| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai diễn ra tại Quảng Ninh

Thứ Năm 05/10/2023 , 10:17 (GMT+7)

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần này do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Quảng Ninh sẽ thông qua tuyên bố và nhiều biên bản quan trọng.

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) diễn ra tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 8 - 13/10/2023. Ảnh: PT.

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) diễn ra tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 8 - 13/10/2023. Ảnh: PT.

Năm 2023, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), lựa chọn chủ đề cho hợp tác khu vực trong lĩnh vực là “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu - ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”.

Từ ngày 8 - 13/10/2023, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và các phiên họp liên quan của ACDM.

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và các hoạt động liên quan có sự tham dự của hơn 60 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA), các đối tác phát triển của ASEAN (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số tổ chức quốc tế trong khu vực. Đông Timor tham dự với vai trò quan sát viên tại hội nghị.

Ngoài ra, sự kiện trong tuần họp còn có sự tham dự của đại diện một số Bộ cơ quan, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai; Lãnh đạo và cán bộ các đơn vị chuyên môn của Bộ NN-PTNT.

Theo dự kiến, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 sẽ thông qua “Tuyên bố Hạ Long về Hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN”. Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất xây dựng, góp phần tạo nên dấu ấn trong năm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong quản lý thiên tai.

Bên cạnh đó, các hội nghị, cuộc họp diễn ra trong tuần họp từ 9 - 12/10 sẽ thông qua Biên bản Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11, Hội nghị lần thứ 12 các Bên tham gia Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (Hiệp định AADMER), các cuộc họp AMMDM + Hàn Quốc, AMMDM + Trung Quốc, AMMDM + Nhật Bản.

Hội nghị cũng thông qua Biên bản họp thường niên lần thứ 42, 43 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) các cuộc họp liên quan; Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình công tác Hiệp định AADMER giai đoạn 2021 - 2025, góp phần định hướng cho việc xây dựng tầm nhìn ASEAN về Quản lý thiên tai sau năm 2025 cũng như Chương trình công tác Hiệp định AADMER giai đoạn 2025 - 2030.

Các quốc gia ASEAN sẽ thông qua 'Tuyên bố Hạ Long về Hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN'. Ảnh: PT.

Các quốc gia ASEAN sẽ thông qua “Tuyên bố Hạ Long về Hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN”. Ảnh: PT.

Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, dự báo sẽ phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ. Chính vì vậy, “Quản lý rủi ro thiên tai” là nội dung hợp tác được các quốc gia ASEAN chú trọng từ nhiều năm nay, thông qua nhiều công cụ và cơ chế phối hợp.

Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực và có uy tín cao trong khối ASEAN, trong đó, hợp tác về Quản lý thiên tai là một nội dung hợp tác của ASEAN trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Hiện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) là cơ quan đầu mối tham gia các cơ chế hợp tác khu vực về quản lý thiên tai.

Theo trình tự luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, năm 2023, Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), chủ trì tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11, các phiên họp thường niên của ACDM và tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

Đây vừa trọng trách và cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động dẫn dắt, nâng cao vị thế, thể hiện vai trò trong hợp tác ASEAN về Quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung.

Bên cạnh đó, việc đảm nhận vai trò Chủ tịch sẽ giúp Việt Nam tranh thủ kinh nghiệm, nguồn lực từ các đối tác và cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam và góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN có khả năng chống chịu với thiên tai, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước và khu vực.

Nhằm giới thiệu chuỗi hoạt động trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 và các hoạt động liên quan trong năm Chủ tịch 2023 của Việt Nam, được sự chỉ đạo và cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức buổi Họp báo về chuỗi sự kiện này từ 9h00 - 11h30, thứ Sáu, ngày 06/10/2023 tại khách sạn Mường Thanh Luxury Hạ Long Centre, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tham dự Họp báo có Lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam; Lãnh đạo Sở thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cùng các đơn vị Bộ NN-PTNT. Đặc biệt, là sự tham gia của 60 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tới dự, đưa tin.

Tại buổi Họp báo, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai sẽ giới thiệu Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 và các hoạt động liên quan trong năm Chủ tịch 2023 của Việt Nam. Lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng các đơn vị liên quan sẽ cùng tham gia trả lời câu hỏi của các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự Họp báo.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.