| Hotline: 0983.970.780

Chiến tranh là như thế

Thứ Ba 30/04/2024 , 06:00 (GMT+7)

Các xóm nghèo ven sông Bạc Liêu còn bị cái nạn tàu chiến chạy từ chợ Bạc Liêu ra. Có lúc nó thả trôi trên sông, thấy chỗ nào khả nghi...

Ký họa chiến trường của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu.

Ký họa chiến trường của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu.

Tôi sinh năm 1961, trước đó người Bạc Liêu đã cùng với Nam bộ và cả nước tiến hành một cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp trường kỳ đầy gian khổ và cũng trước đó, năm 1956, người Mỹ và Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm tuyên bố: “Chúng ta không kí Hiệp định Giơ-ne-vơ nên chúng ta không bị Hiệp định này ràng buộc”. Thế là họ hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam, tổ chức cuộc chiến tranh quy mô, với phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, nhằm thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài Tổ quốc Việt Nam.

Cũng trong năm 1956, người Mỹ xua quân chiếm toàn bộ tỉnh Bạc Liêu với quân số đông hơn các nơi khác - 13 ngàn người. Vì họ xác định Bạc Liêu - Cà Mau là vùng căn cứ kháng chiến cũ. Từ năm 1956 đến Đồng khởi năm 1960, có một dấu ấn mà những người đương thời không thể nào quên, đó là Tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59, loại những người Cộng sản ra khỏi vòng pháp luật để họ thẳng tay bắn giết. Từ đó, đêm đêm những gót giầy đinh giẫm nát làng quê từ những cuộc truy lùng bắt bớ. Người ta dí lưỡi lê vào những người kháng chiến cũ rồi huy động dân đến xem những cuộc hành quyết chặt đầu Cộng sản tế cờ. Nhiều người bị đập đầu bỏ vào bao bố tời thả trôi sông. Máy chém được lê đi khắp nơi. Đêm đêm, trong khu dinh điền, trong đồn bót văng vẳng, rùng rợn tiếng khóc la vì bị tra khảo, có cả tiếng đập đầu con người. Cuộc sống làng quê Bạc Liêu đầy sợ hãi, oán than khắp nơi.

Sau Đồng khởi năm 1960, người Mỹ đã cảm được họ phải đương đầu với ai. Từ đó họ tổ chức chiến tranh với những chiến lược, chiến thuật gom dân lập ấp chiến lược, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh... Biến cả miền Nam thành một chiến trường đầy máu lệ, đau thương.

Tôi lớn lên, cuộc chiến do người Mỹ tổ chức ngày càng leo thang, khi tôi nhận biết cuộc đời là thấy quê hương mình chan hòa cái màu xanh đến huyền hoặc của lá dừa nước và một rặng bần soi bóng ven sông. Vậy mà rồi chiến tranh đến, bom pháo đầy trời, nó xóa bỏ trong mắt trẻ thơ cái màu xanh huyền hoặc thanh bình và sự nên thơ của làng quê.

Nhà tôi ở ven sông Bạc Liêu, cách đô thị Bạc Liêu chưa đầy 7 cây số. Chiều chiều, tôi ra sau ruộng thăm câu, gỡ lưới là thấy chiếc đầm già (L19 - máy bay trinh sát) từ hướng chợ Bạc Liêu bay ngang xóm, dọc theo triền sông. Nó ngó nghiêng liếc dọc, thi thoảng phóng vài trái pháo mà sau tiếng nổ thỉnh thoảng là tiếng con người khóc rộ lên. Tôi phải gỡ cho xong vác lưới để vào nhà trước khi trời sụp tối, vì sau đó, sau khi con đầm già “cú vọ” bay về chợ là y như tiếng cắc cụp đề ba của U-bi (pháo 105mm) từ chợ Bạc Liêu bắn ra. Pháo rải dọc theo sông Bạc Liêu, từ nhà tôi đến Vàm Lẽo, nghĩa là khi hết tầm bắn của nó thì thôi. Pháo rải trên đầu những xóm làng mộc mạc và nghèo xơ nghèo xác, ở đó chỉ có người nông dân chân chất hiền lành ngày ngày đi cày ruộng rồi giăng lưới cắm câu. Pháo nổ làm cháy rụi những căn nhà lá, tước đoạt mạng sống của người chân quê.

