| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 11/03/2021 , 13:31 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 13:31 - 11/03/2021

Hội chứng sân bay, liệu có thoát lỗ?

Trong số 22 sân bay do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và khai thác (không kể sân bay Vân Đồn), chỉ có 6 sân bay là có lãi.

Cụ thể các sân bay có lãi là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Liên Khương (Lâm Đồng), Phú Bài (Thừa Thiên-Huế). 16 sân bay còn lại đều lỗ, số lượng hành khách thấp hơn mức thiết kế. Có chuyến bay, chi phí hết 12,8 triệu đồng nhưng thu chỉ được 3 triệu…

Điển hình nhất là Cảng hàng không Cần Thơ. Sau khi được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế, cả hai hãng Vietnam Airlines (VNA) và Jetstar Pacific (JPA) đều cùng lúc khai trương đường bay Hà Nội- Cần Thơ.

Nhưng chỉ vài tháng sau, JPA đã phải “bỏ của chạy lấy người”, ngừng khai thác đường bay này, còn VNA thì giảm tần suất khai thác và phải đổi sang máy bay loại nhỏ mới cầm cự được.

Thế nhưng lại có một nghịch lý đang diễn ra như một hội chứng. Đó là rất nhiều tỉnh như Bình Phước, Ninh Bình, Bắc Giang, Ninh Thuận, Hà Tĩnh… tỉnh nào cũng đề xuất xin được xây sân bay khi tham gia góp ý cho dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không toàn quốc từ năm 2021 đến 2030.

Theo các chuyên gia về hàng không và cảng hàng không, thì mục đích của các tỉnh khi đề xuất xây dựng cảng hàng không ở tỉnh mình là để tăng thêm khả năng phát triển kinh tế và an ninh.

Nhưng đề xuất là một chuyện, còn muốn khẳng định tỉnh nào cần có Cảng hàng không cũng như để có một hệ thống cảng hàng không đồng bộ trên cả nước, thì cần căn cứ vào rất nhiều tiêu chí như kinh tế, chính trị, xã hội, nhu cầu đi lại của dân… Tổng cộng 27 tiêu chí, để xem xét.

Việc bổ sung một cảng hàng không vào quy hoạch cũng chỉ được cân nhắc khi có nhu cầu, mà nhu cầu thì phải căn cứ vào vùng lãnh thổ , vùng dân cư.

Về đề xuất của các tỉnh nói trên, xét về vùng lãnh thổ và vùng dân cư, có thể nói đó là những vùng hẹp, lại khá gần các cảng hàng không lớn, ví như Bắc Giang chẳng hạn, chỉ cách Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vài chục km tương tự Hà Tĩnh cũng chỉ cách Cảng hàng không của Nghệ An vài chục km.

Vì vậy nếu làm Cảng hàng không xong mà nhu cầu đi lại của dân không đáng kể, thì lỗ là điều cầm chắc. Mục đích làm Cảng hàng không để phát triển kinh tế không những không đạt được, mà trái lại, tỉnh còn phải oằn lưng gánh lỗ.

Về quy hoạch cảng, chúng ta đã có bài học lớn, nhãn tiền về quy hoạch cảng biển. Số lượng tuy nhiều nhưng thiếu đầu tư trọng điểm, khiến không có cảng xứng tầm. Nay nếu để hội chứng Cảng hàng không trở thành hiện thực, thì sự sai lầm về quy hoạch cảng biển sẽ có nguy cơ lại lặp lại. Rất nhiều sân bay, nhưng sẽ có rất nhiều sân bay bị lỗ đến phải ngừng khai thác.