| Hotline: 0983.970.780

Hơn 6.000 tấn hải sản nuôi ở Cát Bà chờ được 'giải thoát'

Thứ Hai 20/09/2021 , 17:53 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hải Phòng muốn 'giải phóng' nhanh hải sản tồn đọng để tháo dỡ gần 60.000 lồng bè ở Cát Bà. Song việc tiêu thụ hải sản đang 'giậm chân tại chỗ' do tắc đầu ra.

Mới "giải phóng" được chưa tới 1% tổng sản lượng

Vừa qua, TP Hải Phòng đã quyết định hỗ trợ hơn 68 tỷ đồng để tháo dỡ gần 60.000 lồng bè ở Cát Bà, phục vụ cho mục tiêu nâng tầm phát triển du lịch.

Theo đó, Hải Phòng sẽ quy hoạch lại các cơ sở nuôi trồng thủy sản ở khu vực vịnh Trà Báu, vịnh Lan Hạ, vịnh Cát Bà theo hướng giảm dần, tiến tới chấm dứt hẳn nhằm bảo đảm cảnh quan, môi trường, tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ cảnh quan môi trường.

Đây được cho là một trong những phương án để giải bài toán về vướng mắc trong việc di chuyển các lồng bè không phù hợp quy hoạch ra khỏi vịnh Cát Bà và kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, bất cập giữa phát triển nuôi trồng thủy sản với bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường tự nhiên cũng như cảnh quan du lịch.

Hàng nghìn tấn thủy sản ở Cát Bà vẫn đang tắc đầu ra. Ảnh: Đinh Mười.

Hàng nghìn tấn thủy sản ở Cát Bà vẫn đang tắc đầu ra. Ảnh: Đinh Mười.

Bắt tay vào thực hiện, huyện Cát Hải vừa có văn bản gửi các sở ngành liên quan kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong quá trình thực hiện Đề án cắt giảm, di chuyển tháo dỡ cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Bên cạnh đó, UBND huyện Cát Hải giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chủ trì, phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến ngư - Nông nghiệp, Ban quản lý các vịnh thuộc Quần đảo Cát Bà làm đầu mối liên hệ, kết nối giữa các đơn vị thu mua và người dân.

Dù đã có mức hỗ trợ, quy định cụ thể và hỗ trợ của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, nhưng việc tiêu thụ thủy sản cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, khi những chiếc lồng bè đầu tiên sắp phải tháo dỡ theo kế hoạch, lượng thủy sản được bán đi mới chưa tới 1%, số lượng doanh nghiệp đăng ký mua mới được gần 12%%.

“Hiện tại mới bán được 20 tấn, các doanh nghiệp mới đăng ký về lượng, chưa có số liệu cụ thể, chưa nói rõ ngày nào lấy và lấy loại gì, số lượng bao nhiêu. Các doanh nghiệp mới đăng ký được khoảng 700 tấn, huyện đã huy động các kênh liên hệ nhưng số lượng đăng ký không nhiều. Huyện đã làm việc với một số tập đoàn lớn như Sun Group, Vinfast, KCN Đình Vũ, Cảng Hải Phòng… nhưng số lượng chưa được bao nhiêu”, ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết.

Theo UBND huyện Cát Hải, hiện đang có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể đang nuôi, tập trung tại vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, vịnh Trà Báu và vịnh Gia Luận.

Tổng khối lượng sản phẩm cá hiện tại trên vịnh cần hỗ trợ thu mua trên 2.200 tấn, tổng khối lượng nhuyễn thể hơn 4.200 tấn. Theo lộ trình, trong giai đoạn 1 từ nay đến hết năm 2021, huyện Cát Hải sẽ thực hiện tháo dỡ 231 nhà chòi, 3.918 ô lồng, 58.790m² giàn nuôi nhuyễn thể tại các khu vực vịnh Lan Hạ, vịnh Trà Báu.

Cá ế, mỗi tháng mất gần 1 tỷ tiền thức ăn

Tìm hiểu, về cơ bản các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP Hải Phòng đều có tinh thần ủng hộ tiêu thụ thủy sản cho ngư dân ở Cát Bà.

Tuy nhiên, việc này đang gặp khó vì giá thủy sản đang cao hơn nhiều loại cá nước ngọt mà họ vẫn thường sử dụng, thêm vào nhà hàng khách sạn đang đóng cửa do dịch bệnh Covid-19 cũng là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.

Nhiều người dân đã muốn tháo dỡ để trở về đất liền nhưng do chưa bán được thủy sản nên vẫn phải nán lại trông coi. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều người dân đã muốn tháo dỡ để trở về đất liền nhưng do chưa bán được thủy sản nên vẫn phải nán lại trông coi. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Đỗ Văn Toan, chủ một cơ sở nuôi lồng bè đồng thời là đầu nậu thu mua, buôn bán thủy sản lớn ở Cát Bà cho biết, gia đình anh có khoảng 40 tấn thủy sản, dù là đầu mối cung ứng mặt hàng này từ Quảng Ninh cho đến Đà Nẵng hơn 30 năm nay nhưng mấy tháng qua chỉ bán được khoảng 2-3 tấn.