Còn tôi, bữa nào mê cá quá là phải chịu một trận pháo rải trên đầu. Lúc đó chỉ còn pháo tránh người. Nói vậy chứ riết rồi cũng quen, bảy - tám tuổi tôi đã có kinh nghiệm tránh pháo. Hễ trái pháo bay xé không khí phát ra âm thanh nghe tiếng “quéo” là tôi biết quả đạn ấy bay xa chổ mình, cứ tiếp tục thăm câu. Còn nếu như âm thanh của nó nghe “xè xè” là phải nhảy xuống kinh mà núp. Có bữa pháo nổ gần, chát chúa, lửa phụt lên như sét đánh, đầu óc tôi u u… Mỗi lần như thế, má tôi từ trong miệng hầm tránh pháo trong nhà réo tôi. Đó là giọng hét hoảng loạn, đầy kinh hãi của gà mẹ gọi con khi thấy diều hâu sà xuống. Đặc biệt là từ năm 1963 đến năm 1975 có những vùng nông thôn Bạc Liêu trở thành cái túi của đạn pháo như vùng Vàm Lẽo, Châu Hưng, Vĩnh Hưng… Pháo từ các tiểu khu, chi khu Bạc Liêu, Phú Lộc, Vĩnh Châu… cứ chụm đầu bắn vào đêm đêm, giống như một thứ tiếng mõ công phu của những ngôi chùa.

Chưa hết, các xóm nghèo ven sông Bạc Liêu còn bị cái nạn tàu chiến chạy từ chợ Bạc Liêu ra. Có lúc nó thả trôi trên sông, thấy chỗ nào khả nghi thì lập tức bất ngờ bắn vãi lên như rải trấu. Đó là những vũ khí tối tân của người Mỹ, đại liên 12.7 mm, M79 dây, cối 61 mm… nó có thể san bằng, phạt ngang đứt đầu một đám lá dừa nước “tối trời” trong nháy mắt. Và chưa hết, hằng đêm những vùng quê nghèo nàn hẻo lánh xa xôi, những vùng được gọi là căn cứ kháng chiến, “vùng sạ kích tự do” còn phải đối mặt với nạn trực thăng soi, bom từ máy bay thả xuống… ở chiến trường Bạc Liêu, người Mỹ đã sử dụng một vũ khí tối tân nhất lúc bấy giờ là B52. B52 bừa ở Lộc Ninh, Ninh Quới… Mỗi một trận thả bom như thế hàng trăm người chết trong lửa đỏ.

Pháo từ các chi khu bắn vào, bom từ trên trời thả xuống, có lúc làm cho xóm ông Nam (vùng Hưng Thành, Vĩnh Lợi ngày nay) không còn cái chén ăn cơm, dân phải lấy “miểng dừa” làm chén. Văn học sau chiến tranh nói rằng người Mỹ dùng máy bay chiến lược B52 muốn biến Việt Nam quay về thời kỳ đồ đá, xem ra cũng có lý.

Chưa hết, dân quê Bạc Liêu còn chịu đựng những trận càn quét để đánh vào căn cứ cách mạng. Đó là những cuộc càn quét với quy mô lớn cấp  tiểu đoàn, có xe lội nước, tàu chiến, đại bác, trực thăng yểm trợ và thời gian kéo dài đến 2 tháng.

Những cuộc càn quét ấy đã chà đi sát lại vùng Long Thạnh, Long Điền, Phong Thạnh, Ông Nam, Vàm Lẽo… của Bạc Liêu. Có ngày hơn 100 người bị giết, như cuộc càn ở Long Điền năm 1967, ở Minh Diệu năm 1963… những người sống sót kể lại rằng, sau khi chạy bỏ xóm làng, 4 ngày sau họ quay về thấy thây người cùng với thú vật chết trương sình rải khắp thôn xóm. Trong đó chỉ có hơn 10 du kích xã, số còn lại toàn là thường dân, hằng ngày chỉ biết đi nhổ mạ, cấy lúa.

