| Hotline: 0983.970.780

Học giả Nguyễn Trần Bạt qua đời

Thứ Tư 16/12/2020 , 10:17 (GMT+7)

'Sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới đánh giá đúng tầm vóc và mức độ quan trọng của những gì Nguyễn Trần Bạt để lại', nhà văn Tạ Duy Anh nói.

Nhà nghiên cứu, luật sư, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhà nghiên cứu, luật sư, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: Tùng Đinh.

19 giờ 30 phút ngày 15/12/2020, Luật sư, nhà nghiên cứu và doanh nhân Nguyễn Trần Bạt đã qua đời sau một cơn đột quỵ tại Hà Nội, hưởng thọ 74 tuổi.

Ông Nguyễn Trần Bạt sinh năm 1946 tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1973, ông tốt nghiệp kỹ sư xây dựng cầu đường trường Đại học Xây dựng, sau đó tốt nghiệp cử nhân luật của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 1975 - 1984, ông từng giữ quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải.

Năm 1987 ông khởi xướng việc thành lập Văn phòng Xúc tiến các hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam, tiền thân của Công ty Sở hữu Công nghiệp INVESTIP thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Năm 1989, dưới sự bảo trợ của Viện Khoa học Việt Nam, ông cùng với một số đồng nghiệp đã thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (có tên giao dịch là InvestConsult Ltd). Kể từ đó, InvestConsult Ltd. chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những tổ chức đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Trần Bạt là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Công ty InvestConsult Group, công ty có doanh thu hàng triệu USD mỗi năm. Ông đã được nêu danh trong các cuốn sách Barons "Who's Who in Vietnam", "Who's Who in Asia Pacific", "Who's Who in the World" và "The Global 500 Leaders for the New Century" như một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc. Ông đã từng nhiều lần tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về các vấn đề kinh tế và chính trị.

Ông  là tác giả của rất nhiều bài báo, sách và các công trình nghiên cứu tập trung vào nội dung làm thế nào Việt Nam phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá. Trong đó nổi bật nhất là các cuốn sách như: Văn hóa và con người (2005), Cải cách và sự phát triển (2005), Suy tưởng (2005), Cội nguồn cảm hứng (2008), Đối thoại với tương lai (2010), Vượt qua những giới hạn (2013), Con người là tinh hoa của nhau (2014)…

Trên trang cá nhân, nhà văn Tạ Duy Anh viết: "Vĩnh biệt bộ óc lớn Nguyễn Trần Bạt".

Theo nhà văn Tạ Duy Anh, ông chính là người biên tập toàn bộ những cuốn sách đã xuất bản của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, tổng cộng khoảng 10 nghìn trang viết.

“Sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới đánh giá đúng tầm vóc và mức độ quan trọng của những gì Nguyễn Trần Bạt để lại", nhà văn Tạ Duy Anh nói.

Theo nhà văn Thiên Sơn, Nguyễn Trần Bạt xuất hiện trong đời sống văn hóa như một hiện tượng hết sức độc đáo. Lúc đầu giới nghiên cứu còn ngỡ ngàng bởi một giọng điệu lạ, bởi cách đặt vấn đề không giống ai. Chỉ sau khoảng thời gian không dài, ông đã xây đắp lên một sự nghiệp đồ sộ. Đồ sộ và độc đáo đến mức, ở Việt Nam chưa từng có một kiểu tư duy, một lối nghiên cứu thực tiễn và đa diện như vậy. Ông luôn nói: Tôi là người yêu nước bằng cách lý giải các vấn đề của nó.

Cái khác biệt của Nguyễn Trần Bạt là ở chỗ, toàn bộ nghiên cứu của ông sinh ra để trả lời những câu hỏi then chốt của thực tại. Nghĩa là, ông luôn đặt mình vào những vấn đề nóng bỏng, khó khăn để tìm ra câu trả lời. Nghiên cứu của ông nằm ở mũi nhọn của cuộc sống. Cái khát vọng tìm đường, cái mong muốn phá bỏ những vật cản trên con đường đi lên của đất nước, riêng điều đó thôi, đã đáng để ta ngẫm suy và trân trọng.

Trong nhiều năm qua nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt cũng thường xuyên cộng tác với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Có nhiều bài viết, vấn đề nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt đặt ra được dư luận độc giả đặc biệt quan tâm. 

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).