| Hotline: 0983.970.780

Học nhau hiến đất, mở đường

Thứ Ba 15/10/2019 , 13:10 (GMT+7)

Khi đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, ô tô, xe máy vào được tận nhà, tất cả mọi người, mọi nhà đều sẽ tích cực tham gia hiến đất, mở đường.

07-57-28__1-_tuyen_duong
Tuyến đường do dân tự nguyện hiến đất ở xã Quảng Phương.

Đưa chúng tôi đi trên con đường liên thôn đổ bê tông vững chắc và rộng rãi, ông Dương Công Định, Trưởng thôn Đông Dương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) hồ hởi: “Từ hồi phát động phong trào xây dựng NTM đến nay, đã có 44 hộ dân hiến đất, tài sản với gần 2.000m2 đất để làm 22 tuyến, lối giao thông trong thôn với số tiền đóng góp trên 230 triệu đồng. Nhờ vậy cả thôn đã có hệ thống giao thông đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội”.
 

Tuổi già làm gương

Hỏi về phong trào hiến đất mở rộng đường theo chuẩn NTM, ông Định nói sẽ đưa chúng tôi đi gặp người hiến đất tiêu biểu. Chúng tôi đến nhà lão nông Ngô Xuân Đang (72 tuổi) ở thôn Đông Dương khi ông mới đi thăm đồng về. Mời khách bát nước chè xanh, ông kể chậm rãi rằng hồi trước đất, đường làng, ngõ xóm nhỏ lắm, đâu chừng hơn 3m thôi. Khi mở rộng đường lên gấp đôi thì “ăn” vào đất đai, vườn tược hết. Nên vậy, cái khó là không có khoản tiền nào để hỗ trợ đền bù.

“Mình không đi tiên phong hiến đất thì làm sao có người theo. Suy nghĩ như vậy nên tôi quyết định hiến luôn gần 100m2 đất để cho thôn làm đường”, ông Đang cười sảng khoái. Ông Định, Trưởng thôn kể thêm, sau cuộc họp bàn của thôn, ông Đang nói hiến đất phục vụ tập thể rồi sau đó nhiều người đưa tay làm theo. “Vậy là hễ ai vướng vào đất đai, cây cối, hàng rào chi cũng xin tự nguyện hiến hết cả”, ông Định nhớ lại.

Được biết, ngoài hiến gần 100m2 đất vườn, gia đình ông Đang còn đóng góp gần trăm ngày công để làm đường, làm hàng rào cho bà con từ xóm trên đến xóm dưới. Không những vậy, ông Đang còn mạnh dạn đi vận động bà con, họ hàng, hội viên cựu thanh niên xung phong hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn.

Về xóm Mây Đắng (thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy) nhìn con đường chính của thôn đổ bê tông phẳng lỳ, rộng rãi mà thấy tư thái trong lòng. Trước đây, đường vào xóm Mây Đắng đi lại rất vất vả, khó khăn với chiều ngang chỉ khoảng 3m. Mùa nắng thì bụi, còn mùa mưa thì lầy lội. Thậm chí, cây cối choán hết cả lối đi. Khi nhận được chủ trương mở con đường đổ bê tông của xóm, thôn tổ chức họp dân để vận động nhân dân hiến đất, hiến cây trồng.

Ông Nguyễn Thành Hân (72 tuổi, thôn Mai Hạ) là người đi tiên phong trong phong trào hiến đất làm đường ở xóm Mây Đắng. Trong căn nhà gọn gàng, sạch sẽ, tươm tất, ông Hân kể: “Hiến đất để có đường rộng rãi mà đi là phải làm rồi. Nhưng với vợ con nói sao cho thủng mới quan trọng”, ông Hân nói.

Sau nhiều lần bàn bạc với vợ con, được mọi người ủng hộ, ông Hân xung phong hiến 80m2 đất vườn đang sản xuất cho xóm. “Muốn đạt được mục tiêu có đường rộng thì phải có người làm đầu tàu để kéo đi”, ông Hân ví von.

