| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 cổ vũ giá trị sáng tạo

Thứ Tư 24/11/2021 , 16:22 (GMT+7)

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 khai mạc sáng 24/11 một lần nữa cổ vũ giá trị sáng tạo để nâng cao tầm vóc của con người Việt Nam hội nhập quốc tế.

Khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 3.

Khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 3.

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 nhận được sự quan tâm của những đồng chí lãnh đạo cấp cao. Không chỉ tham quan triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng còn trực tiếp chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021.

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 là hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba, sau hai hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức vào năm 1946 và 1948. Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 về lĩnh vực văn hóa, hệ thống lại các quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa từ trước đến nay và xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam.

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và bền vững. Văn hóa muốn hòa nhập mà không bị hòa tan, thì mỗi đất nước đều phải xác định rõ ràng vai trò then chốt của văn hóa. Nói cụ thể hơn, văn hóa là bước tiến đầu tiên và cũng là chốt chặn sau cùng cho sự tồn vong của mỗi xứ sở, mỗi dân tộc.

Vẻ đẹp áo dài ở cố đô Huế.

Vẻ đẹp áo dài ở cố đô Huế.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đời sống văn hóa của Việt Nam sau 35 năm đổi mới, vẫn còn nhiều bất cập. Trong đề dẫn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng nghĩa cũng nêu ra những biểu hiện cần khắc phục như yếu kém trong bố trí, sử dụng cán bộ làm văn hóa, có nơi bố trí những người không có chuyên môn, thiếu hiểu biết về văn hóa làm cán bộ lãnh đạo, quản lý văn háo văn nghệ. Vai trò của trí thức, văn nghệ sĩ chưa được quan tâm đúng mức, chưa xác định đúng vị thế của văn hóa, văn nghệ trong mối quan hệ với chính trị, kinh tế, xã hội. Một điểm hạn chế nữa là ngành văn hóa chưa ban hành được hệ giá trị chuẩn về văn hóa và con người Việt Nam làm cơ sở triển khai trong thực tiễn. 

Bên cạnh đó, những nhà quản lý văn hóa cũng chưa đề xuất được những giải pháp mang tính đột phá khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ở mức thấp so với khu vực Đông Nam Á. 

Nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống có dấu hiệu xuống cấp, mai một, biến dạng, chưa có giải pháp hữu hiệu giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Văn học nghệ thuật thiếu vắng những tác phẩm lớn. Nhập siêu văn hóa kéo dài, mức đầu tư cho văn hóa đối ngoại còn thấp. Đặc biệt, môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp, tính cộng đồng làng xã suy giảm, quan hệ xã hội đôi khi mang tính thực dụng, vụ lợi. 

Từ sự lúng túng về văn hóa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, thu vén lợi ích cá nhân, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học hàm, học vị, lợi ích nhóm… còn xảy ra ở nhiều nơi. Doanh nghiệp gian lận thương mại, làm tổn hại tới cả sức khỏe và sinh mạng con người. Không ít đảng viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống”.

Văn hóa Việt Nam đang đứng trước không ít dấu hiệu cam go. Để chấn hưng văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng kiến nghị “tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa”.

Văn hóa Tây Nguyên luôn thu hút du khách quốc tế. 

Văn hóa Tây Nguyên luôn thu hút du khách quốc tế. 

Cổ vũ giá trị sáng tạo vì một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, không phải là trách nhiệm của riêng ai. Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho rằng: “Cơ hội phát triển văn hóa chưa nhiều, và thách thức mỗi ngày thêm nghiêm trọng. Cần nhớ rằng, văn hóa là một quá trình chọn lọc, kết tinh để thành những tinh hoa và hệ thống những tinh hoa ấy nói lên lịch sử sáng tạo của dân tộc. Đó chính là truyền thống văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc. Vì văn hóa là một thành tố của xã hội, nên khi xã hội biến đổi, tất nhiên sẽ có những yếu tố không còn thích hợp nữa và mất đi. Nhưng không vì thế mà ta mải mê cải tiến, chỉnh lý, nâng cao các giá trị truyền thống. Phải phát triển văn hóa theo nhu cầu của xã hội hiện nay, nhưng mặt khác cũng phải chú ý giữ gìn các giá trị tinh hoa như nó đã có, thì chúng ta mới có truyền thống được. Văn hóa truyền thống sẽ phải khẳng định vị trí của mình trong đời sống hiện đại bằng giá trị văn hóa và nghệ thuật”.

