Với 30 bài viết, cuốn sách ghi lại chân dung một nhà khoa học được đánh giá là nói năng hùng biện sôi nổi, “bác văn cường ký, hiểu biết sâu rộng, trí nhớ tuyệt vời” như chia sẻ của GS.NGND Nguyễn Kim Đính, nguyên Trưởng khoa Văn học (trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội).
Sinh năm 1925 tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá nơi cha làm quan, quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, ông Phan Ngọc từ nhỏ đã được thừa hưởng học vấn Nho học do cha dạy dỗ, lớn lên ông vào Huế theo học văn hoá phương Tây. Cả hai nền văn hoá Đông – Tây đã thấm vào ông hết sức tự nhiên để ông trở thành một nhà trí thức uyên bác. Khi mới 26 tuổi, ông đã trở thành giảng viên trẻ nhất giảng dạy ở bậc Đại học của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông là phụ giảng cho nhà bác học Đặng Thai Mai, thụ giáo triết học từ triết gia Trần Đức Thảo… Cái tên Phan Ngọc đã trở nên sáng giá khi ông lên lớp nhiều môn học cho sinh viên Đại học: Văn học Trung Quốc, Lý luận Văn học, Ngôn ngữ học…
Từ năm 1980, ông rời trường Đại học trở thành nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ngày nay). Tên tuổi Phan Ngọc một lần nữa khiến học giới cả nước ngưỡng mộ khi ông cho công bố các công trình: “Văn hoá Việt Nam tiếp xúc Đông Nam Á” (viết cùng với Viện trưởng Phạm Đức Dương), “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều”, “Văn hoá Việt Nam cách tiếp cận mới”, “Bản sắc Văn hoá Việt Nam”, “Thức nhận về Văn hoá Việt Nam”… Không chỉ nổi danh trong nghiên cứu, bạn đọc còn ngưỡng mộ ông khi phát hiện ra ông chính là dịch giả tài hoa của các tác phẩm “Sử ký” (Tư Mã Thiên), “Chuyện làng Nho”, “Trần trụi giữa bầy sói”, “Chiến tranh và Hoà bình”… dưới bút danh Nhữ Thành…
Học giả Phan Ngọc còn là người định danh các thuật ngữ “khúc xạ”, “vượt gộp”, “thao tác luận”… cùng phương pháp nghiên cứu phong cách tác giả. GS.TS Trần Đình Sử (Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng: “Phan Ngọc đã thể hiện một tài năng hơn người. Ông không nghiên cứu hình thức thuần tuý như những con cờ trên bàn cờ văn học mà đi sâu khám phá, lý giải sức tác động, độ khúc xạ của những quan hệ hiện thực, lịch sử vào sự tạo thành của hình thức văn học. Vì thế công trình của ông thường có nội dung văn hoá, lịch sử phong phú. Ở đây thể hiện sự uyên bác, lịch lãm và tài hoa của người nghiên cứu”.
Ghi nhận những thành tựu của PGS Phan Ngọc trong nghiên cứu khoa học, năm 2000, Chủ tịch nước đã trao tặng ông Giải thưởng Nhà nước về Khoa học & Công nghệ với 2 công trình “Tìm hiểu Phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” và “Văn hoá Việt Nam cách tiếp cận mới. ”
GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội trong bài điếu văn đưa tiễn PGS Phan Ngọc tháng 8/2020 đã đánh giá: “Thầy Phan Ngọc đã sống một cuộc đời nhỏ mà không bé, bình thường mà không tầm thường. Đối với thầy, sống là cống hiến, tìm tòi, nghiên cứu hết mình. Đối với thầy, mọi danh hiệu đều là phù phiếm. Đối với thầy, niềm vui là được đắm mình trong những trang sách, thả hồn mình vào trong các nghiên cứu. Cả cuộc đời thầy là một tấm gương lao động miệt mài, không mệt mỏi cho đến khi trút hơi thở cuối cùng”.