Sau khi gia đình ông Hân hiến đất, các hộ khác cũng tự nguyện hiến theo. Toàn xóm có 45 hộ, thì có 8 hộ hiến đất với diện tích khoảng 500m2.
Năm 2018, con đường vào xóm Mây Đắng chính thức được trải bê tông bằng phẳng với mặt đường mở rộng lên đến 7,5m, chiều dài hơn 200m, bà con đi lại thuận tiện. Hai bên đường được trồng nhiều hoa tươi, đủ sắc màu thật đẹp mắt.
Cứ lúc rảnh, ông Hân lại ra chăm sóc hoa và trồng dặm thêm ở nhưng chỗ còn thưa.

Ông hồ hởi: “Thấy con đường giao thông của xóm Mây Đắng rộng rãi, sạch đẹp, tôi rất mừng, thấy việc làm của mình thật nhiều ý nghĩa”.
 

Cho những vùng quê tươi mới

“Khoảng 10 năm trước, những con đường liên xã, liên xóm ở địa phương luôn trong tình trạng lầy lội, nhỏ hẹp. Đến hôm nay, nhiều con đường đã được nâng cấp, mở rộng.

Sự thay đổi tích cực đó là nhờ sự đồng lòng hưởng ứng, tự nguyện đóng góp sức người, sức của, nhất là phong trào hiến đất vườn làm đường giao thông của bà con nhân dân địa phương”, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương nói như vậy.

Để có sự đồng thuận trong nhân dân, công tác tuyên truyền, vận động luôn được cấp ủy, chính quyền chú trọng. Nhiệm vụ này được tiến hành bằng nhiều hình thức nhằm cho người dân thấy được ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chương trình xây dựng NTM.

Nhờ đó, ai cũng nhận thấy lợi ích, hiệu quả của việc mở rộng đường giao thông nông thôn. Khi đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, ô tô, xe máy vào được tận nhà, tất cả mọi người, mọi nhà đều tích cực tham gia.

Ông Nguyễn Văn Phố (xã Quảng Phương) nói thực lòng: “Khi chưa bê tông hóa, nhiều con đường trong thôn luôn nhỏ hẹp, cây cối giăng hết cả lối đi, xe máy chạy đã khó. Còn giờ đây, sau khi các hộ dân trong thôn hiến đất để mở rộng đường, thoáng đãng, cây xanh được trồng hai bên đường để tạo cảnh quan”.

Về Mai Thủy (huyện Lệ Thủy), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay mạnh mẽ của một vùng quê qua những ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, những tuyến đường bê tông sạch, đẹp, rộng rãi, trải dài. Nghe bà con nói với nhau rang, nhiều tuyến đường được làm nên bởi lòng dân.

07-57-28__2-_doi_thy
Đổi thay trên vùng quê Mai Thủy.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Thủy chia sẻ, khi có chủ trương làm đường giao thông NTM, nhiều người dân đã nhiệt tình hưởng ứng, hiến đất làm đường tự nguyện mà không đòi hỏi gì. Trong đó, có những đoạn đường do chính người dân tự nguyện hiến đất, góp công xây dựng. Những con đường mới đó như nối dài thêm niềm vui, là điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của địa phương.

Trên con đường bê tông ở xóm Mây Đắng còn mới, ông Lê Văn Ngọc, Trưởng thôn Mai Hạ (xã Mau Thủy) cho biết, thôn có hơn 280 hộ với hơn 1.000 khẩu. Đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ, do vậy kinh tế còn khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi có chủ trương hiến đất làm đường giao thông, nhân dân trong thôn đã hưởng ứng mạnh mẽ.

“Đến nay, trong thôn đã có trên 100 hộ dân hiến đất, tài sản để làm đường với diện tích gần 4.000m2 và đã cứng hóa hơn 5.000m đường giao thông”, ông Ngọc chia sẻ. Được biết đến nay, xã Mai Thủy đã có hơn 760 hộ dân hiến đất với gần 25.000m2. Để từ đó, sức người, lòng dân đã làm sáng lên màu mới những vùng quê.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.