Thị trấn quê tôi bé như bàn tay. Và con đường chạy dọc ven con sông có dòng chảy ngược từ đông sang tây cũng vậy. Ở đấy có quán cà phê thoáng rộng, bài trí đơn sơ nhưng hài hòa với cảnh quan bên ngoài. Quán chỉ mở nhạc Trịnh Công Sơn với âm lượng vừa phải, không quá lớn cũng không quá nhỏ. Tôi gọi đó là quán cà phê người già bởi giới trẻ chẳng bén mảng tới.
Mỗi lần từ phố thị về quê thăm chơi, tôi thường hay ghé quán cà phê người già để gặp gỡ trò chuyện với ông bạn hưu trí. Không cần í ới gọi điện thoại. Từ ngày nghỉ hưu, hầu như sáng nào ông bạn hưu trí cũng có mặt ở quán cà phê người già, ngồi ở chiếc bàn con có khoảng trống nhìn ra sông. Quán khá đông khách. Họ đang bàn tán về cô bé nào đó ở quê tôi không chịu đăng ký dự thi hoa khôi thanh lịch. Nếu tham gia, chắc chắn cô bé sẽ là người đội vương miện lên đầu. Bởi cô bé đang học năm cuối bậc phổ thông trung học, có dáng vóc cao ráo, đẹp người đẹp nết, lại học hành giỏi giang…
Đề tài bàn luận giữa tôi với ông bạn hưu trí tại quán cà phê người già là hội thi sắc đẹp ngày xưa và ngày nay. Ngày xưa nhưng cũng chưa xa, chỉ cách đây vài chục năm thôi. Hồi ấy, vào năm 1988, Báo Tiền Phong - tờ báo dành cho tuổi trẻ, tổ chức cuộc thi sắc đẹp lần đầu tiên với quy mô cả nước: Hoa hậu Toàn quốc Báo Tiền Phong. Từ đấy, cứ hai năm một lần, Báo Tiền Phong lại tổ chức cuộc thi sắc đẹp với tên gọi Hoa hậu Việt Nam. Ông bạn hưu trí bảo: “Cuộc thi sắc đẹp nhằm tuyển chọn hoa khôi, hoa hậu là ngày hội của giới trẻ, vì thế gọi chung là hội thi sắc đẹp ở các vùng miền và cả nước. Trước đây, hội thi sắc đẹp để vinh danh những người đẹp có khuôn mặt khả ái, có vóc dáng tuyệt hảo, có trí tuệ vượt trội, có tấm lòng nhân ái, biết quan tâm chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh, kém may mắn trong cộng đồng. Thế nên, mỗi lần tổ chức hội thi sắc đẹp được truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia đã thu hút đông đảo mọi người lớn bé trẻ già ngồi trước màn hình dự khán. Còn bây giờ tất cả đã nhuốm màu kim tiền khiến những cô gái đẹp người đẹp nết thờ ơ với hội thi sắc đẹp, công chúng cũng không còn háo hức đón xem “sự kiện” ấy như một thời đã qua”.
Nhấp ngụm cà phê, tôi cười nói với ông bạn hưu trí: “Ông hiểu sâu biết rộng về hội thi sắc đẹp, hẳn là ông chịu khó theo dõi từ lâu, đúng không?”. Ông bạn hưu trí cũng cười bảo: “Đọc báo để nắm tình hình thời sự xã hội, mình thấy các hội thi sắc đẹp ngày càng biến tướng đến mức hỗn loạn. Nhất là mấy năm gần đây, hội thi sắc đẹp không nhằm mục đích vinh danh người đẹp mà nhằm mục đích kinh doanh người đẹp dưới nhiều dạng thức khác nhau”.
Câu chuyện giữa tôi với ông bạn hưu trí không ngờ lại thu hút sự quan tâm của những người ngồi ở bàn bên cạnh. Họ bảo rằng, chẳng dám vơ đũa cả nắm, nhưng thực tế cho thấy không ít hội thi sắc đẹp là chốn làm tiền trên thân xác những Eva. Bầu sô đầu tư trang phục cho các thí sinh dự thi, hẳn nhiên họ phải được gì sau đó, bởi ở đời không ai cho không biếu không ai thứ già cả! Ban Tổ chức cũng thế! Còn thí sinh? Khi được vinh danh và đội vương miện lên đầu, họ sẽ có một danh phận khác, một cuộc sống khác, một giai tầng khác. Cho nên, không ít thí sinh cùng với bầu sô tìm cách “đi đêm” nhằm đạt được mục đích của mình. Có những trường hợp trót lọt. Nhưng cũng có những trường hợp không xuôi chèo mát mái để lại những tai tiếng ì xèo, khiến thiên hạ lắc đầu ngán ngẩm…
Như nấm mọc sau mưa, hội thi sắc đẹp ngày càng nở rộ.
