| Hotline: 0983.970.780

Hồn tết quê nghèo

Thứ Năm 10/02/2011 , 10:16 (GMT+7)

Tết quê tôi mang một hương vị và bản sắc văn hóa riêng, mọi người vẫn gọi đó là cái hồn tết quê của người Lệ Thủy (Quảng Bình).

Gói bánh đòn ngày Tết
Sau những ngày bôn ba giữa Sài Gòn hoa lệ, cứ mỗi độ xuân đến dù khốn khổ để kiếm một cái vé xe, tàu về quê nhưng ai cũng mong mỏi, chờ đợi giây phút được đoàn tụ gia đình. Tết quê tôi mang một hương vị và bản sắc văn hóa riêng, mọi người vẫn gọi đó là cái hồn tết quê của người Lệ Thủy (Quảng Bình).

Quê tôi, vùng đất chiêm trũng nằm giữa khúc ruột miền Trung với dòng Kiến Giang hiền hòa, ôm ấp làng quê nghèo. Nơi ấy, từng in đậm bao ký ức tuổi thơ với những buổi chiều rong ruổi cùng đám trẻ chăn trâu đá bóng, thả diều. Trong dòng miên man hồi tưởng, Tết quê lại hiện về như một khoảng trời quê đậm mùi bùn đất và rơm rạ.

Câu chuyện bên bếp lửa

Nhọc nhằn vượt hơn ngàn cây số bằng chiếc xe khách nhét đầy người từ TP HCM về Quảng Bình, gần 2 ngày sau tôi mới về tới nhà. Cái rét căm căm cuối mùa như cứa vào da thịt, từng đợt gió chướng thốc rát mặt. Dọc theo những con đường dẫn vào làng vẫn còn thoang thoảng mùi bùn đất và rêu bèo của trận lũ kép kinh hoàng xảy ra mấy tháng trước. Trên những khuôn mặt khắc khổ của dân làng tôi vẫn còn đọng lại nỗi sợ hãi của “trận đại hồng thủy” năm 2010.

Mỗi năm, mảnh đất này phải gồng mình hứng chịu 3 - 4 trận bão, lũ. Cứ mỗi độ lũ về, tài sản chắt chiu, dành dụm bao năm đều trôi sông, trôi biển, để lại những làng mạc xơ xác, tiêu điều. Lũ chưa kịp rút, gió Lào đã thổi ràn rạt như thiêu cháy hết ruộng vườn, đất đai. Dường như ông trời đang muốn thử thách ý chí và sức chịu đựng của con người nơi đây. “Sống và chiến đấu với thiên tai - địch họa" đã trở thành một nếp sống của người Lệ Thủy.

Làng quê đang bước vào những ngày đầu năm mới 2011, gác lại những bận rộn, lo toan thường nhật, mọi người tất bật chuẩn bị đón xuân về. Trên những con đê dọc bờ Kiến Giang, người ta phơi đầy lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, bánh tét, bánh ít… Để chọn được lá gói bánh đẹp - vừa ý phải vượt hơn 30km ngược lên phía tây, vào các cánh rừng thuộc dãy Trường Sơn để chặt lá. Lá chặt về phải được rửa sạch bằng nước sông Kiến Giang vào buổi sớm mai, sau đó đem phơi khô.

Chiều 30 tết, trước hiên nhà, đám trẻ con vây quanh những người già ngồi khoanh tròn gói bánh. Những chiếc bánh chưng, bánh đòn quê tôi luôn to và dài hơn các vùng khác. Trong thời buổi kinh tế thị trường, mọi thứ đều được làm sẵn, bày bán nhan nhản trong các cửa hàng siêu thị, nhưng gói bánh chưng, bánh đòn… vẫn được người dân quê tôi làm vào mỗi dịp tết. Bởi theo người già trong làng, bánh chưng, bánh đòn là cái hồn của tết Việt, nó mang trong mình những câu chuyện truyền thuyết của dân tộc và câu chuyện riêng của người Lệ Thủy.

