Theo AP, do khủng hoảng thiếu thuốc men điều trị trong vài ngày qua nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 ở Ấn Độ đã phải chuyển sang các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng và người nhà bệnh nhân đành tự chấp nhận để cứu người thân.
Thậm chí nhiều trường hợp đã phải chấp nhận đặt tiền trước hàng ngàn USD để mua nguồn thuốc trên thị trường chợ đen có giá đắt hơn hàng chục lần, do quốc gia Nam Á bị khủng hoảng thiếu mọi loại vật tư y tế.
Nhiều lò hỏa táng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu củi khô do số người chết tăng ngày một cao. Ước tính mỗi giàn thiêu cho một bệnh nhân qua đời vì coronavirus phải cần từ 300 đến 400 kg củi khô nhưng tại thành phố Surat, mọi người đã bắt đầu phải chặt cả cây tươi rồi sau đó tưới xăng dầu lên giàn hỏa thiêu cháy đúng cách.
Các chuyên gia y tế lo ngại, số ca nhiễm coronavirus trên thực tế ở Ấn Độ có thể cao hơn tới 30 lần, nghĩa là hơn nửa tỷ trường hợp. Số người chết vì Covid-19 hàng ngày của nước này dự kiến tiếp tục tăng cho đến giữa tháng 5 và có thể lên tới 13.000 người/ngày, gấp hơn bốn lần con số hiện tại.
“Ashish Poddar cầm trên tay một túi nước đá đứng đợi bên ngoài một bệnh viện ở thủ đô New Delhi để chờ một tay làm dịch vụ buôn bán chợ đen giao hai loại thuốc cho bố mình- một bệnh nhân đang thở hổn hển nằm trên chiếc cáng bên cạnh. Nhưng thuốc không bao giờ đến, trong khi túi nước đá cũng tan chảy trên tay và người cha 68 tuổi của anh đã qua đời vài giờ sau đó”, theo AP.
Ấn Độ lập kỷ lục toàn cầu về số ca nhiễm Covid-19 hôm thứ Năm với hơn 379.000 ca, càng gây thêm áp lực cho các bệnh viện vốn đã bị quá tải của nước này.
Tiếp đó đến ngày hôm qua (30/4), quốc gia Nam Á tiếp tục ghi nhận con số kỷ lục mới, với 386.693 ca lây nhiễm và nâng tổng số ca mắc coronavirus ở nước này vượt qua con số 18,5 triệu, trong đó có hơn 6 triệu ca trong tháng 4.
Cái chết hiện diện ở khắp nơi, đến nỗi các khu chôn cất tại nhiều thành phố cũng không còn chỗ trống và những giàn hỏa táng luôn rực sáng trong đêm do tình trạng thiếu thuốc men và bình oxy trợ thở, dẫn đến những trường hợp tử vong không đáng có. Ngay tại thủ đô New Delhi- thành phố 29 triệu dân ghi nhận vào sáng thứ Năm, giường bệnh cũng khan hiếm trầm trọng.
Tại nhiều khu vực bên ngoài các điểm nóng chính là New Delhi và Maharashtra, hầu như các bệnh viện ở khắp nơi đều trong tình cảnh tương tự, khi người nhà các bệnh nhân ráo riết đi lùng sục thuốc men và bình oxy.
Kamlesh Sailor, người quản lý lò hỏa táng Kurukshetra ở Surat cho biết, họ đang thiết lập thêm bốn bệ thiêu mới bằng củi tươi kiểu này để bổ sung cho tám giàn thiêu hiện có và năm lò đốt bằng gas đang được sử dụng suốt ngày đêm.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ hôm nay (1/5) chính phủ Ấn Độ sẽ khỏi động chiến dịch tiêm chủng cho tất cả các công dân trên 18 tuổi, có nghĩa là sẽ có thêm khoảng 600 triệu người đủ điều kiện.
Tuy nhiên, trước đó nhiều bang đã cảnh báo rằng họ không có đủ nguồn hàng dự trữ và việc triển khai mở rộng bị đe dọa bởi các cuộc tranh cãi về thủ tục hành chính, mập mờ về giá cả và trục trặc kỹ thuật trên nền tảng vacxin đã được số hóa của chính phủ.
Trung tâm tài chính Mumbai, một trong những thành phố lớn của Ấn Độ đang quay cuồng với làn sóng dịch bệnh mới, cho biết từ tối thứ Năm rằng họ sẽ ngừng tiêm chủng từ thứ Sáu đến Chủ nhật "do không còn vacxin".
Cho đến nay, chỉ những nhân viên “tuyến đầu”, những người trên 45 tuổi và những người đã mắc bệnh ở trong nước mới được tiêm vacxin AstraZeneca hoặc Covaxin cây nhà lá vườn của hãng Bharat Biotech (khoảng 150 triệu mũi tiêm đã được thực hiện, tương đương 11,5% dân số và chỉ có 25 triệu người đã tiêm đủ hai mũi). Tuy nhiên theo ghi nhận, ngay cả chương trình khiêm tốn này hiện cũng đã bị chùn bước.