Ruộng lúa non ở xã Trung Tiến ngập trắng 4 – 5 ngày dẫn đến hiện tượng dập nát thân lá |
Chỉ tính riêng các huyện ven biển như Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường, đã có hơn 10.000ha bị ngập trắng, không thể nhìn thấy màu xanh của mạ non.
Ông Nguyễn Trí Thiện – Chủ tịch Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy, cho biết: Trong số hơn 13.000ha lúa mùa của hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường, tuổi mạ còn khá non, đang trong giai đoạn bắt đầu bén rễ hồi xanh. Nước nhấn chìm, sức sinh trưởng của mạ sẽ bị ảnh hưởng nặng. Nếu từ nay đến ngày 19/7 trời không có mưa, mở tối đa các cống tiêu (ở thời điểm chân triều thấp) để rút nước khỏi nội đồng thì còn hy vọng. Còn nếu tiếp tục xuất hiện mưa chỉ cần với lưu lượng 60 – 70mm thì chắc chắn không thể cứu lúa được. Bởi từ ngày 19/7 trở đi là bước vào con nước mới, nước sông sẽ dâng cao, không thể mở cống để phục vụ tiêu úng trong nội đồng.
Mấy ngày qua, ông Lương Quang Thanh, nông dân xóm 6, xã Trung Tiến, huyện Xuân Trường bồn chồn như lửa đốt, bởi 6 sào lúa của gia đình mới cấy được 8 ngày thì có 5 ngày ngập trắng trong nước. Khi nhổ lúa non để kiểm tra, lão nông này phát hiện thân và lá đã bị dập nát và ngả màu vàng vì thiếu diệp lục. Đáng buồn là trên đồng ruộng chưa thấy dấu hiệu mực nước sẽ rút trong 1 – 2 ngày tới. Ông Thanh biết chắc hơn nửa mẫu ruộng của mình sẽ mất trắng nên đã lên thị trấn huyện để mua 5kg thóc giống về ngâm ủ, gieo cấy lại từ đầu. “Khu ruộng của gia đình nhà tôi là vàn cao của địa phương rồi. Thế mà lúa còn bị ngập. Vậy thì có nhiều vùng phải ngập tới 30 – 40cm”, ông nói.
|
Theo ông Nguyễn Đình Kính – Chủ tịch Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà: Đáng chú ý, tại các huyện Vụ Bản và Ý Yên, do diện tích mới gieo sạ chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60%) nên khi có mưa lớn, các công ty thủy nông rất vất vả vận hành công trình để bơm tiêu úng. Riêng chi phí tiền điện vận hành máy bơm tiêu trong những ngày qua, mỗi ngày công ty tiêu tốn khoảng 1 tỷ đồng.
Sau khi kiểm tra công tác phòng chống úng ngập cho lúa mùa tại Nam Định và Hà Nam, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng: “Nam Định nói riêng và các tỉnh ĐBSH cần phải khuyến cáo bà con không tổ chức gieo sạ lúa mùa tại các vùng trũng, vùng khó điều tiết nước để giảm nguy cơ thiệt hại sản xuất. Thực tế, có những địa phương ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam) và Vụ Bản (Nam Định), nông dân phải gieo lại 3 – 4 lần trong một vụ mùa. Bên cạnh đó, các công ty cần túc trực tại các công trình thủy lợi 24/24 để phát hiện và giải quyết kịp thời sự cố, tìm mọi giải pháp để rút nước nội đồng cứu lúa.