Đêm ba mươi, bên bếp lửa bập bùng, tôi cùng ngoại thức canh nồi bánh chưng. Ngoại kể rằng, ngày trước chiến tranh, để có lương thực cho bộ đội vào Nam đánh giặc, người Lệ Thủy đã gói bánh chưng, bánh đòn gửi người ra tuyến lửa. Mỗi lần có đơn vị hành quân qua, dân trong làng lại tập trung cắt lá, gói bánh. Những khuôn làm bánh được nới rộng để chiếc bánh to hơn, bộ đội được ăn no. Chiến tranh kết thúc, những chiếc khuôn làm bánh ngày xưa vẫn được nâng niu, gìn giữ như kỷ vật của một thời đạn lửa. Càng gần đến khoảnh khắc giao thời, cái lạnh càng buốt. Bếp lửa vẫn cháy rực và phát ra những tiếng nổ tí tách.

Ngoại kể tiếp, ngoài truyền thống làm bánh chưng ngày tết, hầu hết các nhà trong làng đều dựng cây nêu với quan niệm xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo trong năm cũ. Cây nêu được làm bằng thân cây tre cao, thẳng và gắn cờ Tổ quốc ở đầu nêu. Ngày trước, chỉ có những địa chủ, phú hộ giàu có trong làng mới được trồng nêu ngày tết để thể hiện quyền lực. Sau này nhà nhà đều được trồng nêu theo tín ngưỡng dân gian. Tre làng dần khan hiếm, nhưng người làng cũng xuôi ngược mua cho được tre về làm cây nêu.

Cùng giữ hồn quê

Như đã thành thông lệ, cứ đến ngày mồng một tết, hầu hết dân làng đều tập trung tại đình làng để thắp nhang, cúng bái thần hoàng. Những người già đại diện cho các họ trong làng sẽ thay nhau đọc thơ chúc tết, cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc cho cả làng. Sau lễ cúng, mọi người quây quần bên dưới mái đình nghe người già kể chuyện. Những câu chuyện lập ấp, giữ làng luôn thu hút đám thanh niên như chúng tôi. “Ngày trước, để khai phá vùng đất chiêm trũng Lệ Thủy, Quận công Hoàng Hối Khanh, một danh tướng dưới hai triều Trần - Hồ đã chiêu mộ dân của 12 dòng họ vào khai canh, lập ấp. Ngài cấp lương thực, dụng cụ, dạy cho dân làng trồng lúa, trồng ngô, phát triển kinh tế. Quận công là thần hoàng của cả vùng Lệ Thủy rộng lớn”, vị già làng nhắc lại câu chuyện thủa khai hoang, lập xứ.

Để tưởng nhớ công ơn người khai phá, dân làng Thượng Phong đã lập đền thờ ông ngay bên dòng Kiến Giang và quanh năm hương khói. Hiện lăng mộ của Quận công được đặt tại thôn Đại Thủy (Trường Thủy – Lệ Thủy – Quảng Bình). Câu chuyện khép lại, mọi người đổ dồn ra sân đình tham gia các trò chơi dân gian như: đánh cù, hát đối đáp, hát hò khoan giã gạo… “Với người Lệ Thủy, hát hò khoan gắn liền với đời sống sản xuất nông nghiệp của làng quê. Từ thủa lọt lòng, con em làng này đã được nuôi dưỡng bằng dòng nước Kiến Giang và điệu hò khoan xứ Lệ”, ông Nguyễn Văn Tạo (người làng Thượng Phong) đã bước qua tuổi 76 vẫn tận tụy dạy cho con cháu đời sau những điệu hò, điệu múa quê hương. Họ là những người giữ hồn của làng quê.

Khi mặt trời đã khuất dần sau rặng tre, cái lạnh thấm vào người, mọi người mới bắt đầu về nhà, kết thúc một ngày xuân đậm sắc quê.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

HLV Hoàng Anh Tuấn: 'U23 Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý'

HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ trong phòng họp báo sau trận, ông chỉ hài lòng về mặt kết quả, còn tinh thần toàn đội căng cứng nên đá không đúng ý đồ.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.