MOU) hợp tác phát triển nuôi biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024 - 2025 với 7 đơn vị, gồm: Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3, Viện Hải sản, Viện Ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo MEKONG); 3 doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi biển (Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung GROUP), doanh nghiệp lĩnh vực sơ chế, chế biến (Công ty TNHH Thủy sản LENGER Việt Nam), doanh nghiệp nuôi biển (Công ty Cổ phần tập đoàn STP).

Quảng Ninh cũng tổ chức trao giấy phép nuôi trồng thủy sản cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Giám đốc HTX thủy sản Trung Nam, ông Ngô Nam Trung – một trong số các HTX đầu tiên vừa được nhận giấy phép nuôi trồng thủy sản, cho biết: “Khi được giao mặt nước ổn định, có giấy phép nuôi biển, chúng tôi yên tâm đầu tư sản xuất. Khi chưa được giao mặt nước đồng nghĩa với việc chưa chắc chắn vùng nuôi, bà con rất e dè không dám đầu tư. Hành lang pháp lý là yếu tố tiên quyết giúp người nuôi vững tin ra biển”.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.