Tính đến thời điểm hiện tại, theo Vụ Hợp tác quốc tế, bên cạnh lãnh đạo Bộ NN-PTNT của nước chủ nhà Việt Nam, 9 Bộ trưởng, Thứ trưởng, trưởng ngành của các quốc gia như Thụy Sĩ, Cuba, Campuchia... đã đăng ký dự trực tiếp Hội nghị toàn cầu lần thứ tư Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững.
Cùng với đó, Ban tổ chức đã nhận đăng ký và gửi giấy mời dự sự kiện tại Hà Nội, từ ngày 24 - 28/4, tới hơn 200 đại biểu.
Một số đại biểu của Việt Nam được mời dự hội nghị sắp tới, gồm: Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn; bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ (PGS), Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc...
Cho đến nay, 3 hội nghị toàn cầu đã được tổ chức. Hội nghị toàn cầu lần thứ nhất Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững được tổ chức vào tháng 6/2017 tại Nam Phi. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức vào tháng 2/2019 tại Costa Rica. Hội nghị lần thứ ba được tổ chức trực tuyến vào tháng 11 - 12/2020.
Hội nghị lần thứ tư sẽ xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm, đồng thời thảo luận các giải pháp và đưa ra một loạt khuyến nghị có thể hành động, tập trung vào 4 nhóm vấn đề. Một là, mô hình, kiến trúc toàn cầu về hệ thống lương thực thực phẩm. Hai là, các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương. Ba là, các mô hình tiêu thụ và sản xuất. Bốn là, các phương thức thực hiện.
Ngoài ra, hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, ví dụ điển hình về các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện kế hoạch quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở cấp quốc gia và địa phương, cũng như các sáng kiến của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm (UNFSS).
Tại sự kiện UNFSS 2021, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, lãnh đạo các quốc gia chuyển đổi nông nghiệp và hệ thống lương thực thực phẩm bền vững nhằm giải quyết hài hòa các thách thức đối với an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Theo ông, việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm đóng vai trò trọng tâm trong nỗ lực đạt toàn bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là đối với người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.
Hiện nay chủ đề về an ninh lương thực đang rất được quan tâm và thảo luận tại các diễn đàn song phương, đa phương do bối cảnh bất ổn chính trị, khủng khoảng an ninh lương thực, đứt gẫy chuỗi cung ứng do xung đột Nga - Ukraina và tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam phát huy thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu nông lâm thủy hải sản trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đồng thời góp phần quảng bá thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy ngoại giao nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh lương thực và dinh dưỡng, nông nghiệp xanh, phát thải thấp gắn với phát triển bền vững.
Các quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế trên toàn cầu đã và đang thấy rõ nỗ lực của Việt Nam trong việc phối hợp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Việt Nam dần trở thành thành viên tích cực, đóng góp hiệu quả vào an ninh lương thực, thực phẩm khu vực và thế giới thông qua việc huy động sự tham gia của tất cả tác tác nhân, dựa trên cách tiếp cận toàn cầu, cũng như sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Là nước đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ tư, Việt Nam sẽ có cơ hội chia sẻ với các quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế về những nỗ lực, kết quả và quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam.
Hội nghị được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào quá trình tiếp theo của Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc, với việc rà soát, đánh giá lần đầu tiên được thực hiện vào quý III/2023.
Phiên khai mạc dự kiến tổ chức vào sáng 24/4, kế đó là các phiên họp chuyên đề. Buổi tổng kết của Chương trình SFS cũng như Ủy ban Cố vấn Đa bên (MAC) dự kiến tổ chức vào chiều 27/4 và sáng 28/4.
Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (SFS) là chương trình đối tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng bền vững hơn, thông qua xây dựng năng lực, tạo sức mạnh tổng hợp và tăng cường hợp tác giữa các đối tác ở tất cả các cấp.
Chương trình SFS được khởi động vào tháng 10/2015 do Thụy Sĩ, Costa Rica và WWF chủ trì, với sự hỗ trợ của Ủy ban Cố vấn Đa bên (MAC) cùng 20 thành viên từ 5 nhóm liên quan khác. Từ 2021, Bộ NN-PTNT là thành viên đại diện cho khu vực châu Á, tham gia Ủy ban Cố vấn Đa bên.