Những cuộc càn quét ấy là để truy lùng Cộng sản và cũng để lùa dân ra ấp chiến lược. Số liệu trong lịch sử quân sự địa phương là có lúc chính quyền Sài Gòn gom dân nông thôn ra thành thị và trục lộ 4 (Quốc lộ 1A ngày nay) đến 80%. Dân không thể không đi vì những cuộc càn ấy đã đốt nhà, bắt hết heo gà, hãm hiếp phụ nữ. Thế cho nên thời đó dân nông thôn một số vùng gọi lực lượng Việt Nam Cộng hòa là “Đại đội heo”.

Năm 1970, chính quyền Sài Gòn bắt dân xóm Bờ Xáng chúng tôi phải qua ấp Tân Sinh (Tân Sinh là tên gọi mới áp dụng cho các ấp chiến lược, ra đời từ phong trào gom dân lập ấp của chế độ Việt Nam Cộng hòa, theo ý nghĩa ấp đời sống mới), Cả Vĩnh mà ở, chỉ cách một con sông. Và họ thông báo rằng ấp Bờ Xáng trở thành vùng “xạ kích tự do”. Đã là vùng “xạ kích tự do” thì Việt Nam Cộng hòa không chịu trách nhiệm về nhân mạng con người, dù chết do bất kỳ lý do nào. Ba tôi hỏi đất bác Lục Nguyên (ông là người Khmer, có đi tu nên gọi là ông Lục) che chòi ở tạm.

Cũng lúc này, dân Vàm Lẽo, Ông Nam, Hoàng Ba, Chợ Kinh, Tân Quy (thuộc Sóc Trăng ngày nay)… lũ lượt bồng chống gia đình cùng vật dụng xuống xuồng ghe chạy vào xóm tôi và các làng xóm ven sông Bạc Liêu cũng như vào đô thị Bạc Liêu lánh nạn chiến tranh. Lúc này chiến sự lên đến đỉnh điểm ở khắp các vùng giải phóng. Dân không thể sống nổi nữa nên họ đi tản cư. Có lúc cả xóm Ông Nam chỉ còn một căn nhà. Ở xóm Cả Vĩnh người tản cư vào ở rất đông, đó là một đời sống tạm bợ đầy khó khăn, với những căn chòi lá nhỏ xíu, ngày ngày hai bữa cơm rau cháo vì đời sống nông dân mà mất ruộng vườn, nhà cửa.

Toàn vùng Bạc Liêu lúc ấy là một cuộc xáo trộn xã hội rất lớn của làn sóng dân nông thôn chạy vào thị xã, thị tứ mà người đương thời gọi là đi tản cư. Sau đó là bao nhiêu nỗi đau, nỗi nhục ê chề xảy ra. Những nàng thôn nữ diệu hiền bị xã hội và cuộc sống khó khăn gài bẫy đi làm Sở Mỹ, rồi làm gái, những anh thanh niên hiền lành biết nghề cắm câu, giăng lưới nhập băng bụi đời hoặc bị bắt lính, mang súng quay về bắn vào nông thôn…

Gia đình tôi đi tản cư gần nên đỡ khổ hơn nhiều gia đình nói trên. Sáng sáng ba má tôi bơi xuồng qua sông là về nhà cũ để làm ruộng, rẫy. Hễ có động tĩnh thì chui xuống hầm. Từ năm 1963 cho đến năm 1975, nông thôn Bạc Liêu hầu như nhà nào cũng có một căn hầm tránh pháo. Đó là một thứ hầm đắp đất xung quanh dày cả mét, chỉ chừa cái miệng để chui vào bò ra. Trên nắp hầm người ta gác những cây to, rồi đắp đất, chất trấu lên để tránh bom, pháo. Thật ra, những loại hầm này chỉ tránh được “đạn nhọn” thôi, chứ bom 500kg hoặc pháo 105mm mà rớt trúng thì kể như chết cả gia đình. Làng tôi đã có nhiều trường hợp như thế.