Trong khi đó, hàng trăm hộ dân ở Cát Bà, như hộ ông Nguyễn Đức Cường, Đinh Như Đang, Lê Văn Thạo... nhiều tháng qua không bán được hoặc bán với số lượng rất ít và mỗi tháng có thể mất đến vài trăm triệu tiền thức ăn cho cá, bao gồm cả thức ăn công nghiệp và mồi cá tươi.

“Chúng tôi được giao đi thu mua thủy sản của những hộ dân phải tháo dỡ lồng bè, còn phần đầu ra cơ quan chức năng đã cam kết sẽ hỗ trợ, tuy nhiên vẫn chỉ trên văn bản, chưa vào thực tế. Hiện nay mới có 1 số đơn vị là cơ quan hành chính nhà nước mua hỗ trợ, đơn vị nhiều nhất chỉ có 1 đến 2 tạ, số lượng không nhiều”, anh Toan bộc bạch.

Cũng theo anh Toan, đến nay có khoảng 30% số hộ dân có lồng bè đồng ý tháo dỡ là những hộ đã hết thủy sản hoặc sắp hết, còn những hộ khác thì cơ bản đồng ý chủ trương nhưng do không bán được thủy sản nên phải ở lại trông coi.

Nhiều hộ dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, giá cá xuống thấp, hiện tại đang rất muốn về trong đất liền, tuy nhiên do không bán được cá, việc này đồng nghĩa với việc không tháo được lồng bè và không thể “vứt cá ra biển”.

Ngoài anh Toan, những người có thâm niên kinh doanh thủy sản ở Cát Bà cũng đều “bó tay” trong việc tiêu thụ hơn 6.000 tấn thủy sản cho người dân vào thời điểm dịch Covid-19, có những thương lái bình thường từng tiêu thụ đến hơn 1 nghìn tấn cá trong 2-3 tháng thì thời điểm này cũng gần như “nằm yên”.

Nhiều hộ mỗi tháng mất đến gần 1 tỷ đồng tiền thức ăn cho cá. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều hộ mỗi tháng mất đến gần 1 tỷ đồng tiền thức ăn cho cá. Ảnh: Đinh Mười.

“Trước kia, tôi giao thủy sản từ Đà Nẵng ra đến Quảng Ninh, trung bình trong mùa hè chúng tôi tiêu thụ hàng nghìn tấn thủy sản. Trong điều kiện dịch Covid-19, khách chỉ trả 1 nửa, nếu khách hàng không bán được thì họ sẽ cắm lại. Hàng hóa của chúng tôi gần như đóng băng”, một hộ kinh doanh thủy sản ở Cát Bà tâm tư.

Theo tìm hiểu, mức giá huyện Cát Hải đưa ra đã có bàn bạc kỹ với người nuôi trồng thủy sản và những người kinh doanh nên khá hợp lý nhưng hiện tại người dân và doanh nghiệp còn đắn đo do dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn và người dân không còn thoải mái trong chi tiêu, nên những loài cá đắt tiền, rất khó bán.

Hiện, việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản là bài toán lớn nhất đặt ra với không chỉ huyện Cát Hải mà với các hộ nuôi trồng thủy sản trên vịnh trong quá trình tháo dỡ các ô lồng, bè, thực hiện Nghị quyết 5 của HĐND thành phố Hải Phòng.

Tuy nhiên, với tình hình tiêu thụ thủy sản như hiện tại, công tác tháo dỡ lồng bè theo lộ trình chắc chắn gặp nhiều khó khăn khi lượng thủy sản của các hộ nuôi trồng thủy sản còn rất lớn, chưa tìm được đầu ra.

“Nếu muốn bán nhanh thời điểm này thì không được, giá thấp nhất là cá Sủ khoảng 80 nghìn đồng/kg, cá giò là 140.000 đ/kg. Tôi lo nhất là cá trên 100 nghìn đồng/kg sẽ khó bán cho các khu công nghiệp, vì liên quan đến các suất ăn, hiện tại những bếp ăn tập thể này đang ăn cá nước ngọt với giá chỉ 40.000 đ/kg nên rất khó có khả năng tiêu thụ loại cá cao gấp đôi, gấp 3. Doanh nghiệp muốn ủng hộ Thành phố, nhưng họ cũng phải tính toán về kinh tế”, ông Đinh Như Đang, một hộ đang có khoảng 50 tấn thủy sản buồn rầu cho biết.

Nhiều chủ lồng bè nuôi hải sản tại Cát Bà cho rằng, họ ủng hộ chủ trương của Thành phố về việc tháo dỡ lồng bè để quy hoạch lại vùng nuôi mới.

Tuy nhiên, Thành phố không nên một mực giữ đúng tiến độ triển khai tháo dỡ ngay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hết sức phức tạp, mà cần lùi lại để tạo thuận lợi cho các chủ lồng bè.

Bởi hiện các chủ lồng bè đã khốn khó tứ bề do thị trường tiêu thụ thủy hải sản "đóng băng" bởi dịch bệnh Covid-19.

Xem thêm
Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.