Năm 2022, ở cấp quốc gia có cả mớ cuộc thi dành cho phái đẹp, từ độ tuổi mười tám đôi mươi đến độ tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, “ngũ thập tri thiên mệnh” (dân gian gọi nôm na là độ tuổi sồn sồn). Nào Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Biển đảo Việt Nam, Hoa hậu Quý bà Việt Nam… Hình như việc giới hạn ở trong nước không làm cho “sự kiện” nổi đình nổi đám nên các nhà tổ chức hội thi sắc đẹp không ngần ngại mở rộng ra tầm khu vực và thế giới. Hàng loạt cuộc thi hoa hậu với những tên gọi nghe rổn rảng ngân vang được tổ chức: Hoa hậu Doanh nhân châu Á Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam Quốc tế, Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên hợp quốc Việt Nam, Hoa hậu Duyên dáng Hoàn vũ, Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu…
Ông bạn hưu trí bảo với tôi: “Các cuộc thi hoa hậu quý bà, theo tôi, là sự xúc phạm quý bà dự thi. Họ đã ở độ tuổi “sồn la sồn”, khóe mắt đã rạn chân chim, gương mặt đã lốm đốm tàn nhan, da dẻ không còn căng mịn mà nhăn nheo, dẫu có trát phấn tô son thật dày cũng chẳng đánh lừa được ai! Cổ nhân có câu: “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa che lại”. Qua tuổi thanh xuân, quý bà bị lão hóa hình thể vóc dáng là quy luật của muôn đời, không nên phô phang trước bao người. Các nhà tổ chức không hiểu (hay cố tình không hiểu?) điều đó, thành ra các cuộc thi hoa hậu quý bà hóa thành đề tài mua vui cho thiên hạ…”.
Được các nhà tổ chức hội thi sắc đẹp gắn “mác” hoa khôi, hoa hậu, á hậu, nữ hoàng, người có gương mặt đẹp nhất, người có mái tóc đẹp nhất, người có làn da đẹp nhất, người có nụ cười đẹp nhất… các người đẹp nhanh chóng thay đổi danh phận. Ngay cả những người đẹp “trắng tay” không có danh hiệu gì nhưng lọt vào top 5, top 10, top 15, top 20…, họ cũng được cộng đồng chào đón với sự ngưỡng mộ chân tình. “Nếu mọi chuyện như thế sẽ chẳng có gì để thiên hạ phải luận bàn râm ran. Bởi đằng sau ánh hào quang là khoảng tối mênh mông không mấy ai biết rõ…”.
Ông bạn hưu trí trầm giọng nói. “Hội thi sắc đẹp thực ra là những cuộc tuyển chọn chân dài cho các đại gia và giúp quý bà tạo mối quan hệ với những vị chức sắc “có máu mặt” ở các cấp, các ngành, các địa phương để làm ăn”. Ông bạn ngồi ở bàn bên cạnh góp lời. Tôi ngẫm nghĩ thấy chẳng sai tý nào nhưng vẫn phản biện nhằm minh định về “sự kiện” luôn thu hút sự quan tâm của báo giới. Ông bạn hưu trí nói: “Ông thử truy tìm xem có người đẹp nào sau khi đăng quang lấy chồng không thuộc tầng lớp giàu có nứt đố đổ vách trong xã hội?”. Ông bạn ngồi ở bàn bên cạnh phụ họa: “Còn các quý bà hầu hết là những người thành đạt, họ muốn thông qua hội thi sắc đẹp để quảng bá về bản thân, về doanh nghiệp do họ làm chủ với mục đích gì thì ai cũng biết cả!”.
Là “tỷ phú thời gian” nên hội thi sắc đẹp được mọi người sôi nổ luận bàn.
Khoảng trống phía sau ánh hào quang là đề tài được ông bạn hưu trí và mấy ông bạn mới quen ở bàn bên cạnh hào hứng tham gia. Tôi im lặng lắng nghe. Không ít quý bà sau khi đăng quang và giành được các thứ hạng cao trong các hội thi sắc đẹp đã lợi dụng nó để trục lợi, làm giàu bất chính. Có người lừa đảo. Có người buôn gian bán lận. Có người nhờ cậy các mối quan hệ với những vị chức sắc “có máu mặt”, môi giới thực hiện các “dự án ma” và rồi sau đó cao chạy xa bay. Cơ quan chức năng đã lôi ra ánh sáng lắm “quý bà đáng kính” như thế… Còn các cô gái trẻ đẹp lọt vào top 5, top 10, top 15, top 20… trong các hội thi sắc đẹp lại có không ít người tham gia đường dây “gái gọi cao cấp” để hành nghề bán dâm với giá mỗi lần vạn đô! Điển hình là đường dây “gái gọi cao cấp” do “Tú ông” Lê Hoàng Long chăn dắt, có nhiều người đẹp giành được các thứ hạng cao trong các hội thi sắc đẹp, nhiều người mẫu thời trang, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong giới showbiz.
“Thực tế cho thấy, hội thi sắc đẹp theo thời gian đã biến dạng biến tướng, vinh danh để kinh doanh người đẹp. Đó là thực trạng đáng buồn…”. Ông bạn hưu trí khẽ nén tiếng thở dài. “Không ai có thể đoán biết được các bầu sô, các nhà tổ chức được hưởng lợi gì, thiên hạ chỉ biết họ “lãi to” nên mới tổ chức hội thi liên miên. Năm 2022, có trên bốn mươi hội thi sắc đẹp với nhiều tên gọi khác nhau ở cấp quốc gia. Bình quân cứ mười ngày lại có một hội thi diễn ra…”. Ông bạn ngồi ở bàn bên cạnh nói thêm.
Nhìn con sông quê êm ả xuôi dòng khiến tôi bất chợt nghĩ tới những phận gái bèo dạt mây trôi. Những người đẹp đăng quang và không đăng quang, mười hai bến nước, biết neo đậu đời mình nơi đâu? May mắn, họ gia nhập tầng lớp thượng lưu. Không may mắn, họ trở thành “gái gọi” rồi đeo “lắc bạc” nghỉ dưỡng trong nhà đá. Xét cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của các hội thi sắc đẹp với mục đích vừa vinh danh vừa kinh doanh của những ai đó rất khó gọi thành tên…