Hồi đó ba - bốn tuổi tôi đã biết ngủ hầm. Đó là một quãng thời thơ ấu dài lê thê. Căn hầm đã chật chội, chỉ khoảng 3 - 4m2 mà phải nhét trong đó cả một gia đình. Thế là không gian bức bối thiếu không khí đến nghẹt thở. Đã thế mà ba tôi còn lấy cái bao bố tời, đổ trấu vào ép cho chặt đầy kín cửa hầm vì sợ mảnh pháo và cả rắn bò vào.

Cứ chạng vạng tối, cơm nước xong là má lùa anh em tôi vào hầm như lùa vịt vào chuồng. Má tôi bị thần kinh rồi, chiến tranh chết chóc đã đày đọa tinh thần bà, lúc nào bà cũng nơm nớp lo sợ ở ngoài hầm thì đạn pháo bắn trúng. Kể ra đời mấy con vịt còn sướng hơn đời chúng tôi, chuồng vịt thì quang đãng, thoáng khí, còn căn hầm chúng tôi tránh pháo vừa chui vào là mồ hôi vã ra như tắm. Chúng tôi ngủ trần truồng mà nóng nực không chịu nổi, rồi ghẻ lở khắp người. Giấc ngủ tuổi thơ thời đó là những giấc ngủ chập chờn nhiều ác mộng. Thiếu vắng những giấc mơ đẹp. Và chúng tôi từ đó lớn lên, tâm hồn héo hon như thể chất của mình. Tôi khao khát một ngày má tôi đi xóm, để tôi ra ngoài ngủ một đêm trên chiếc giường tre, có gió đông về mơn man vỗ về giấc ngủ.

Ngủ hầm như thế nhưng cái chết vẫn tìm đến, năm 1967, gia đình chị Năm (lâu rồi tôi không nhớ tên) từ Vàm Lẽo tản cư vào xóm tôi rồi cất chòi ở ven kênh Thào Lạng, đêm đó trái pháo rơi trúng nắp hầm giết chết mẹ con của chị. Những năm đầy hãi hùng đó, ở làng tôi thỉnh thoảng sau đợt pháo dập là tiếng khóc rộ lên, dân làng tôi biết rằng pháo đã bắn trúng nắp hầm của nhà ai đó trong xóm, có khi chết cả gia đình 4 - 5 người.

Tôi nhớ năm 1967, tôi và anh Hữu (anh ruột của tôi) cùng ba tôi ra chợ Kinh chở lá về bán, đến đoạn xóm Năm Căn, vào khoảng ba giờ khuya thì cá nhái (trực thăng) soi đêm ra tới. Chúng tôi chèo ghe lủi đại vào bến của một căn nhà tối thui và cũng không có ai ở rồi chui vào hầm tránh pháo của căn nhà ấy. Mệt quá tôi ngủ một giấc, đến sáng ra mới phát hiện đó là nhà anh Tám Cầm, có bà con xa, gọi ba tôi bằng cậu. Hơn 10 ngày trước "Cá nhái" soi đêm đã bắn chết chị Tám Cầm, ngay căn hầm này, vết máu còn loang lổ dưới đáy hầm. Hoảng hồn, tôi và anh Hữu chui ra thì thấy giữa nhà cái bàn thờ tang của chị Tám lạnh tanh nhang khói. Có lẽ anh Tám và sấp nhỏ đã bỏ cái bàn thờ tang mà đi chạy giặc rồi.

Nhìn cái nhà có chiếc bàn thờ hoang lạnh, ba tôi đến thắp cho chị Tám một nén nhang rồi ông đứng khóc. Có lẽ ba tôi khóc vì cảm thương hương hồn lạnh lẽo của chị Tám và ông cũng khóc vì quê hương đất nước đau thương giặc dã của mình.

