| Hotline: 0983.970.780

Học miền Nam để chuyên nghiệp nuôi thủy sản phía Bắc

Thứ Hai 29/08/2022 , 07:15 (GMT+7)

HÀ NỘI Để vươn ra xuất khẩu sang thị trường Mỹ, HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng (Hà Nội) đã vào Nam học hỏi sự chuyên nghiệp trong công nghệ nuôi, chế biến thủy sản.

Khắc phục những hạn chế nuôi thủy sản ở phía Bắc

Đưa chúng tôi đi xem cơ ngơi của Hợp tác xã (HTX), anh Nguyễn Văn Thiêm, Phó Giám đốc HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng (Thanh Trì, Hà Nội) giới thiệu: HTX được thành lập từ năm 2018 với diện tích 10ha nuôi thuỷ sản công nghệ "sông trong ao". Trong ao được trang bị thêm máy tạo sóng, máy sục khí tạo dòng chảy, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy...

HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng là đơn vị tiên phong trong mô hình nuôi cá "sông trong ao" tại Hà Nội. Anh Thiêm chia sẻ: "Cá có tập tính bơi ngược dòng. Với mô hình này, cá thường xuyên vận động, giúp thịt săn chắc, thơm ngon hơn. Hiện HTX đang nuôi nhiều loại cá như trắm, chép, rô phi, diêu hồng…, trong đó rô phi là loại cá đang được thị trường tiêu thụ khá tốt".

34

HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng đang đầu tư 14 bể nuôi, kích thước bể 25 x 5 m, sâu 2,5m. Mỗi bể cho từ 12 - 15 tấn cá/lần thu hoạch, mỗi năm nuôi 2 lứa. Ảnh: Diệu Vy.

So sánh với các mô hình nuôi cá khác, anh Thiêm cho biết: "Chúng tôi nuôi cá theo công nghệ mới, giúp quản lý tập trung, kiểm soát được dịch bệnh, thức ăn và đầu con. Thời điểm thu hoạch chỉ cần ít người đánh bắt, thuận tiện hơn so với nuôi cá truyền thống".

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, mô hình nuôi cá công nghệ mới vẫn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Anh Thiêm phân tích: So với nuôi cá truyền thống thì thức ăn tiêu tốn nhiều hơn, cá chậm lớn hơn, chi phí dành cho nguồn điện cũng tốn kém hơn, khấu hao tài sản cao...

Nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, HTX đang xây dựng chuỗi nuôi liên kết phát triển ổn định, hoàn thiện dây chuyền sản xuất khép kín. Qua đó giúp bà con yên tâm nuôi, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Ông Cao Đình Thanh Hải, Giám đốc HTX kể: Nhiều bà con có tâm lý rất e ngại vì đã từng gặp phải những đơn vị thuỷ sản hứa hẹn rồi “bỏ bom”, dẫn đến mất niềm tin vào nghề cá. Để bà con yên tâm tập trung nuôi cá, HTX đã cung cấp con giống với giá hợp lý nhất, đồng thời liên kết với các công ty cung cấp thức ăn thuỷ sản với giá thấp, đồng thời cam kết thu mua hết sản phẩm cho các thành viên HTX, luôn đồng hành cùng bà con trong suốt quá trình nuôi.

Bên cạnh nguồn cá giống tại chỗ, HTX còn liên kết với trung tâm cá giống uy tín tại Bắc Ninh. Mọi nguồn lực đầu vào hỗ trợ bà con đều được tính với giá tối ưu. Đến thời kỳ xuất bán cá, sẽ có kỹ thuật viên kiểm tra chất lượng cá thành phẩm. Khi cá đảm bảo về chất lượng, không tồn dư các chất cấm. HTX sẽ đến tận nơi thu mua.

3

Hiện nay diện tích nuôi thuỷ sản ở các tỉnh phía Bắc rất lớn nhưng phân bố không tập trung và điều kiện nuôi chưa thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Diệu Vy.

"Mô hình liên kết như trên đã được triển khai rất nhiều ở miền Nam, nhưng ở ngoài Bắc vẫn còn khá hiếm. Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ở miền Bắc nhìn chung vẫn còn phát triển manh mún, diện tích nhỏ, sản lượng thấp. Bà con ít nuôi thâm canh, chủ yếu là nuôi ghép. Chúng tôi mới bắt đầu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất để thuyết phục các nông hộ nuôi. Việc triển khai trong thời gian tới vẫn còn nhiều gian nan", ông Hải thành thật giãi bày.

Cũng theo ông Hải, HTX đang hướng tới mục tiêu cao hơn là xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang là một bài toán khó, đặc biệt là cho những thị trường lớn như Mỹ có nhu cầu tới 10 tấn cá/ngày; các nước Châu Âu như Bỉ, Hà Lan... đều đang có nhu cầu cao về cá rô phi.

"Thực tế hiện nay, diện tích nuôi thuỷ sản ở các tỉnh phía Bắc rất lớn nhưng phân bố không tập trung và điều kiện nuôi chưa thể đáp ứng được. Để có thể thu mua liên tục đảm bảo nguồn cung, chúng tôi cần có 100 – 200ha nuôi theo chuỗi nuôi xuất khẩu. Chỉ khi xây dựng được mã vùng nuôi kết hợp chuỗi liên kết nuôi cá diện tích lớn, được sự đồng thuận từ chính quyền đến bà con nông dân thì mới có thể đạt kết quả tốt”, ông Hải nói.

