| Hotline: 0983.970.780

Hội chứng 'làm đến chết' ở Nhật

Thứ Ba 06/06/2017 , 13:15 (GMT+7)

Chính phủ Nhật Bản mới đây đã khuyến cáo người dân nên “bớt chăm chỉ” để bảo vệ sức khỏe và tính mạng. Làm việc quá mức đã trở thành vấn nạn ở đất nước Mặt Trời Mọc, là nguyên nhân nhiều người tìm đến cái chết.

Theo đài CBS, thói quen làm việc nhiều giờ liên tục của người Nhật đã để lại hậu quả to lớn về sức khỏe.

15-57-03_161125140715-jpn-mtsuri-tkhshi-780x439
Matsuri Takahashi đã tìm đến cái chết sau thời gian dài làm việc quá mức

Theo đài truyền hình Mỹ này, tỷ lệ người tự tử do phải làm việc quá mức ở Nhật Bản tăng cao đến mức báo động đã khiến chính phủ nước này đưa ra hạn mức số giờ làm thêm. Nhưng trần lao động thêm giờ vẫn bị cho là quá cao: 100 giờ/tháng. Các nhà chỉ trích nói như vậy cũng chẳng bảo vệ được người lao động.
 

Karoshi

Các con tàu vẫn đông nghẹt tại thời điểm nửa đêm bởi lúc này nhiều người Nhật mới từ chỗ làm về nhà. Người Nhật thuộc hàng làm việc chăm chỉ nhất thế giới. Nhưng số giờ làm thêm dài dằng dặc đang giết chết theo nhiều cách các lao động ở nước này. Trong thực tế, những cái chết do làm việc quá mức gây ra phổ biến đến mức người Nhật có từ riêng cho nó. “Karoshi” là thuật ngữ chỉ những cái chết liên quan đến chuyện làm việc quá mức.

Satoshi Sekigawa là một nạn nhân của karoshi. Là quản đốc tại một nhà máy xi măng, anh tìm đến cái chết năm 2010 sau một thời gian dài thường xuyên làm việc thêm giờ tới 109 giờ/tháng.

Chính phủ Nhật nói anh đã “làm việc đến chết”. “Lỗi là ở tôi”, cha của Sekigawa nói với CBS. “Nếu nó thành thực với chúng tôi, tôi đã bảo cháu nghỉ làm”. Nhiều năm sau cái chết của Sekigawa, bố anh vẫn không dám bước ngang qua phòng riêng của con trai.

Làm việc quá sức và quá mức dẫn đến hơn 2.000 trường hợp tự sát ở Nhật trong năm 2015 theo một thống kê lần đầu được thực hiện của chính phủ. Trong số này, có 96 trường hợp chết vì đau tim hay đột quỵ khi làm việc. Gần ¼ số công ty được hỏi nói nhân viên phải làm việc thêm giờ hơn 80 giờ mỗi tuần.

Nhiều công ty đã phải sử dụng các biện pháp mạnh để nhân viên về nhà sớm hơn. Công ty Dentsu tắt đèn sau 10 giờ đêm, với hy vọng nhân viên chịu ngừng làm việc. Hành động này được lãnh đạo công ty quyết định sau vụ cô gái 24 tuổi Matsuri Takahashi tự sát sau khi để lại những dòng tâm sự chán chường trên mạng xã hội về số giờ làm việc thêm do bị phạt.

15-57-03_170416-en-diz-dedly-hours02
Satoshi Sekigawa

“Có lẽ chết là lựa chọn dễ chịu hơn nhiều”, cô viết. “Nếu xã hội Nhật Bản không thay đổi những quan điểm về thế nào là đạo đức (trong đó có đòi hỏi về sự chăm chỉ), sẽ còn nhiều nạn nhân của karoshi”, người cha của anh Satoshi nói.
 

Rã rời cả thể xác lẫn tinh thần

Cô gái trẻ Takahashi đã phải làm thêm hàng trăm giờ mỗi tháng và điều này được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô.

Theo Guardian, nhiều tuần trước khi tìm đến cái chết vào đúng ngày Giáng sinh của năm 2015, Takahashi viết trên mạng xã hội: “Tôi muốn chết”. Một thông điệp khác của cô viết: “Tôi rã rời cả thể xác lẫn tinh thần”.

Cái chết của Takahashi dấy lên lời kêu gọi Chính phủ Nhật Bản xem lại văn hóa lao động ở nước này, vốn yêu cầu nhân viên phải làm việc thêm giờ liên tục để chứng tỏ sự trung thành với công ty.

Công ty Dentsu nổi tiếng từ lâu với những yêu cầu khắt khe trong công việc và cũng từ lâu bị chỉ trích về chuyện này. Các nhà chức trách cũng “hỏi thăm” công ty trong lúc đang có những nghi ngờ lãnh đạo Dentsu vi phạm luật lao động.

Trong sách trắng lần đầu được thực hiện về chủ đề karoshi vào tháng 10/2016, chính phủ Nhật Bản nói cứ một trong năm người lao động nước này có nguy cơ mất mạng vì làm việc quá mức. Tài liệu này nói mặc dù có những nỗ lực cải thiện, cân bằng công việc và cuộc sống của người lao động từ một số người trong giới chủ doanh nghiệp, giới làm công ăn lương ở Nhật vẫn phải làm ngoài giờ nhiều hơn rất nhiều so với đồng nghiệp ở các nước khác.

Cũng theo tài liệu kể trên, 22,7% số công ty được khảo sát từ giai đoạn tháng 12/2015 - tháng 1/2016 nói một số nhân viên của họ cày cuốc ngoài giờ chính thức hơn 80 giờ/tháng. Đây là mức được xác định là có nguy cơ nghiêm trọng gây tử vong ở nhiều dạng thức.

Báo chí Nhật Bản nói cần xem xét toàn bộ các doanh nghiệp chứ không chỉ “làm điểm” một vài đơn vị. “Vấn đề không phải của chỉ riêng công ty Dentsu”, tờ Asahi Shimbun nói trong một bài xã luận. Tờ báo, vốn cũng nhận một cảnh báo từ chính phủ về chuyện làm ngoài giờ của nhân viên, thừa nhận rằng thay đổi thái độ đối với công việc của người Nhật nói chung là khó khăn nhưng cần thiết. Và vào sinh nhật đầu tiên của con gái sau khi cô qua đời, mẹ Takahashi, bà Yukimi, nói bà hy vọng có thể giúp “thay đổi quan niệm của mọi người lao động ở Nhật Bản”.

Trước Takahashi, anh Ichiro Oshima, cũng là nhân viên của Dentsu, đã tự sát năm 1991 khi mới 24 tuổi. Đây là nạn nhân karoshi đầu tiên được ghi nhận tại Nhật Bản. Oshima không có một ngày nghỉ nào trong suốt 17 tháng và chỉ ngủ mỗi đêm chưa đầy hai giờ trước khi tìm đến cái chết.

Xem thêm
Quang Linh Vlogs hội ngộ hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Chàng Youtuber nổi tiếng Quang Linh Vlogs đang ở Việt Nam để có chuyến đi chơi xuyên Việt cùng bố con Matiloi - người bạn đến từ châu Phi.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

Alexandre Polking - ứng viên sáng giá cạnh tranh vị trí HLV đội tuyển Việt Nam

HLV Kim Sang-sik đang được đồn thổi là tân HLV đội tuyển Việt Nam, nhưng theo thông tin mới nhất cựu HLV trưởng Thái Lan ông Polking cũng đang nằm trong tầm ngắm.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.