Chiến tranh có những điều rất kinh khủng, nhà tôi ở cặp sông Bạc Liêu, cứ năm ba bữa là thấy một xác chết trôi sông, tay chân quỳnh quàng, trương sình. Không biết họ là người của bên này hay bên kia, hay đó cũng có thể là dân thường, chỉ biết rằng họ đã rơi vào hoàn cảnh “trôi sông lạc chợ”. Cảm thương họ, mấy ông già xóm tôi bơi xuồng ra vớt rồi bó chiếu mà chôn ở khu đất hoang có tên gọi là Đầu Vàm Cả Vĩnh. Đó là một đoạn sông hoang vắng đôi bờ là voi vịnh, bần mắm mọc thành rừng hoang và đứng trút đầu như mặc niệm những sinh linh uổng tử. Chôn riết rồi Đầu Vàm Cả Vĩnh thành cái nghĩa địa. Ở đó có mồ mả sơ xài hoang lạnh nhưng không có bia mộ ghi tạc tên người vì thế không biết người dưới mộ bản quán nơi đâu. Hồi đó, cái nghĩa địa hoang ấy là nổi kinh hoàng của bọn trẻ chúng tôi. Còn giờ đây, ngồi nhớ lại, tâm trạng tôi đau đớn, rồi bật lên một tiếng lòng: Ôi đất nước điêu linh, con dân lạc loài...

Hồi tôi tám tuổi, nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ như in. Đó là một buổi sớm mai của ngày 14/7/1968. Một chiếc ghe chở mía, cóc, khoai lang... cập bến nhà anh Tư Đẩu, ở cạnh nhà tôi, rồi tiếng khóc rộ lên vang động cả xóm. Trên mớ hàng bông của chiếc ghe được đậy một tấm cao su, dưới lớp cao su lòi ra những cái tay, cái chân cong queo và đầy máu, dưới đáy ghe cũng đục ngầu máu đỏ. Số là vợ chồng thằng Năm Dửng (bà con gọi tôi bằng chú) con anh Tư Đẩu đi lên vùng trên chở hàng về bán cho người ta mua thí vàng rằm tháng 7. Khi về đến ngã ba Vàm Lẽo thì bị một trái pháo từ chợ Bạc Liêu bắn ra, trúng ngay chiếc ghe, làm chết hai vợ chồng Năm Dửng và hai đứa con 6 - 7 tuổi, Tôi nhìn cái cảnh tang thương ấy rồi tôi sợ, sợ cả máu người nên 5 - 7 năm sau tôi không dám ăn mía, cóc, khoai lang... nữa.

Qua ngày sau, chôn cất vợ chồng Năm Dửng xong, là ngày rằm tháng 7, đó là buổi chiều chạng vạng, từ phía bên kia sông, tiếng anh Bảy Học (cũng bà con, gọi ba tôi bằng cậu, từ ngoài Năm Căn chạy vào) hét vọng sang cửa nhà tôi: “Cậu Sáu ơi, cậu Sáu Phước ơi, con gái cậu bị máy bay phóng pháo chết rồi”. Cả nhà tôi chưng hửng rồi hoảng loạn, rồi tiếng khóc thét lên. Má tôi thờ thẫn vô hồn rồi nói với ba tôi trong vô thức “Không lẽ con Nhạc mình nó chết hả ông?” và sau đó thì chị Hai tôi chết thật, chị chết lúc mười bảy tuổi. Chị Hai tôi đẹp lắm, da trắng hồng, mái tóc vàng tự nhiên bồng bềnh, chị hiền lắm, lúc đó cũng chưa biết “sửa soạn” gì cả. Quanh năm suốt tháng chị chỉ bồng em chẻ củi nấu cơm. Thời gian rảnh chị xuống bãi sông Bạc Liêu mà thụt cá bống sao và bắt chem chép. Má tôi đi chợ về mua một cây mía, chặt ra, chia đều cho mỗi đứa một khúc, phần của chị chị không ăn mà đến tối vào buồng ngủ chị chặt chia cho tôi với con Diệu (em ruột tôi).