Trang trại nuôi cá của HTX sử dụng thức ăn thuỷ sản rõ nguồn gốc từ các tập đoàn, công ty cung cấp lớn trên thị trường nên chất lượng sản phẩm được khách hàng đánh giá cao. Với diện tích 10ha, sản lượng trung bình 1 năm của HTX đạt trên 400 tấn (nuôi 2 – 2,5 vụ), doanh thu đạt hơn 8 tỷ đồng.

Vào Nam học hỏi để vươn ra xuất khẩu

“Từ trang trại đến bàn ăn” hay còn gọi là 3F (Feed - Farm - Food) là mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Trước đây, ngành chăn nuôi chia nhỏ thành nhiều công đoạn như làm giống, sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, trong đó, từng công đoạn lại có lợi nhuận riêng, rủi ro riêng, khi sản phẩm bị từ chối trên thị trường, trách nhiệm không biết thuộc về ai...

Với mô hình 3F, tất cả đã thay đổi. Mô hình này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu làm giống đến sản xuất thức ăn, nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm... Tất cả phải có sự liên thông, minh bạch.

121212

Khu vực sơ chế - chế biến gồm 2 dây chuyền và 25 công nhân xử lý được 10 tấn nguyên liệu/ngày. Ảnh: Diệu Vy.

Xác định trọng tâm hướng đến cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng, lãnh đạo HTX đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp từ khâu nuôi đến sơ chế - chế biến nhằm giúp bà con không còn phải lo lắng về chuyện bị thương lái ép giá, duy trì sự ổn định trong tiêu thụ sản phẩm. 

Thời gian đầu, HTX thực hiện mô hình nuôi cá “sông trong ao”, chất lượng cá nuôi đảm bảo, song giá thành cao hơn so với cá nuôi truyền thống. Khó khăn nhất chính là đầu ra. Tuy nhiên, đến nay, nhờ có nhà máy sơ chế, chế biến từ nông trại đến bàn ăn, nên việc đó không còn là vấn đề lớn.

“Năm 2022, chúng tôi đưa vào hoạt động khu sơ chế, chế biến, bảo quản, giúp đa dạng sản phẩm khi cung cấp ra thị trường. Sản phẩm của HTX đã được nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm ủng hộ nên hiệu quả cao hơn nhiều so với thời gian trước. Tính đến nay, HTX đã đầu tư khoảng 20 tỷ đồng hoàn thiện chuỗi nuôi và chế biến thuỷ sản khép kín”, ông Hải vui vẻ kể.

Cũng theo ông Hải, mô hình từ ao đến bàn ăn của HTX Thủy sản Công nghệ cao Đại Áng là mô hình đầu tiên tại Hà Nội. Khu vực sơ chế - chế biến gồm 2 dây chuyền và 25 công nhân sẽ xử lý được 10 tấn nguyên liệu/ngày. Dây chuyền sản xuất hiện đại khép kín, công nhân sẵn sàng tăng ca sản xuất khi có những đơn hàng lớn. 

Được biết, đội ngũ lãnh đạo HTX đã lặn lội vào các tỉnh phía Nam, học về mô hình sản xuất, máy móc, quản lý để xây dựng và hoàn thiện nhà máy sơ chế - chế biến này. Đội ngũ anh em công nhân được tuyển chọn đều có tay nghề cao.

IMG_0645

Dây chuyền sơ chế - chế biến nằm trong chuỗi khép kín 3F "từ trang trại đến bàn ăn". Ảnh: Diệu Vy.

Một trong những vấn đề khiến lãnh đạo HTX còn trăn trở là khả năng cung cấp cá nguyên liệu của bà con. Dung lượng thị trường tiêu thụ cá rô phi rất lớn. Mong muốn của HTX là bà con chú ý nuôi cá đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng để có lãi và thu nhập ổn định. 

HTX sẵn sàng ký kết hợp đồng với các hộ dân nuôi cá theo chuỗi, miễn là các hộ nuôi phải đảm bảo chất lượng nước nuôi, con giống, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh và chất cấm.

“Nếu tương lai tạo dựng được chuỗi liên kết sản xuất, chúng tôi sẵn sàng đầu tư dây chuyền sản xuất IQF (hệ thống cấp đông siêu tốc các sản phẩm rời) nhằm đảm bảo cung ứng tốt các sản phẩm thuỷ sản cho thị trường”, ông Hải nhấn mạnh.

"Mới đây, tháng 4/2022, HTX đã xuất khẩu được 18,5 tấn cá sang Mỹ và phản hồi của khách hàng rất tốt. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng mô hình chuỗi liên kết với bà con nhằm mở rộng nguồn cung.

Ngoài việc liên tục mở rộng xây dựng chuỗi nuôi để tập trung vào lượng khách hàng đang có, chúng tôi cũng nỗ lực để đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng. Cụ thể, người tiêu dùng Mỹ chỉ ăn cá rô phi từ 5 – 7 lạng, trong khi bà con nông dân Việt Nam vẫn quen với nuôi truyền thống, thường bán cá trọng lượng hơn 1kg/con", Giám đốc HTX Cao Đình Thanh Hải bày tỏ.

Xem thêm
Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.