Một trong những sự chờ đợi của xã hội đối với công cuộc thúc đẩy văn hóa Việt Nam chính là đội ngũ văn nghệ sĩ. Kế thừa văn hóa đã không dễ, mà sáng tạo càng khó hơn trong bối cảnh bủa vây những trào lưu giải trí từ nước ngoài. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phan Xuân Biên băn khoắn: “Văn học – nghệ thuật là bộ phận quan trọng của văn hóa, có chức năng nhận thức, giáo dục thẩm mỹ, giải trí, giao tiếp, tổ chức và điều chỉnh xã hội, tác động đến tâm hồn, tình cảm của con người, góp phần hình thành phẩm chất, phát triển nhân cách. Trong thời gian qua, số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật không ít, song còn ít tác phẩm có giá trị cao, sâu sắc về tư tưởng và nghệ thuật.

Khuynh hướng văn học nghệ thuật giải trí, sính ngoại, bắt chước, thậm chí nghiêng về khai thác mặt tiêu cực, “cái tôi” nhỏ mọn, hạ thấp chức năng giáo dục tư tưởng và thuần mỹ, ngày càng phổ biến. Có người cầm bút đã có tiếng tăm nay lại bỏ công sức khai thác những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống thường ngày lấy đòi hỏi tầm thường của cá nhân mình làm nguồn cảm hứng cho sáng tạo. Một số văn nghệ sĩ đăng tải những tác phẩm bôi đen hiện thực cuộc sống, thậm chí lật lại vấn đề lịch sử với góc nhìn phiến diện, chủ quan, ác ý”.

Biểu tượng đờn ca tài tử ở Nam bộ.

Biểu tượng đờn ca tài tử ở Nam bộ.

Tinh thần sáng tạo cho văn hóa cũng là điều thao thức của giới viết lách. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: “Có thể nói rằng, các văn nghệ sĩ là những người khám phá và kết tinh những vẻ đẹp của đời sống thường nhật, tạo dựng thành những vẻ đẹp văn hóa. Chúng ta đang bàn về văn hóa của dân tộc và cần hiểu một cách sâu sắc rằng văn hóa không phải là một giá trị bất động mà luôn chuyển động qua mọi thời đại để cộng vào nó những giá trị mới.

Chính vì vậy, sứ mệnh của văn nghệ sĩ vô cùng quan trọng. Lực lượng này không những là những người lưu giữ, truyền bá những vẻ đẹp văn hóa truyền thống mà còn là những người làm ra những vẻ đẹp mới cho văn hóa dân tộc”.

Trên hành trình cổ vũ giá trị sáng tạo để bồi đắp văn hóa Việt Nam, làm sao để có được những tác phẩm tương xứng với ý chí và vẻ đẹp con người Việt Nam? Tiến sĩ Phan Hồng Giang chia sẻ: “Nếu chúng ta không coi phải có giá trị ngang tầm “Truyện Kiều” mới được gọi là “tác phẩm lớn” thì có thể vì các lý do khác nhau ta cũng đã lãng phí bỏ qua một số tác phẩm hay mà động chạm tới đề tài gọi là "nhạy cảm" vì đánh giá hiện thực không theo lối mòn truyền thống, hoặc vì bức tranh hiện thực được/ bị vẽ ra với hơi nhiều gam mầu xám?

Để khắc phục tình trạng khắt khe quá mức trong đánh giá tác phẩm, cần phải khẳng định lại một lần nữa nguyên tắc đúng đắn: “Tự do sáng tác phải đi đôi với tự do phê bình" đã được chỉ ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật tháng 11/1987”.

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Messi và Ronaldo vắng tên trong đội hình hay nhất năm của thế giới

2 ngôi sao nổi tiếng không có tên trong danh sách đội hình hay nhất năm 2024 của bóng đá thế giới.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.