Những đêm ngủ hầm, chị cứ ngồi quạt cho hai đứa em bằng cây quạt do chị chầm từ lá dừa nước. Chị quạt cho đến khi mòn mỏi, ngủ gà ngủ gật thì thôi. Người đi cưới chị là anh Hai Bao, ở xóm Năm Căn. Anh cũng nghèo, nhưng được cái là con một. Ba má tôi gả chị với một hy vọng cho tấm thân chị được sung sướng một chút. Anh Hai cưới chị mới có bốn tháng thì chị chết. Đó là một cái chết không toàn thây, chị lãnh nguyên trái pháo từ con đầm già L19 ngày ngày lượn lờ ven sông Bạc Liêu. Ba tôi chết điếng, má tôi ngất xỉu khi xem mặt con gái lần cuối. Mái tóc bồng bềnh của chị cháy hết, tay chân thì gãy từng khúc. Khuôn mặt rất trẻ thơ của chị vẫn còn hằn lên nỗi kinh hoàng.

Vậy là chị tôi đã thật sự ra đi, sau khi thực hiện một kiếp đời quá nhọc nhằn và cũng quá ngắn ngủi.

Kính thưa bạn đọc, cho tôi “nói thêm” đoạn này, cách đây hơn hai mươi năm, một lần tôi được một ông bạn mời đi ăn tân gia ở phường 3, thành phố Bạc Liêu. Trong bàn của tôi hôm đó có một ông già hơn 70 tuổi, người mập mạp, tôi được giới thiệu ông là Việt kiều Mỹ mới về và rằng trước đây ông từng là đại úy phi công của chính quyền Sài Gòn - đại úy Lợi. Ông ngồi gần tôi bắt chuyện. Ông hỏi tôi quê ở đâu? Tôi đáp: “Ở ấp Bờ Xáng, nằm trên bờ sông Bạc Liêu”. Ông bảo: “Thời chiến tranh, tôi lái L19, hay bay ra tuyến ấy”. Tâm thần tôi trở nên bấn loạn. Máu tôi sôi lên đến cổ, tôi có thể nhai ngấu nghiến ai đó. Nhưng tôi đã kịp dằn lòng. Và tôi chỉ nói với đại úy Lợi một câu, bằng giọng đầy chua chát đau đớn: “Tôi có một người chị ruột, chết năm 1968, do phi pháo của chiếc L19 thường bay theo triền sông Bạc Liêu”. Câu nói của tôi đáng sợ như một nhát dao, nó làm mặt đại úy Lợi xanh mét. Ông ta đứng dậy nói lặp cập: “Xin lỗi, xin lỗi…” rồi biến mất. Sau đó tôi chỉ còn ngồi mà đau mà chua chát. Thế là hết, chuyện đời có lúc đơn giản đến thật lạ, đến ta chỉ còn biết ngồi mà ứa nước mắt.

Rồi ngày 30/4/1975 đến. Đó là ngày kết thúc chiến tranh ở miền Nam. Lúc đó tôi 15 tuổi và tôi nhớ trời miền Nam hai mùa mưa nắng đã xuất hiện con mưa đầu mùa. Dân quê tôi gọi đám mưa đầu mùa này là mùa sa mưa. Những đám mưa ấy nó làm mát dịu những xóm làng, những cánh đồng trong thời kỳ nắng cao điểm, cuối mùa trời như lửa đốt. Ba má tôi và nhiều cô bác ở làng tôi đi trong mưa kéo vào chợ Bạc Liêu vừa được giải phóng. Lẫn trong nước mưa là nước mắt của họ. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của những người thập thò bước chân vào đời sống hòa bình của những người trải qua một cuộc chiến tranh rất dài.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Thêm 3 CLB bị loại khỏi Champions League

Ở lượt đấu mới nhất của vòng phân hạng Champions League 2024-2025 vào rạng sáng 23/1, thêm 3 CLB chắc chắn bị loại sau vòng này là Sparta Prague, Girona và Salzburg.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất